Người hiện đại quen dùng đồng hồ hoặc điện thoại để nhận biết thời gian, chúng vừa nhỏ gọn lại đem đến nhiều tiện ích, nhưng thời cổ đại không có đồng hồ hay điện thoại, vậy họ phải nắm bắt thời gian như thế nào?
Thời thần của thời cổ đại – Cách người xưa xem giờ
Vào thời cổ đại, người ta tính thời gian bằng 12 thời thần. Cách tính bằng thời thần này, chia một ngày thành 12 thời, dùng 12 địa chi (chỉ 12 thần) để đếm giờ, nên gọi là thời thần.
Thời thần: Mỗi một thời thần kéo dài hai giờ đồng hồ. 11 giờ đêm hôm trước đến 1 giờ sáng gọi là ‘giờ Tý’, 1 giờ sáng đến 3 giờ sáng gọi là ‘giờ Sửu’, 3 giờ sáng đến 5 giờ sáng gọi là ‘giờ Dần’, 5 giờ sáng đến 7 giờ sáng gọi là ‘giờ Mão’, 7 giờ sáng đến 9 giờ sáng gọi là ‘giờ Thìn’, 9 giờ sáng đến 11 giờ gọi là ‘giờ Tỵ’, 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều gọi là ‘giờ Ngọ’, 1 giờ chiều đến 3 giờ chiều gọi là ‘giờ Mùi’, 3 giờ chiều đến 5 giờ chiều gọi là ‘giờ Thân’, 5 giờ chiều đến 7 giờ tối gọi là ‘giờ Dậu’, 7 giờ tối đến 9 giờ tối gọi là ‘giờ Tuất’, 9 giờ tối đến 11 giờ đêm gọi là ‘giờ Hợi’.
Thật ra tên gọi ‘tiểu thời’ (một giờ đồng hồ) cũng là từ ‘thời thần’ mà ra, bởi vì ‘tiểu thời’ bằng một nửa ‘thời thần’, nên gọi là ‘tiểu thời’.
Canh điểm: Bắt đầu từ giờ Tuất 7 giờ tối, kết thúc vào giờ Dần 5 giờ sáng, tổng cộng 5 thời thần, được người xưa gọi là ‘Canh’, vì vậy một đêm được chia làm năm canh. Do thời gian một canh quá dài, hai giờ đồng hồ mới báo hết một canh, khoảng cách hơi dài, vậy nên người xưa lại chia ‘Canh’ thành năm ‘Điểm’, một canh là hai tiểu thời, một ‘Điểm’ cũng tức là hai mươi bốn phút.
Công cụ tính thời gian của người cổ đại
Thời cổ đại, để thích ứng với nhu cầu sinh hoạt thường ngày, người ta phát minh ra nhiều công cụ tính giờ, ví dụ như: khuê biểu (dụng cụ đo bóng nắng), nhật quỹ (đồng hồ mặt trời), lâu khắc (đồng hồ nước)…
Khuê biểu (dụng cụ đo bóng nắng)
Được tạo thành từ một thước đồng nằm ngang – “khuê” và một thanh đồng thẳng đứng – “biểu”. Đặt biểu vuông góc với “khuê”, để đo độ dài của bóng mặt trời. Như vậy, không những có thể đoán được thời gian, mà còn có thể dựa theo độ dài bóng ánh mặt trời buổi sáng để biết được tiết khí bốn mùa.
Nhật quỹ (đồng hồ mặt trời)
Nhật quỹ cũng gọi là “nhật quy”, là dụng cụ thông qua quan sát bóng ánh mặt trời để định thời gian. Được tạo thành từ một chiếc kim quỹ và đĩa bàn, trên đĩa khắc 24 khắc đều nhau, kim quỹ đặt vuông góc ở chính giữa đĩa bàn. Căn cứ theo bóng kim của kim quỹ chỉ vào các khắc, có thể biết được thời gian.
Lâu khắc (đồng hồ nước)
Đồng hồ nước là công cụ dựa vào lượng nước nhiều hay ít để phán đoán thời gian, có thể đo thời gian trong mọi thời tiết, vì vậy có thể bổ sung cho khiếm khuyết của nhật quỹ. Đây là công cụ đo thời gian được người Trung Quốc cổ xưa rất coi trọng.
Lâu khắc được chia làm hai bộ phận là bầu nhỏ nước và bầu hứng nước. Bầu nhỏ nước chia làm 2 đến 4 tầng, mỗi tầng đều có lỗ nhỏ, có thể nhỏ nước, nước nhỏ cuối cùng chảy vào bầu hứng nước, trong bầu hứng nước có mũi tên thẳng đứng, trên mũi tên có 100 khắc, mực nước từ từ dâng lên, hiện ra con số khắc để hiển thị thời gian.
Một ngày đêm 24 giờ đồng hồ chia làm 100 khắc, tương đương với 1440 phút hiện giờ. Có thể thấy là mỗi khắc sẽ tương ứng với 14,4 phút hiện nay.
Ban ngày thì gọi là “Chung” ban đêm gọi là “Canh”
Đối với cách tính thời gian cho ngày và đêm, người cổ đại lại có cách gọi khác nhau, ban ngày gọi là “chung”, ban đêm gọi là “canh” hoặc “cổ”. Về điểm này, chúng ta vẫn giữ lại “chung lâu” (gác chuông), “cổ lâu” (tháp trống) của người cổ đại nên có thể thấy rõ.
Thời cổ đại, trong thành trấn đều có gác chuông, tháp trống, buổi sáng phải gõ chuông để báo giờ, vì vậy ban ngày hay gọi là “điểm chung”, buổi tối người đi tuần đêm sẽ gõ mõ, dựa vào số điểm để báo giờ, vì vậy thời gian lúc ban đêm được gọi là “Canh”, có địa phương thì dùng cách gõ trống để báo giờ, vì vậy thời gian ban đêm còn gọi là “Cổ”, cái gọi là “mấy canh” hoặc “mấy cổ” chính là ý nghĩa này. Chúng ta hay nói “Thần chung mộ cổ” (Sáng chuông tối trống) chính là bắt nguồn từ đây.
“Nửa đêm canh 3” rốt cuộc là mấy giờ?
Người cổ đại ban ngày có thể dựa vào mặt trời, nhật quỹ… để ước lượng thời gian, nhưng đến tối lại không biết thời gian thế nào, vậy là xuất hiện canh phu (người báo canh) để báo giờ.
Giờ Tuất bắt đầu cho buổi tối, còn gọi là canh một hay khởi canh; giờ Hợi là canh hai, giờ Tý là canh ba; giờ Sửu là canh bốn, giờ Dần là canh năm. Người có kinh nghiệm sống ở nông thôn, thường hay nói rằng canh năm thức dậy, nghĩa là chỉ rạng sáng lúc 3 giờ đến 5 giờ. Còn nửa đêm canh 3 là chỉ giữa đêm từ lúc 11 giờ đến 1 giờ.
Một tuần trà, một tuần hương là thời gian bao lâu?
Trong kịch cổ trang hoặc tiểu thuyết võ hiệp, thường dùng một số từ để biểu thị một khoảng thời gian ngắn, ví dụ: “Một tuần trà”, “một tuần hương”, các bạn có biết những từ này chỉ thời gian bao lâu không?
Cái gọi là “một tuần trà”, có nghĩa là thời gian để uống hết một tách trà, ước tính vào khoảng từ 10 đến 15 phút hiện nay, đương nhiên đây không phải là cách tính toán hoàn toàn chính xác. Còn “một tuần hương”, đại khái tương đương một nửa thời thần, nghĩa là khoảng một giờ đồng hồ.
Khái niệm “một tuần hương” của người xưa có nguồn gốc từ việc ngồi thiền của tăng nhân, các tăng nhân dựa vào thời gian đốt hương để tính thời gian, hơn nữa, trước kia tiêu chuẩn của những nén hương được chế tạo bằng tay là phải cháy hết trong vòng nửa thời thần, vì vậy một tuần hương nghĩa là một tiếng đồng hồ.
Tuệ Tâm (Theo Kan NewYork)