Tinh Hoa

Người không có phúc khí, trên thân thường thể hiện ra ba tật xấu

Giữa người với người, sự khác biệt chủ yếu nằm ở trạng thái tâm lý. Một người có trạng thái tâm lý tích cực, tràn đầy năng lượng, nhất định sẽ có phúc khí; ngược lại, người tiêu cực sẽ mang đến sự bất hạnh, xui xẻo.

Vào cuối thời nhà Thanh, có một vị đại thần văn võ song toàn là Tăng Quốc Phiên.  Ông đã đúc kết ra những nguyên tắc rất hữu ích trong việc kết giao bạn bè. Ông thường khuyên bảo người nhà trên đời có 3 loại người rất dễ tổn phúc, nhất định phải tránh xa! 

Người không có phúc khí, trên thân thường thể hiện ra ba tật xấu - ảnh 1
Người bạc phước thường dùng lời cay nghiệt, cay nghiệt thì phúc khí càng mỏng manh. (Ảnh: Pinterest)

Loại người thứ nhất là người cay nghiệt

Người phúc mỏng thường nói lời cay nghiệt. Họ đối xử với mọi người rất vô tình, nghiêm khắc quá mức, vì thế phúc khí càng ngày càng ít.

Đối với người cay nghiệt, rất ít việc gì làm họ vừa lòng, cũng khó có ai khiến họ vừa ý. Người cay nghiệt luôn cầu toàn, dùng tiêu chuẩn hoàn hảo để yêu cầu người khác. Một khi cảm thấy tiêu chuẩn của người khác cách biệt với mình, họ liền cảm thấy như cái gai trong mắt.

Có một ông chủ nọ, chỉ trong 2 năm đã thay người làm đến 2, 3 lần nhưng vẫn không hài lòng. Ông luôn than thở: “Sao tôi tìm mãi mà không thấy được một người khiến tôi vừa ý?”.

Kỳ thực trên đời này không có ai hoàn mỹ, mà nếu quả thật có người thập toàn thập mỹ cũng khó mà làm cho ông. Kết quả là sau nhiều năm vẫn không một ai muốn làm việc dưới quyền ông, thuộc hạ của ông trốn như chuột trốn mèo, không muốn gặp mặt.

Người cay nghiệt nói lời cũng rất chua ngoa, hay phê bình người khác, không dùng tình cảm để đối đãi, không cho người khác chút thể diện, thường khiến họ bị bẽ mặt.

Ngoài ra, người cay nghiệt còn luôn xem mình là trung tâm, không biết nghĩ cho người khác. Trên đời này, nếu bạn không biết suy nghĩ cho người khác, không thể làm gì cho người khác, thì sao có thể đòi hỏi người khác nghĩ cho mình? Nếu vậy, người thân, bạn bè bên cạnh mình rồi sẽ bỏ đi hết, phúc khí cũng theo đó ra đi.

Loại người thứ hai: Người độc hưởng danh lợi

Đối với con người, ngoại trừ ải sinh tử thì khó qua nhất chính là ải danh lợi. Khi danh lợi trước mặt, khó mà không khởi tâm tham, nhưng một khi có ý nghĩ chiếm giữ danh lợi cho riêng mình, thì phúc khí liền rời xa.

Tục ngữ có câu: “Một hàng rào ba cái cọc, một hảo hán ba trợ thủ”. Nếu không có người trợ giúp thì bản kế hoạch của bạn dù hoành tráng đến đâu cũng không thể hoàn hảo; khát vọng của bạn có lớn đến mấy cũng khó thực hiện được.

Năm 1854, Tăng Quốc Phiên đang giữ chức Tổng đốc Lưỡng Giang. Sau khi thắng lớn ở Vũ Hán, rất nhiều thuộc hạ dưới trướng ông đã từ biệt ra đi. Tăng Quốc Phiên cảm thấy kỳ lạ, sau đó mới biết những người này đều chạy đến chỗ bạn ông là Hồ Lâm Dực.

Tăng Quốc Phiên là một danh thần dưới triều Mãn Thanh. Ông vừa giỏi binh pháp, lại thông tường Nho học, là một người văn võ song toàn. (Ảnh: ĐKN)

Phụ tá của Tăng Quốc Phiên đã giúp ông tìm ra nguyên nhân. Sau trận thắng, Tăng Quốc Phiên trình tấu lên triều đình để thỉnh công, tiến cử 300 người, thưởng 3% quân. Trong khi đó, Hồ Lâm Dực một lần tiến cử hơn 3.000 người, thưởng quân 20%.

Tăng Quốc Phiên sau khi thông suốt đã lập tức sửa đổi quy chế, từ đó không ngần ngại tiến cử nhân tài lên Hoàng đế, ban thưởng cho bộ hạ.

Tăng Quốc Phiên không cầu tài, không cầu quan tước nhưng bộ hạ của ông lại muốn có tiền đồ. Vậy cứ cho họ cơ hội thôi. Tiến cử hiền tài khắp thiên hạ tất sẽ làm nên đại sự.

Nếu như Tăng Quốc Phiên vẫn cố ôm giữ cái hư danh “danh thần Lý học”, không thể xả bỏ danh lợi của bản thân, thì rất khó quy tụ được nhân sĩ hào kiệt trong thiên hạ.

Loại người thứ ba là: Người thích tỏ ra thông minh

Người thích khoe khoang sự thông minh của mình thường là người thấp kém, hay dùng ngôn từ hoa mỹ nhưng lại là người kém phúc phận.

Người hay khoe khoang mình thông minh thường so sánh bản thân với người khác, để thể hiện mình tài trí hơn người, từ đó muốn người khác phải nghe theo. Đây chính là dùng tài năng làm công cụ để tranh giành danh lợi.

Chúng ta đều biết yếu tố quyết định tài năng của một người, ngoài nhờ nỗ lực của bản thân còn phụ thuộc vào thiên phú. Chẳng hạn ông trời ban cho bạn tài văn chương là muốn bạn đem tài năng đó phục vụ công chúng, không phải để bạn khoe khoang.

Những tài năng mà bạn có được, bạn nên không ngừng tu dưỡng, nâng cao để phục vụ mọi người, biến mình thành người có tri thức, có tấm lòng yêu thương nhân loại. Có như vậy, tài năng của bạn mới được trọng dụng, phúc khí mới đến với bạn. Chỉ có ngôn từ hoa mỹ thì chưa đủ, bạn cần phải hành động nữa. Điều quyết định chính là ở chỗ bạn có hành động thực tế hay không?

Một lần Khổng Tử trông thấy đệ tử của mình là Tể Dư ngủ trưa giữa ban ngày, lãng phí thời gian quý báu, ông bèn thở dài nói: “Thật sự là gỗ mục không thể khắc, bùn nhão không thể đắp thành tường. Trước kia ta nghe ai đó nói gì, ta liền tin ngay, nhưng giờ ta nghe một người nói, ta cần quan sát hành vi của người đó trước”.

Một người nói chuyện rất hay, tài văn chương cũng nổi bật, nhưng nếu không có hành động thực tế, thì người này chỉ là nói lý thuyết suông, nói lời sáo rỗng. Một thời gian sau sẽ không còn ai tin tưởng, phúc khí rồi cũng rời xa.

Bạn làm bất cứ chuyện gì, xét đến cùng đều nên vì người khác, vì phục vụ đại chúng. Chỉ có phục vụ người khác, được mọi người yêu mến, sự nghiệp mới có thể thăng tiến, công việc làm ăn ngày càng thuận lợi, phúc khí mới có thể được tích lũy dài lâu.

Tuệ Tâm (Theo SOH)