Người ta thường nói, oan oan tương báo biết đến bao giờ mới hết, tha thứ cho người khác được chỗ nào thì nên tha thứ, làm bất cứ việc gì cũng không nên quá tuyệt tình, hãy mở một con đường lui cho người khác.
Dây oan đã kết làm sao gỡ? Làm thế nào trút bỏ được nỗi uất hận trong lòng? Trong “Chúng kinh soạn tạp thí dụ – quyển hạ” có kể một câu chuyện như sau:
Ngày xửa ngày xưa, có một phú ông giàu sang phú quý, nhưng lại không có con cái để hưởng niềm vui thú của gia đình. Sau đó, phú ông đã nhờ một bà mai mối, và lấy thêm một người vợ lẽ khéo léo xinh đẹp. Chẳng bao lâu sau người vợ lẽ sinh được một cậu con trai mập mạp trắng trẻo cho phú ông.
Phú ông vô cùng hạnh phúc, hết mực chiều chuộng người vợ lẽ và con trai của họ; nhưng cũng vì thế mà người vợ cả sinh lòng đố kỵ, bề ngoài tỏ ra rất yêu mến người vợ lẽ và con cậu con trai của người vợ lẽ, nhưng trong lòng lại mưu đồ tính toán dự định vào một ngày nào đó sẽ loại bỏ hai mẹ con họ.
Khi cậu con trai hơn một tuổi, kháu khỉnh khỏe mạnh, vô cùng đáng yêu, kẻ trên người dưới trong gia đình không ai nghi ngờ tình yêu của vợ cả dành cho cậu bé. Một ngày nọ, nhân lúc mọi người không chú ý, người vợ cả đã dùng một cây kim nhỏ đâm vào huyệt Bách hội trên đầu cậu bé.
Cậu bé không nói được, nhưng vì đau đớn nên khóc ròng rã đêm ngày, mọi người trong gia đình không biết rốt cuộc cậu bé đã mắc căn bệnh kỳ quái gì, mời nhiều thầy thuốc đến thăm khám nhưng đều vô hiệu, 7 ngày sau thì cậu bé mất. Người vợ cả cũng tỏ vẻ đau buồn, khóc lóc thảm thiết, mẹ của cậu bé đau lòng đến tuyệt vọng, không ăn không uống, thoi thóp yếu ớt.
Sau đó mới điều tra ra là do người vợ cả ra tay tàn độc, mẹ của cậu bé nhớ đến đứa con ngây thơ vô tội của mình bị ám hại, đau đớn tột cùng không muốn tiếp tục sống nữa, nên đã ngầm thề rằng sẽ báo thù cho con trai.
Cô đến một ngôi chùa, hỏi hòa thượng đại đức trong chùa rằng: “Con có một ước muốn trong lòng, thì phải tu luyện công đức gì để đạt được ước nguyện?” Hòa thượng nói với cô: “Thọ trì bát quan trai giới, sở cầu như ý, nuôi dưỡng thiện căn xuất thế gian”.
Người vợ lẽ một lòng muốn báo thù, không lĩnh hội được hết những lời hòa thượng nói, nên cùng với Tỳ khưu trong chùa thọ trì Bát quan trai giới bảy ngày bảy đêm, sau đó về nhà không lâu sau thì chết.
Sau khi người vợ lẽ chết, linh hồn được đầu thai làm con gái của vợ cả. Người vợ cả của phú ông bất ngờ có thai, vui mừng khôn xiết, phú ông cũng cũng tạm nguôi ngoai nỗi đau mất con.
Đứa con gái ra đời, xinh đẹp hơn người, người vợ cả hết mực yêu chiều, ngày đêm chăm sóc, nâng niu như ngọc.
Khi hơn một tuổi, đứa bé gái đột ngột qua đời mà không thể giải thích được, người vợ cả của phú ông lúc bấy giờ mới phải nếm trải nỗi đau mất con, đau khổ tột cùng, cả ngày không ăn không uống, tình cảnh thê thảm không kém người vợ lẽ năm đó là bao.
Cứ thế 7 lần đến rồi 7 lần đi, người vợ lẽ của phú ông đầu thai làm con gái của người vợ cả bảy lần, lần nào sinh ra cũng đoan chính thanh tú, khiến ai nấy cũng đều yêu mến, có lúc thì 2, 3 tuổi là chết, có lúc là 4, 5 tuổi. Người vợ cả của phú ông cứ liên tục đón nhận niềm vui mang thai, nỗi đau khi sinh nở, cảm giác hài lòng khi nuôi dạy con gái nhỏ và phải chịu đựng nỗi đau mất con.
Lần cuối cùng, cô bé lớn đến mười bốn tuổi, xinh đẹp tuyệt trần, yểu điệu thướt tha, đã đính ước chuẩn bị gả đi, nhưng một đêm trước ngày xuất giá, cô bé lại vô duyên vô cớ mà chết. Người vợ cả của phú ông dậm chân đấm ngực, đau lòng đến chết, cả ngày không nói không rằng, không ăn không uống, chỉ biết khóc thầm, nhìn xác con trong quan tài, không cho người nhà mang đi chôn.
Sau hơn 20 ngày, có một vị A-la-hán chính đạo động lòng trắc ẩn, muốn giúp cứu độ, nên đến nhà phú ông gặp người vợ cả, người tỳ nữ vào nhà báo tin, người vợ cả nói: “Ta buồn quá, sắp chết rồi. Làm sao gặp được người xuất gia? Cho ông ấy ăn chút gì đi!”
A-la-hán khăng khăng muốn gặp người vợ cả. (Ảnh minh họa: Bức tranh 1207 của Liu Songnian / Bộ sưu tập của Bảo tàng Cung điện Quốc gia, Đài Bắc)
Nhưng A-la-hán nhất quyết muốn gặp người vợ cả, và người tỳ nữ lại phải vào để bẩm báo. Sau nhiều lần quay đi quay lại, người vợ cả cảm thấy khó hiểu nên đã ra gặp vị A-la-hán với mái tóc xù xì và khuôn mặt hốc hác.
Vị A-la-hán biết rõ sự tình nhưng vẫn cố tình hỏi: “Tại sao con lại buồn như vậy?” Người vợ cả trả lời: “Con sinh được bảy cô con gái xinh xắn. Nhưng cứ đến 2, 3 tuổi, không thì 4, 5 tuổi là yểu mệnh mà chết, đứa con gái cuối cùng này thì lớn đến lúc 14 tuổi, đã đính ước và chuẩn bị gả đi, nào ngờ đêm hôm trước khi xuất giá, con bé cũng lại đột ngột chết, con không biết kiếp trước đã gây nên nghiệp chướng gì… “
Nói xong người vợ cả lại đau đớn buồn bã vùi đầu khóc lóc thảm thiết, vị A-la-hán an ủi: “Con hãy tắm rửa sạch sẽ trước, ta quay lại sẽ nói cho con biết.” Người vợ cả đang đau đớn vô cùng, làm gì có tâm trạng mà tắm rửa, vị A-la-hán lại nói: “Người vợ lẽ của nhà con đâu? Cô ấy mất như thế nào?”
Người vợ cả đã vô cùng sửng sốt khi hòa thượng hỏi như vậy: “Người xuất gia này làm sao biết được những chuyện này?” Vì vậy, bà ta lau nước mắt, chỉnh sửa lại mái tóc bù xù, sai người hầu dâng trà và cung kính xin A-la-hán chỉ giáo.
Vị A-la-hán nói: “Gia đình con từng có một người vợ lẽ, cô ấy chết như thế nào?” Người vợ cả trầm ngâm không trả lời, trong lòng cảm thấy rất xấu hổ, vị A-la-hán lại nói: “Con giết con trai của cô ấy, khiến cô ấy đau khổ mà chết, cô ấy không can tâm, bảy lần đầu thai làm con gái của con, khiến con cũng phải nếm trải nỗi đau khi mất con, và dùng sự đau khổ này để giết chết con; vì vậy cô ấy thực chất là oan gia của con, đâu phải là con gái của con? Không tin con nhìn vào quan tài mà xem!”
Người vợ cả nhìn vào trong quan tài, xác chết đã phân hủy, mùi hôi thối nồng nặc. A-la-hán nói: “Con vẫn còn tiếc cái xác này sao?” Người vợ cả vô cùng xấu hổ, liền ra lệnh cho người hầu đóng quan tài lại và đem chôn.
Người vợ cả lại xin A-la-hán được sám hối, và xin thọ giới. A-la-hán đồng ý và mời bà đến chùa vào ngày hôm sau để truyền giới cho bà.
Người vợ lẽ của phú ông sau khi đầu thai làm con gái của người vợ cả, sau đó chết yểu, nàng lại đầu thai thành rắn độc, biết tin người vợ cả sắp xuất gia đi tu, sáng sớm đã đợi trên đường để cắn chết bà.
Người vợ cả đi được nửa đường thì thấy con rắn độc nằm chắn ngang trên đường, rất hoảng sợ không dám tiến lên. Vị A-la-hán nhập định trong chùa, thấy sự việc trên, liền chạy đến và nói với con rắn độc đang cản đường rằng:
“Cô lẽ nào đời đời kiếp kiếp muốn làm con gái bà ta, hãm hại nhau mãi không thôi sao? Phu nhân chỉ giết con cô một lần thôi, mà cô ôm oán hận ngút trời, đầu thai bảy lần để trả thù, tội ác bảy lần trước của cô có thể bỏ qua, nhưng hôm nay phu nhân đã quyết định tu hành thọ giới, sao cô lại dám cản đường, muốn đời đời kiếp kiếp vào địa ngục chịu khổ sao? Nhìn cái thân xác rắn của cô đi! Giờ làm sao có thể so với thân xác người của phu nhân?”
Sau khi nghe vị La hán nói, rắn độc đột nhiên nhớ tới kiếp trước của mình, mọi oán hận, tủi nhục khi xưa đột nhiên biến mất, rắn độc cúi đầu không ngẩng lên, trầm ngâm suy nghĩ những lời La Hán nói.
Sau đó, A-la-hán niệm chú để giải oan cho họ, cuối cùng nói: “Những mối hận thù và tội lỗi trước đây của hai người từ nay sẽ tiêu tan, đời đời không được hãm hại nhau nữa.”
Cả hai đều nghe theo lời của La Hán và sám hối với La Hán. Sau khi sám hối, linh hồn của người vợ lẽ thoát khỏi thân xác rắn, đầu thai làm người, chờ đợi thời cơ nghe giảng Phật pháp; còn người vợ cả của phú ông cũng tháo gỡ được những vướng mắc ở trong lòng, đạt được sở quả Tu đà hoàn, sau đó được A-la-hán thọ giới làm Ưu bà di.
Chân Chân (Theo Soundofhope)