Sacsayhuamán là di tích cổ đại nằm ở ngoại ô thủ đô Cuzco của đế quốc Inca, nay thuộc Peru. Đây là khu vực có nhiều công trình xây dựng mà đến nay vẫn luôn khiến nhiều nhà khảo cổ học và nhà khoa học đau đầu…
Công trình kỳ vĩ này được xây dựng từ các khối cự thạch khổng lồ, nặng đến nỗi máy móc hiện đại cũng phải gặp khó khăn khi vận chuyển và đặt chúng vào đúng vị trí mong muốn.
Liệu chìa khóa cho ẩn đố này nằm ở một loài thực vật đặc thù có khả năng làm mềm đá theo nghĩa đen hay một loại công nghệ nung chảy đá tiên tiến thời cổ đại?
Theo 3 nhà nghiên cứu Jan Peter de Jong, Christopher Jordan và Jesus Gamarra, những viên đá granit ở Cuzco đã được nung nóng đến một nhiệt độ rất cao rồi sau đó cho đông cứng và thủy tinh hóa, khiến cho bề mặt của chúng trở nên láng mịn như thủy tinh.
Dựa vào những quan sát này, 3 nhà nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng vào thời điểm đó, một số thiết bị công nghệ cao đã được sử dụng làm tan chảy khối đá sau đó chúng được đặt cạnh các khối đa giác cưa xoi đã đặt sẵn tại vị trí để tự nguội dần.
Các hòn đá mới sẽ được đặt lên hòn đá đã cố định với độ chính xác gần như hoàn hảo, nhưng chúng vẫn là những khối granit riêng biệt, sau đó sẽ có nhiều khối đá được làm “tan chảy” rồi đặt lên vị trí xung quanh để tạo thành một bức tường đá khổng lồ.
Nhà nghiên cứu Jong và Jordan cho rằng một số nền văn minh cổ xưa trên thế giới đã khá quen thuộc với công nghệ làm tan chảy đá trong quá trình xây dựng, “những viên đá trên một số con đường cổ kính ở Cuzco có dấu hiệu đã bị đông cứng lại sau khi được đun nóng lên nhiệt độ rất cao để cho ra một kết cấu thủy tinh đặc trưng.
3 nhà khoa học nói rằng nhiệt độ đun nóng cần phải đạt đến 1.100 độ C và các địa điểm khảo cổ quanh Cuzco, bao gồm cả Sacsayhuaman và Qenko, cũng cho thấy dấu hiệu của quá trình thủy tinh hóa.
Ngoài ra còn có một số bằng chứng cho thấy người Peru cổ đã từng tiếp xúc với nhựa của một loại cây có khả năng làm mềm đá, nhờ đó họ có thể làm cho những tảng đá khớp với nhau hơn và xây thành bức tường đá rắn chắc.
Trong cuốn sách “Cuộc thám hiểm Fawcett: Hành trình đến thành phố thất lạc Z”, đại tá Fawcett đã kể những gì ông nghe được về những viên đá được khớp nối với nhau bằng cách làm mềm đá như đất sét dưới tác dụng của một loại chất lỏng.
Brian Fawcett, người biên tập lại cuốn sách của cha ông đã kể lại câu chuyện này trong phần chú thích ở cuối trang rằng: Một người bạn của của ông [cha Brian] khi còn làm việc tại trại khai thác mỏ ở Cerro di Pasco miền Trung Peru, từng phát hiện chiếc lọ lạ trong một ngôi mộ thuộc nền văn minh Inca hoặc tiền Inca. Người thợ mỏ này đã mở cái lọ ra, thoạt đầu người thợ nghĩ đây là loại thức uống có cồn nào đó. Sau đó ông vô tình đập chiếc lọ vào đá.
Fawcett nói: “Khoảng mười phút sau, tôi cúi xuống nhìn tảng đá và tình cờ kiểm tra thứ chất lỏng vừa bị đổ ra khỏi cái chai. Nhưng nó đã không còn nữa, toàn bộ đã ngấm vào tảng đá và tảng đá cũng trở nên mềm như xi măng ướt! Như thể tảng đá đã tan chảy ra, giống như sáp nến bị đun nóng ở nhiệt độ cao.
Ông cho rằng loài cây này có thể được tìm thấy trên sông Pyrene vùng Chuncho của Peru, nó có màu sẫm đỏ, cao khoảng 30cm. Lần khác, ông tình cờ quan sát được một con chim lạ ở Amazon, ông nhìn thấy nó làm tổ bằng cách chà xát nhánh cây lên đá, nhựa của cành cây đã làm khối đá mềm ra tạo thành một khoang rỗng trên đá và con chim dùng khoang rỗng này để làm tổ”.
Đối với một số người, đây có thể là một ý tưởng xa vời khi cho rằng nhựa từ một loài cây có thể giúp người Peru cổ đại dựng nên những công trình đáng kinh ngạc như di chỉ Sacsayhuamán. Tuy nhiên, vì các nhà khoa học hiện vẫn chưa thể giải thích được cách thức các công trình cự thạch (cấu thành từ các tảng đá lớn) ở Peru cũng như nhiều nơi khác trên thế giới được xây dựng, do đó chúng ta không nên phủ nhận bất kỳ ý tưởng nào.
Jean-Pierre Protzen, một nhà nghiên cứu người Pháp đã cố gắng tái dựng lại công trình Sacsayhuaman và Ollantaytambo. Sau nhiều tháng thử nghiệm ở Cuzco, Protzen đã có thể cơ bản định hình và mô phỏng các cấu trúc đá tương tự những công trình thuộc nền văn minh Inca (hoặc tiền Inca).
Nhưng cuối cùng, Protzen cũng phải kết luận rằng nơi đây vẫn còn nhiều bí ẩn khác cần giải quyết. Ông không thể tìm ra cách vận chuyển và xử lý những viên đá lớn hơn. Những nỗ lực của Protzen đã nói lên rằng khoa học hiện đại vẫn chưa thể lý giải hoặc sao chép các công trình xây dựng ở di chỉ Sacsayhuaman và Ollantaytambo, Peru.
Ngoài ra Protzen còn phát hiện thấy các vết cắt trên một số tảng đá rất tương đồng với phần chóp tháp của di chỉ đài tưởng niệm chưa hoàn thiện tại Aswan, Ai Cập. Liệu đây có phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay có một nền văn minh cổ đại nào đó có liên quan đến cả hai nền văn minh này?
Quá trình xây dựng của một số công trình cự thạch đến nay vẫn là một bí ẩn cổ đại chưa có lời giải. Chính vì vậy có thể thấy rằng những giả thuyết khoa học phi chính thống chưa hẳn đã là không hợp lý.
Hoàng An, theo ancientpages.com