Vinh hoa phú quý đều là thứ mê hoặc con người ở thế gian. Nhưng rốt cuộc thì nhân gian dẫu mỹ hảo đến đâu cũng chỉ là giấc mộng, sẽ nhanh chóng tan biến trong hư vô. Chỉ có tu hành, thoát khỏi sự ràng buộc của danh lợi, mới thật sự khiến con người thoát khỏi bể khổ.
Vào thời Tùy Dương Đế, có 3 người bạn là Bùi Kham, Vương Kính Bá và Lương Phương rủ nhau đến núi Bạch Lộc xin học Đạo giáo.
Tuy nhiên đã hơn 10 năm tu luyện, trải qua muôn vàn gian khổ, nhưng họ vẫn không thấy đắc được gì, sau đó thì Lương Phương cũng qua đời.
Vương Kính Bá thấy vậy nói với Bùi Kham: “Chúng ta đã rời bỏ quê hương, từ bỏ cuộc sống xa hoa và giàu có trên thế gian để vào nơi núi sâu rừng già.
Chúng ta không được nghe nhạc hay, không được ăn ngon, không thể nhìn thấy những mỹ nữ xinh đẹp, chúng ta rời khỏi những dinh thự đẹp đẽ để đến sống ở những ngôi nhà tranh, tự thấy xấu hổ vì hưởng thụ, chịu đựng nỗi cô đơn và sống một cuộc sống khó khăn như vậy, tất cả những điều này là để được đắc đạo thành tiên.
Mong một ngày có thể cưỡi hạc, cưỡi mây đến Bồng Lai, sống một cuộc sống thần tiên. Mà dẫu ngay cả không thể trở thành thần tiên, cũng hy vọng có thể trường sinh bất tử, sống mãi với nhân gian.
Tuy nhiên, bây giờ tôi không nhìn thấy điều đó ở đâu? Không có hy vọng trường thọ. Nếu chúng ta tiếp tục chịu đựng ở đây, chúng ta chỉ có thể chết trong núi.
Tôi dự định sẽ ra ngoài ngay lập tức và quay lại cuộc sống xa hoa trước đây. Trở lại nhân gian với tư cách là một vị cao quan, mặc áo bào tím, thắt đai vàng quanh eo, hàng ngày ở cùng với các vị quan lớn khác, sống một cuộc sống vẻ vang. Tại sao chúng ta không quay về? Tại sao lại phải chết trên núi như vậy?”
Bùi Kham nghe vậy bèn nói: “Tôi đã nhìn thấu thế gian từ rất lâu rồi. Vinh quang và sự giàu có của thế gian chỉ giống như một đám mây trôi qua. Chúng ta may mắn vừa mới thức tỉnh khỏi giấc mộng lớn đó, sao có thể quay trở lại đó được?”
Tuy nhiên, mặc cho Bùi Kham có cố gắng níu giữ cách nào đi nữa, thì Vương Kính Bá cũng không chịu nghe lời, một mình đi ra khỏi núi.
Thời điểm đó là thời trị vì của hoàng đế Đường Thái Tông. Vương Kính Bá sau khi xuống núi, không chỉ khôi phục lại địa vị lúc đầu, mà ông còn kết hôn với con gái của một vị tướng quân.
Có một lần Vương Kính Bá nhận lệnh đi về phía Nam, được ngồi trên một chiếc thuyền oai phong lẫm liệt. Đột nhiên, ông thấy có một chiếc thuyền đánh cá nhỏ xuất hiện trước thuyền của triều đình. Hóa ra đó là thuyền của Bùi Kham.
Vương Kính Bá bèn đuổi theo thuyền của Bùi Kham và mời Bùi Kham lên thuyền của mình tâm sự: “Có một vụ án đáng ngờ ở Hoài Nam. Hoàng đế ra lệnh cho tôi đến xử lý. Lão huynh còn giỏi hơn tôi nhiều? Nhưng lại đang ẩn mình trong núi sâu, tôi thật sự không hiểu”.
Bùi Kham trả lời: “Tôi chỉ là dân thường ở miền núi, sớm đã đặt tâm mình vào những cánh hạc trong làn mây trôi. Tôi như cá bơi dưới nước, còn ông lại bay trên trời như chim. Mỗi người có một thú vui riêng.
Tôi và những người bạn trên núi của tôi đến Quảng Lăng bán thuốc, có chỗ nghỉ ngơi. Ở phía đông của lầu Thanh Viễn còn có một vườn đào, nhà tôi ở cổng phía bắc của khu vườn”.
Nghe vậy, sau khi Vương Kính Bá xong việc, bèn đến chỗ mà Bùi Kham chỉ thì thấy nhà của Bùi Kham thật sự rất sang trọng, càng bước vào càng thấy đẹp, có rất nhiều tầng lầu, là chốn thần tiên của cỏ cây hoa lá, cảnh đẹp, gió thơm, cứ như đang ở trên mây vậy. Thế là ông đã ở lại đó cả đêm.
Lúc này Bùi Kham bèn nói với người bạn của mình: “Ông là bạn của tôi ở trên núi. Bởi vì ông không tu luyện một cách kiên định, ông ra làm quan ở nhân gian đã lâu, đã bị mê hoặc bởi sự giàu có.
Quá thông minh ắt bị thông minh hại, nhiều mưu kế ngược lại thành hại chính mình, không thể thấy được nơi miền cực lạc. Tôi mời ông tới đây là cố ý làm cho ông tỉnh ngộ, ông thân còn có công vụ, nhưng lại ở chỗ này cả đêm. Thôi ông hãy quay về nơi ở của mình đi”.
Thế là Vương Kính Bá đành ra về, nhưng hôm sau ông có đến tìm Bùi Kham một lần nữa, thì phát hiện mọi thứ đã tan biến. Ông chợt nhận ra bản thân mình do ý chí tu luyện không kiên định, đã bị rơi vào cõi hồng trần mất rồi.
Chúc Di