Những con đường quen thuộc với người Sài Gòn như: Tôn Thất Đạm, Sương Nguyệt Anh, Trần Khắc Chân, Nguyễn Văn Tráng, Lương Nhữ Học, Kha Vạn Cân… được các nhà nghiên cứu địa danh học cho rằng đang bị viết sai tên.
Đường Kha Vạn Cân tên đúng phải là Kha Vạng Cân. Theo nhà nghiên cứu địa danh học Lê Trung Hoa, Kha Vạng Cân là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Công nghiệp nhẹ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau khi thống nhất đất nước, ông giữ chức Vụ trưởng Ban Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM. Tên của ông được đặt cho một con đường ở quận Thủ Đức nhưng đã bị viết sai thành Kha Vạn Cân
Đường Trương Quốc Dung thuộc địa bàn quận Phú Nhuận cũng là một trong những con đường bị viết sai tên. Trong lịch sử Việt Nam, chỉ có ông Trương Quốc Dụng sống ở thế kỷ 19. Ông là một nhà thiên văn học, nhà sử học và nhà văn nổi tiếng. Ông được xem là người có công truyền dạy, chấn hưng khoa làm lịch Việt Nam thời nhà Nguyễn.
Đường Trần Khắc Chân cũng đang bị viết sai, tên đúng phải là đường Trần Khát Chân. Theo PGS.TS Lê Trung Hoa, trong lịch sử Việt Nam, Trần Khát Chân là một danh tướng dưới thời nhà Trần. Năm 19 tuổi, ông đã được triều đình phong làm tướng cầm đầu đội quân Long Tiệp và được Nhà vua trao phó trọng trách làm Tổng chỉ huy quân đội nhà Trần đi đánh quân Chiêm Thành đang phá cướp nước ta.
Ngay trung tâm quận 1, con đường Tôn Thất Đạm đang bị viết sai tên, tên đúng phải là Tôn Thất Đàm. Bởi vì lịch sử Việt Nam chỉ chép lại Tôn Thất Đàm là con trai của Tôn Thất Thuyết. Ông và em trai là Tôn Thất Tiệp (có tài liệu ghi là Tôn Thất Thiệp) theo cha trong suốt quãng thời gian xảy ra vụ thất thủ kinh đô năm 1885 đến khi vua Hàm Nghi bị bắt. Khi hay tin vua Hàm Nghi bị bắt, Tôn Thất Đàm khi đó mới 22 tuổi đã uống thuốc độc tự sát để tỏ lòng tận trung với vua.
Tên đúng của đường Nguyễn Văn Tráng phải là Phạm Văn Tráng. PGS.TS Lê Trung Hoa lý giải, Phạm Văn Tráng là Đảng viên của Việt Nam Quang Phục hội của Phan Bội Châu. Năm 1913, ông được giao nhiệm vụ thực hiện bản án tử hình đối với tuần phủ tỉnh Thái Bình là Nguyễn Duy Hàn, một tên tay sai đắc lực của thực dân Pháp. Ông đã hoàn thành nhiệm vụ nhưng bị bắt khi đang trên đường sang Trung Hoa.
Trước đây, các bảng hiệu tên đường Sương Nguyệt Anh ở quận 1 đều nhầm thành đường Sương Nguyệt Ánh. Hiện nay mặc dù mới cắm lại bảng tên đường là Sương Nguyệt Anh nhưng nhiều bảng hiệu, địa chỉ của các quán ăn, cửa hiệu trên đường này vẫn đang để tên đường là Sương Nguyệt Ánh. Nguyệt Anh là con gái thứ 5 của cụ Nguyễn Đình Chiểu, nổi tiếng vì có sắc đẹp và tài làm thơ. Khi chồng qua đời bà thêm chữ Sương tức sương phụ, người đàn bà góa chồng đứng trước để thành biệt hiệu Sương Nguyệt Anh.
Bên cạnh đó, theo PGS.TS Lê Trung Hoa, còn một số tên đường đang bị viết sai như đường Lương Nhữ Học (quận 5) tên đúng phải là Lương Nhữ Hộc (cũng có tài liệu gọi là Lương Như Hộc). Lương Nhữ Hộc là một danh sĩ ở thời nhà Lê sơ. Ông hai lần đi sứ sang nhà Minh, học được nghề in và về dạy lại cho nhân dân. Ông cũng được tôn xưng là ông tổ nghề khắc ván in.
Ngoài ra, đường Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn) cũng đang bị viết sai. PGS.TS Lê Trung Hoa cho rằng có một biên bản của tòa án thời Pháp thuộc ghi tên là Phạm Văn Hớn nên cần phải tìm hiểu lại vì tên Phan Văn Hớn chưa chính xác. Ông là một nông dân nhưng giỏi văn võ. Ông bị thực dân Pháp căm ghét vì dám đứng ra chống lại bọn cường hào và những người thân Pháp.
Theo Thanh Niên