Khả năng nhận thức thị giác của người mù khi trải nghiệm cận tử cho đến nay vẫn là điều bí ẩn. Hãy cùng tìm hiểu xem họ nhìn thấy gì khi rơi vào trạng thái gần kề cái chết qua lời kể của người trong cuộc.
Một số nhà khoa học tin rằng trải nghiệm cận tử (NDE) có thể được giải thích bằng các ảo giác do bộ não đang chết dần tạo ra. Tuy nhiên, mô hình này bị phản bác ngày càng mạnh bởi các nghiên cứu thực hiện tại Hà Lan và các nơi khác (van Lommel, 2004). Trải nghiệm này phổ biến một cách đáng ngạc nhiên, đặc biệt từ khi có các kĩ thuật hô hấp nhân tạo.
Năm 1982, cuộc khảo sát của Viện thăm dò dư luận Gallup, Mỹ, cho thấy 15% người dân Mỹ trải qua NDE trong những tình huống khác nhau. Khoảng 9% có trải nghiệm ngoài cơ thể (thoát xác), 11% nói rằng họ bước vào thế giới khác và 8% gặp linh hồn. Tuy nhiên, trải nghiệm NDE của người mù về khả năng nhận thức thị giác cho đến nay vẫn là điều bí ẩn.
Theo Epoch Times, trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Sleep Medicine năm 2014, Amani Meaidi tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch, phát hiện không người mù bẩm sinh nào tham gia nghiên cứu có khả năng nhìn trong giấc mơ. Đối với người mù từng có thị lực lúc nhỏ, họ hiếm khi có nhận thức thị giác trong mơ.
Nghiên cứu về trải nghiệm cận tử của người mù do Kenneth Ring tại Đại học Connecticut, Mỹ, thực hiện trong những năm 1990 cho thấy, 15 trong số 21 tình nguyện viên mù báo cáo nhìn thấy một số loại cảnh tượng đặc biệt, 3 người không chắc chắn mình có nhận thức thị giác, và 3 người còn lại không nhìn thấy bất kỳ điều gì khi ở trạng thái gần kề cái chết.
Sự không chắc chắn của một số tình nguyện viên có lẽ do họ chưa có kinh nghiệm về khả năng nhìn trước đó, kết hợp với đặc tính khác thường của NDE. Ngay cả người bình thường cũng gặp nhiều khó khăn để giải thích những thứ vượt ra khỏi cuộc sống đời thường khi trải nghiệm NDE.
Một người đàn ông mù bẩm sinh trải nghiệm NDE nói với Ring rằng, anh thấy mình trong một thư viện với “hàng nghìn, hàng triệu, hàng tỷ cuốn sách, và chúng kéo dài rất xa“. Khi được hỏi “Anh có thấy chúng bằng mắt không?“, tình nguyện viên trả lời “Ồ, có chứ“.
Vicki Umipeg, nữ tình nguyện viên mù tham gia phỏng vấn, kể lại câu chuyện đáng sợ của mình khi ở trạng thái cận tử.
Ca sĩ mù 22 tuổi này làm việc tại một hộp đêm ở thành phố Seattle, Mỹ. Vào một đêm, Umipeg không thể bắt xe taxi để về nhà sau giờ làm việc, nên cô chấp nhận đi cùng xe với khách hàng quen đang say rượu. Chiếc xe xảy ra tai nạn, Umipeg gặp phải chấn thương nghiêm trọng và hộp sọ bị nứt.
Khi ở bệnh viện Harborview, Umipeg có cảm giác rời khỏi cơ thể và trôi nổi trên trần nhà. Cô nghe thấy bác sĩ nói về khả năng tổn thương màng nhĩ có thể khiến mình bị điếc. Umipeg quan sát thấy bác sĩ đang đứng gần cơ thể mình bên dưới. Cô chưa từng trông thấy hình dáng của mình trước đây. Nữ ca sĩ mù này đột nhiên rơi vào một đường hầm, cô xuất hiện ở một nơi tràn ngập ánh sáng với cỏ và con người.
“Ngày đó, tôi cảm thấy bị choáng ngợp khi trải qua những kinh nghiệm đó. Bởi vì tôi không thể tưởng tượng ánh sáng là như thế nào“, Umipeg nói trong cuộc phỏng vấn với BBC.
Ring trích dẫn câu trả lời của một tình nguyện viên không chắc chắn về khả năng nhìn thấy của mình khi trải nghiệm NDE. “Tôi nghĩ rằng những gì xảy ra là một chuỗi cảm giác kết hợp, sự pha trộn hình ảnh trong tâm trí tôi với thị giác, xúc giác, và đầu vào thông tin mà tôi có. Tôi nhận thức được điều gì đang diễn ra, nhưng không nhớ chi tiết. Đây là lý do tại sao tôi miễn cưỡng mô tả nó là một hình ảnh“.
Ring kết luận: “Trong câu trả lời cho các câu hỏi trước đó của chúng tôi theo kinh nghiệm của các cá nhân, nếu không nhìn thấy, chúng tôi xem xét nó là nhận thức siêu việt, một trạng thái đặc biệt của ý thức và phương thức hiểu biết theo cá nhân, đó là hoạt động của người mù và người mắt sáng trong các trải nghiệm của họ là như nhau và đây chính là điều cần giải thích hiện nay“.
Theo VNExpress