Phụ Hảo là người phụ nữ đầy tài năng và uy quyền trong lịch sử Trung Hoa triều nhà Thương. Việc phát hiện ra ngôi mộ xa hoa những năm 1970 là minh chứng cho địa vị cao quý của bà trong xã hội thời bấy giờ.
Vào thời xã hội được điều hành bởi những đấng mày râu, bà đảm đương vai trò mà phụ nữ thời bấy giờ chưa dám một lần mơ ước. Ngoài việc giữ trọng trách của một người vợ và mẹ, Phụ Hảo còn là nhà lãnh đạo quân sự, pháp sư và chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn.
Theo ghi chép, vua Vũ Đinh triều nhà Thương (1250 – 1192 TCN) đã củng cố sự trung thành của các bộ lạc lân cận, bằng cách kết hôn với phụ nữ từ mỗi tộc. Điều này khiến ông có rất nhiều vợ. Theo số liệu ghi chép, con số này có thể lên đến 60 người và Phụ Hảo là một trong số đó. Mặc dù, sự thăng tiến cấp bậc của Phụ Hảo trong triều đình chưa được làm rõ, tuy nhiên các văn tự khắc trên mai rùa và xương động vật ở Ân Khư đã cung cấp thông tin về nhiều đóng góp của bà cho nhà Thương.
Theo các văn tự này, bà Phụ Hảo từng chỉ huy nhiều trận chiến thắng lợi chống lại kẻ thù của nhà Thương. Tiêu biểu là Khương Phương, bộ tộc hùng mạnh chuyên đi gây chiến, ngoài ra còn có các bộ tộc khác như Thổ Phương, Ba Phương và Đông Di.
Không chỉ giới hạn trong lĩnh vực quân sự, bà Phụ Hảo cũng là người chủ trì trong các nghi lễ quan trọng. Theo văn tự Giáp cốt, thông thường vua chúa nhà Thương kiểm soát tuyệt đối các nghi lễ này, tuy nhiên Hoàng đế Vũ Đinh đã để bà xuất hiện trong các nghi lễ đặc biệt cũng như những buổi lễ tế thần. Điều này chứng tỏ uy quyền và sự sủng ái của nhà vua đối với bà.
Có thể bà đảm đương trọng trách này khi đã ở trên đỉnh cao quyền lực. Cũng có thể nó là sự bình đẳng duy nhất mà bà có được trong triều nhà Thương thời bấy giờ. Cho dù những ghi chép có đúng hay không thì lăng tẩm của Phụ Hảo cũng cho thấy sự xa hoa bậc nhất và vai trò quan trọng của bà dưới triều nhà Thương.
Phụ Hảo mất khi vua Vũ Đinh còn trị vì. Do đó, lăng mộ dành cho bà được xây dựng ở gần An Dương. Phát hiện vào năm 1976, đây là một trong những công trình được bảo tồn tốt nhất từ triều đại nhà Thương. Hầm mộ với diện tích 5,6 x 4 m có lối ra vào. Bên trong là quan tài gỗ với kích thước lần lượt là 5 x 3.5 x 1.3 m. Các nhà khảo cổ có thể khẳng định danh tính chủ sở hữu của ngôi mộ này, bởi vì tên bà Phụ Hảo được khắc trên các đồ vật xung quanh.
Một điều hiếm thấy ở lăng mộ của bà là không có tình trạng bị trộm viếng thăm.Tổng cộng có hơn 400 di vật bằng đồng bao gồm vũ khí, chuông, gương và các vật dụng dùng trong nghi lễ. Hơn nữa, một lượng lớn ngọc bích (755 món), xương (564 món), ngà voi, đá và các đồ dùng bằng gốm, cũng như hàng ngàn vỏ Cowrie (tiền dùng vào triều Thương) đã được tìm thấy trong ngôi mộ.
Ngoài ra, để đảm bảo bà Phụ Hảo vẫn được phục vụ tốt ở thế giới bên kia, những người hầu cũng được chôn theo cùng. Điều này thể hiện rõ ở 16 bộ xương người trong hầm mộ của bà.
An Nhiên – Theo Acient Origins