Một nhà nghiên cứu qua khám nghiệm hàng ngàn bộ xương ngựa trong các khu mộ ở Mông Cổ đã phát hiện chứng tích về các thủ tục chăm sóc nha khoa dành cho ngựa. Đây là bằng chứng lâu đời nhất về chăm sóc nha khoa thú y trong tầm hiểu biết của nhân loại, và điều này đã diễn ra từ cách đây 3.300-3.700 năm về trước.
Vết tích của loài ngựa trong nền văn hóa Đá Nai – Khirigsuur
Đá Nai là khu di tích có những tảng đá chạm khắc về nai tuyệt đẹp. Bên cạnh đó còn có các gò đá nổi tiếng và độc đáo chôn cất rất nhiều hài cốt ngựa. Đã có khoảng hàng chục, hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn bộ hài cốt ngựa được tìm thấy bên cạnh những tảng đá này.
Nhóm học giả do William Taylor thuộc Viện Max Planck về Khoa học Lịch sử Nhân loại dẫn đầu đã phân tích các hài cốt ngựa của nền văn hóa cổ đại của Mông Cổ, được gọi là Văn hóa Đá Nai – Khirigsuur. Ước tính, nền văn hóa này tồn tại khoảng 1300-700 TCN.
Theo nghiên cứu trước đây, người chăn nuôi ngựa cổ đại của nền văn hóa này là những người đầu tiên ở phía đông lục đại Á-Âu sống bằng nghề nuôi ngựa lấy thịt. Cũng có thể họ là những người đầu tiên biết dùng ngựa để cưỡi. Dựa trên những hiểu biết từ hai anh bạn Mông Cổ là Jamsranjav Bayarsaikhan và Tumurbaatar Tuvshinjargal ở Bảo tàng Quốc gia Mông Cổ, Taylor cho rằng việc cưỡi ngựa thịnh hành và công việc chăn nuôi ngựa phát triển là yếu tố chính yếu để kỹ thuật chăm sóc thú y ra đời. Anh nói:
“Chúng ta có thể sẽ nghĩ chăm sóc thú y là loại hình khoa học phương Tây, tuy nhiên những người chăn nuôi ở Mông Cổ ngày nay lại thực hiện các thủ tục tương đối phức tạp bằng cách dùng những trang thiết bị rất đơn giản. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, từ hàng thế kỷ trước, sự hiểu biết tường tận về giải phẫu ngựa và truyền thống chăm sóc thú ý đã được phát triển lần đầu tiên không chỉ trong nền văn minh định canh định cư của Trung Quốc hay Địa Trung Hải. Những hiểu biết và các kỹ thuật như vậy đã phát triển từ những người mục sống dựa vào sự béo tốt của bầy ngựa họ nuôi”.
Nha khoa cho ngựa và các kỹ thuật sử dụng ngựa khác của người Mông Cổ
Ngoài ra, Taylor và nhóm của ông phát hiện những thay đổi trong nha khoa dành cho ngựa đi kèm với những phát triển quan trọng trong kỹ thuật điều khiển ngựa. Họ đã biết đính loa đồng hoặc kim loại vào dây cương để điều khiển ngựa. Thiết bị này được truyền đến miền đông Á-Âu trong thiên niên kỷ đầu tiên trước Công Nguyên, giúp những kị sĩ dễ kiểm soát ngựa hơn.
Từ đó, ngựa được sử dụng cho những mục đích mới – đặc biệt là chiến tranh. Tuy nhiên, dùng kim loại để kiểm soát ngựa khiến các vấn đề răng miệng phát sinh: Răng nanh của ngựa bị đau. Taylor và đồng sự phát hiện rằng, khi người nuôi ngựa dùng các miếng kim loại, họ cũng phát triển một cách loại bỏ chiếc răng có vấn đề này – tương tự như cách các nha sĩ thú y hiện đại nhổ bỏ răng nanh.
Khi dùng dây cương gắn kim loại, những kị sĩ trẻ có thể điều khiển ngựa trong tình huống căng thẳng tột độ, trong khi không gây ra các biến chứng hành vi và sức khỏe cho ngựa. Điều này là vấn đề sống còn ở thế giới cổ đại. Nicole Boivin, Giám đốc Cục Khảo cổ học tại Viện Max Planck về Khoa học Lịch sử Nhân loại, giải thích:
“Những tiến bộ về ngựa và cưỡi ngựa trong thiên niên kỷ đầu trước Công Nguyên, theo nhiều cách, đã định hình lại môi trường văn hóa và sinh học của khu vực miền Đông Á-Âu. Nghiên cứu của Tiến sĩ Taylor cho thấy, nha khoa thú y – được người chăn nuôi ở châu Á phát triển – có thể là yếu tố quan trọng giúp cư dân, tư tương và sinh vật giữa Đông và Tây lan rộng”.
Xuân Nhạn, theo AO