Tinh Hoa

Người đang làm, Trời đang nhìn – 2 câu chuyện khiến người ta không thể không tin

Dân gian có câu rằng “Trên đầu ba thước có Thần linh”. Người đang làm, Trời đang nhìn, tất cả hành vi, từng ý từng niệm của con người đều có Thần linh giám sát, ai cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi, lời nói của bản thân mình.

Con người phải chịu trách nhiệm với mọi việc làm của mình trong đời, luật nhân quả không hề sai lạc. (Ảnh: Internet)

Kỷ Hiểu Lam, đại học sỹ thời nhà Thanh trong cuốn sách “Duyệt Vi Thảo Đường bút ký” đã ghi chép lại rất nhiều sự việc kỳ lạ mà ông chứng kiến được hàng ngày, trong đó có không ít câu chuyện về thiện ác hữu báo. Dưới đây là hai câu chuyện minh chứng rằng nhân quả báo ứng không hề sai lạc.

Nghèo khó trắc trở, tất có nguyên do

Phủ Hà Gian có một người tên là Phùng Thụ Nam, có tài viết lách, lại rất thông minh, nhưng ông phiêu bạt tại kinh thành mười mấy năm mãi vẫn chưa thành danh. Mỗi khi gặp được cơ hội thì cuối cùng lại thất bại. Cuộc sống nghèo khổ, trong tâm chất chứa nỗi buồn.

Một hôm ông tới miếu thờ thỉnh cầu Thần linh nói cho ông biết vì sao số mệnh của mình lại như vậy. Ngay đêm hôm đó ông mơ thấy có người nói với ông rằng:

“Ngươi không nên oán hận những khổ nạn trong cuộc sống, cũng như sự thăng trầm của bản thân. Kỳ thực vận mệnh đời này của ngươi là do ngươi tạo thành, oán hận có tác dụng gì đây? Đời trước ngươi thích dùng những lời giả dối để đạt được danh tiếng tốt lành là bậc trưởng bối trung hậu.

Khi gặp chuyện khó khăn, ngươi biết rõ việc đó không thể làm được nhưng lại xúi giục người khác đi làm để khiến người ta cảm tạ sự tin tưởng của ngươi.

Khi gặp kẻ phạm pháp, ngươi biết rõ rằng tội của y không thể dung tha, nhưng lại biện giải giúp y hết lần này tới lần khác để nhận được sự cảm kích của y.

Hành vi của ngươi là vì để làm ra vẻ người tốt mà đem oán hận quy kết cho người khác. Ngươi quá gian xảo! Hơn nữa khi làm những việc này ngươi đều khiến mình ở ngoài cuộc, cho dù là công hay tội, đều do người khác gánh chịu. Hễ động chạm tới lợi ích của ngươi, ngươi bèn nhanh chóng lẩn tránh.

Những chuyện chỉ cần bỏ chút công sức là có thể cứu được người khác thoát khỏi cảnh nước sôi lửa bỏng, nhưng ngươi do sợ phiền phức mà lại khoanh tay đứng nhìn. Như vậy xem ra, người khác thấy ngươi có vẻ thân mật, kỳ thực lại là không thân; bề ngoài có vẻ ân cần, kỳ thực lại là thờ ơ, chính là thế đó.

Nếu ai đó lỡ làm sai chuyện gì thì có thể làm việc tốt mà bù đắp lại. Nếu người nào tâm địa xấu xa thì Thiên lý, luật lệ không thể dung thứ. Ngươi thử nghĩ xem vận mệnh đời này của ngươi như vậy có đáng hay không?”.

Phùng Thụ Nam nghe xong vô cùng hối hận, không bao lâu sau thì đổ bệnh mà chết.

Nghiêm túc đối đãi với quy luật nhân quả, thuận theo Thiên đạo mà hành thiện nhiều hơn mới là điều quan trọng nhất khi làm người. (Ảnh: Internet)

Vô công hưởng lộc, lộc ăn bị giảm

Huyện Ngân có vị thư sinh rất có tài viết văn, nhưng đường công danh lại gặp nhiều trắc trở, thi cử không đỗ đạt. Sau này cậu thư sinh đó lâm trọng bệnh, trong cơn mê man cậu mơ thấy mình tới phủ quan nha. Nhìn tình hình ở đó, cậu nghĩ rằng có thể đây là âm ty.

Lúc này có một người mặc trang phục giống một vị quan tới trước mặt cậu, vị thư sinh nhìn thì nhận ra người quen cũ, bèn vội vàng dò hỏi mình bệnh tật như thế này phải chăng sắp chết rồi?

Vị quan dưới âm nói: “Thọ mệnh của cậu chưa tận, nhưng tài lộc thì đã tận, e rằng không bao lâu nữa cũng sẽ tới đây thôi.”

Cậu thư sinh nói: “Cả đời này của ta đều dựa vào việc mở lớp dạy học nuôi thân, không hề làm chuyện thương thiên hại lý, cớ sao tài lộc lại không còn?”

Âm quan thở dài mà rằng:

“Chính vì ngươi kiếm cơm nhờ việc dạy học nhưng lại không quản việc rèn giũa tính cách phẩm hạnh đạo đức cho học trò. Âm ty cho rằng không có công mà hưởng lộc cũng tương đồng với trộm cắp và lãng phí lương thực nên phải khấu trừ bổng lộc để bù lại.

Cho nên thọ mệnh của ngươi chưa tận nhưng tài lộc đã hết trước. Là sư trưởng, cũng tựa như là bậc trưởng bối, là phụ thân, là thầy, được hưởng vinh dự cao quý, cần phải truyền thụ đạo đức, hướng nghiệp, khuyến thiện.

Ngươi thu học phí của người ta nhưng lại dẫn con cái họ đi sai đường, theo lý sẽ phải chịu khiển trách nghiêm khắc nhất. Nếu có tài lộc về quan chức thì sẽ cắt giảm quan lộc. Không có quan lộc thì sẽ cắt giảm tài lộc về lương thực, từng chút một đều được suy tính rất phân minh.

Con người thế gian thường thấy những học sỹ kiến thức uyên bác hoặc các đại nho gia có cuộc sống nghèo khó, qua đời khi còn trẻ, liền oán trách Thiên đạo bất công. Nhưng đâu biết rằng những người này đều tự mình sai lạc cả một đời nay mới rơi vào cảnh này”.

***

Từ hai câu chuyện trên có thể thấy rằng, nơi sâu thẳm trong nội tâm mỗi người, dù chỉ là một niệm bất chính rất nhỏ thì Thần linh cũng đều thấy rất rõ ràng.

Giống như câu cổ ngữ nói rằng: “Trên đầu ba thước có thần linh”, hay “người đang làm, Trời đang nhìn”. Xem những câu chuyện nhân quả xưa, so với những chuyện xảy ra thời hiện đại, thậm chí là những chuyện quanh mình, chúng ta đều sẽ phát hiện ra rằng quy luật nhân quả báo ứng tồn tại một cách khách quan, dù cho bạn có tin hay không, nó sẽ khởi tác dụng đối với bạn.

Do vậy, nghiêm túc đối đãi với quy luật nhân quả, thuận theo Thiên đạo hành thiện nhiều hơn mới là điều quan trọng nhất khi làm người, mới gặp nhiều may mắn và có tương lai tốt đẹp.

Theo Minhhue.net