Người Việt Nam vốn thiện lương chân chất, nhưng không biết từ bao giờ lại càng ngày càng trở nên lạnh lùng vô cảm. Vậy nguyên nhân rốt cuộc là vì đâu? Có phải đó là bản chất thật tồn tại trong mỗi người dân đất Việt?
Tôi nhớ ngày chân ướt chân ráo sang Đức, một mình tự mò mẫm giữa Berlin xa lạ. Đường phố Berlin vắng hiu chứ đâu có đông đúc như ở nhà. Vậy mà lạc đường. Thật đáng sợ. May mắn thay, một bác gái người Đức, không hề biết nói tiếng Anh, đã tận tình đứng gần nửa tiếng vẫy taxi (ở Đức bắt taxi rất khó), rồi nói gì đó với lái xe, tôi thoát hiểm.
Thử hỏi, giữa cái lạnh -5 độ C nhá nhém tối, người phụ nữ ấy cứ “vô cảm” để mặc một người xa xứ như tôi “bơi” trong xứ tuyết, lữ khách sẽ tủi phận nhường nào. Một cử chỉ ấm lòng đó đã khiến tôi thiện cảm ngay lập tức với nước Đức, một dân tộc vẫn bị chê là “lạnh lùng”.
Nhớ có lần sang thăm Rome đúng vào dịp lễ Phục sinh, xe buýt đông như nêm, tôi bị móc túi, phải vào đồn cảnh sát. Tôi đã bị chinh phục bởi một cử chỉ hết sức ân cần của anh cảnh sát, dù đang rất bận với hàng tá nạn nhân, nhưng vẫn đứng dậy ra đóng cửa sổ cho khỏi gió rồi ân cần hỏi han khi một bà cụ bước vào.
Ở nơi đây, hình ảnh một người xa lạ chìa tay đỡ người già, trẻ con bước lên xe buýt là điều hết sức bình thường. Một người qua đường cúi xuống nhặt rác (không phải của mình) cho vào thùng là hết sức bình thường. Một người đàn ông mở cửa giúp phụ nữ, trẻ em là điều hết sức bình thường.
Và những ánh mắt giận dữ sẽ ngay lập tức ném về phía những người cố tình vượt đèn đỏ, những người không chịu xếp hàng, những người vô tình mở loa oang oác khi nói chuyện điện thoại…v.v. Những hành vi phản cảm luôn luôn bị cả cộng đồng phản đối tức thì.
Tôi cứ nghĩ mãi về cái gọi là “ý thức” ở những nước phát triển. Phải chăng cái xấu mới manh nha đã bị cả cộng đồng lên án nên chẳng có đất mà phát triển. Tôi tin rằng một người Việt Nam dù quen vượt đèn đỏ ở nhà, sang Đức sẽ nhanh chóng tuân thủ luật giao thông.
Ở nước ta, hành động tốt cũng chẳng được cổ vũ, hành động xấu cũng chẳng bị lên án. Mọi người cứ thờ ơ, lặng lẽ đi qua nhau. Và đương nhiên, chính điều đó là đất tốt cho cái xấu phát triển. Cỏ dại vốn dễ sống, dễ lây lan, cái tốt ngày càng bị nhấn chìm.
Một điểm khác biệt nữa là ở các nước phát triển, tôi thấy người ta rất “hào phóng” lời khen, khen đúng chứ không phải “ve vuốt” nhau. Đó cũng là một động lực khuyến khích cái tốt lớn nhanh.
Tờ Petrotimes từng đăng: “Việt Nam đứng thứ 13 trong bảng xếp hạng những quốc gia mà người dân ít có cảm xúc (vô cảm) nhất. Điều đó cho thấy mức độ nghiêm trọng của căn bệnh thờ ơ, dửng dưng của không ít người Việt hiện nay”.
Tôi không nghĩ người Việt Nam vô cảm, bởi ở một môi trường khác, họ trở thành con người khác, hoàn toàn hòa nhập. Vậy phải chăng, xã hội Việt Nam đang khiến người dân trở nên vô cảm?
Xem thêm: Văn hóa suy đồi, đạo đức sa đọa là vì đâu?
Khi một người có hành động sai, cộng đồng không lên án, đó là lỗi của cả cộng đồng. Không ai nghĩ mình sai cho đến khi được người khác chỉ ra một cách thấu tình đạt lý. Trong khi đó, cộng đồng lại chỉ quen chỉ trích phê phán theo hiệu ứng đám đông, thiếu căn cứ, làm sao người có lỗi nhận ra khuyết điểm của mình.
Thiết nghĩ, muốn trị tận gốc sự vô cảm, từng cộng đồng nhỏ, từ cơ quan, trường học hãy cùng lên án cái xấu, cùng nuôi dưỡng cái tốt. Tôi tin mầm xanh sẽ đánh bại cỏ dại. Từ mẫu giáo, phổ thông, thay vì môn đạo đức giáo điều, hãy dạy trẻ biết chia sẻ với cô giáo, bạn bè, gia đình từ những việc nhỏ nhất như giúp mẹ việc nhà, tự biết phục vụ bản thân. Cái tốt được ươm mầm mỗi ngày một ít.
Thấy một người hoạn nạn mà bạn làm ngơ, nghĩ rằng chẳng liên quan đến mình. Nhưng đến khi chính mình hoạn nạn, bạn mới thấy cái cô độc giữa một rừng người nó khủng khiếp đến nhường nào.
Nhà hàng xóm cháy sẽ lan sang nhà mình. Một người bị đau mắt đỏ có thể kéo theo cả cộng đồng. Vì vậy mà phương Tây họ luôn tạo cái gọi là “biên giới mềm” khi đi hỗ trợ phòng chống bệnh tật tại các nước kém phát triển. Thực chất, người phương Tây đang lo xa cho chính bản thân họ.
Vậy thì tuyên chiến với vô cảm cũng là lo xa cho chính bản thân mình, gia đình mình. Mỗi người hãy chìa bàn tay khi người khác cần, hãy quyết liệt phản đối những hành động xấu, tôi tin, xã hội sẽ chuyển mình khỏi lớp vỏ vô cảm bao bọc bấy lâu.
Con người luôn sẵn có lòng thương. Tuy nhiên xã hội cần có phương pháp để lòng thương đơm hoa kết trái.
Trong tác phẩm Đời thừa, nhà văn Nam Cao từng viết: “Không có tình thương, con người chỉ là một con vật bị sai khiến bởi lòng ích kỷ”.
Tôi nghĩ rằng, không phải chúng ta thiếu đi lòng tốt, cũng không phải con người muốn đối xử với nhau không có tình. Ai cũng muốn được sống trong một môi trường trong lành, nơi con người cư xử thân ái với nhau.
Xã hội muốn có sự tốt đẹp đó cần rất nhiều thứ để nuôi dưỡng niềm tin trong con người. Nhưng nếu như cái xấu, giả dối, những vụ lợi, bon chen, tham lam vẫn được dung dưỡng để lấn át, rồi sinh sôi nảy nở đầy rẫy trong đời sống xã hội thì nhiều người sẽ buộc phải chọn cho mình biện pháp an toàn là sống vô cảm như một kỹ năng để… tồn tại!
Tác giả: Thảo Chi
Theo SKĐS