Ngôi sao lùn nằm gần Thái dương hệ đã khiến giới thiên văn kinh ngạc khi các phương pháp tính cho thấy nó có niên đại lên tới 13,2 tỷ năm, tương đương với thời điểm vũ trụ được hình thành sau vụ nổ Big Bang.||
Ngôi sao lùn được đặt tên HD 140.283, nằm cách chúng ta 190 năm ánh sáng. Sự tồn tại của HD 140.283 đã được con người biết đến từ hơn một thế kỷ trước nhờ vào những kính thiên văn quang học. Các nhà khoa học cũng sớm biết rằng HD 140.283 “lão làng” bởi cấu tạo của nó hoàn toàn từ khí hydro và heli. Những nguyên tố này không tồn tại nhiều trong vũ trụ, chỉ xuất hiện trong quá trình hình thành các sao thời kỳ vũ trụ còn hoang sơ.
Tuy nhiên, chưa một chuyên gia nào tính chính xác độ tuổi của HD 140.283 cho tới nghiên cứu của nhóm chuyên gia do Giáo sư thiên văn Howard Bond, Đại học Bang Pennsylvania dẫn đầu. Sử dụng số liệu từ 11 lần quan sát ngôi sao HD 140.283 trong suốt 8 năm từ 2003–2011, nhóm nghiên cứu xác định được chính xác khoảng cách của nó với Thái dương hệ. Kết hợp với số liệu về độ sáng nội tại của ngôi sao, người ta phát hiện lượng hydro trong lõi của nó sắp cạn. Độ sáng là chỉ số nhạy cảm cho phép tính chính xác tuổi của một ngôi sao. Dựa vào đó, Bond và nhóm của ông ban đầu ước tính rằng, HD 140.283 đã 13,9 tỷ năm tuổi. Tuy nhiên, số liệu này được đánh giá là thiếu chính xác bởi vụ nổ Big Bang được dự đoán xảy ra khoảng 13,77 tỷ năm trước. Chính vì lẽ đó, tính toán lần 2 của nhóm nghiên cứu xác định HD 140.283 khoảng 13,2 tỷ năm tuổi với sai số hàng trăm triệu năm. Với một lượng nhỏ các nguyên tố nặng hơn heli bên trong, HD 140.283 có thể là ngôi sao tái sinh sau thời gian đầu tồn tại ngắn ngủi. Sau khi nguội lạnh tới mức cần thiết, những vụ nổ liên tiếp bên trong HD 140.283 khiến nó nóng chảy và tăng nhiệt trở lại. Độ tuổi mới của HD 140.283 chỉ ra rằng, quá trình này xảy ra sớm hơn so với các nhà khoa học dự đoán. Phát hiện mới được công bố trong khuôn khổ Hội nghị Hiệp hội thiên văn Mỹ được tổ chức tại Long Beach, California. Hồng Duy Theo Infonet |