Tinh Hoa

Ngôi nhà được làm từ giấy báo tồn tại gần 100 năm mà không hề mục nát

Khi nghe “Nhà Giấy” chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến một mô hình, nhưng một kỹ sư người Mỹ đã thực sự dựng nên ngôi nhà bằng giấy báo và nó vẫn tồn tại sau gần một thế kỷ mà không hề bị mục nát.

Ngôi nhà giấy ra đời năm 1922 khi Elis Stenman, một kỹ sư cơ khí ở Rockport, bang Massachusetts, Mỹ, bắt đầu xây ngôi nhà nhỏ làm nơi nghỉ hè, theo Amusing Planet.

Công trình ban đầu cũng như mọi ngôi nhà khác với khung gỗ, mái và sàn nhà bằng ván lợp, nhưng khi xây tường Stenman nảy ra ý tưởng táo bạo. Ông xếp chồng nhiều lớp báo cũ lên nhau, dán chắc bằng keo với độ dày khoảng 2,5 cm và phủ một lớp véc-ni để tạo nên các bức tường của căn nhà.

Nhà Giấy đã tồn tại gần 100 năm mà không bị mục nát.

Mọi đồ vật bên trong ngôi nhà như ghế, bàn, giá sách, thậm chí đến rèm cửa và đồng hồ cũng được làm từ giấy. Chỉ duy nhất chiếc đàn piano bằng gỗ được phủ giấy báo để tạo sự đồng nhất và lò sưởi làm từ gạch để tránh bắt lửa.

Các vật dụng trong nhà như ghế, bàn, giá sách… đều được làm từ giấy.

Lúc đầu, viên kỹ sư này lên kế hoạch phủ ngoài những bức tường bằng ván ốp, nhưng bức tường giấy báo vẫn vững vàng sau mùa đông đầu tiên, khiến ông quyết định không cần làm thêm lớp bảo vệ.

Stenman chỉ mất 2 năm để hoàn thành ngôi nhà và sống ở đó cho đến năm 1930. Trong 20 năm xây nhà và đóng đồ đạc, Stenman đã sử dụng khoảng 100.000 tờ báo.

Lớp véc-ni bong ra để lộ tờ giấy báo.

Sau gần 100 năm, những lớp báo ngoài cùng của bức tường bắt đầu rơi rụng, để lộ những mẩu báo và quảng cáo từ quá khứ, thu hút những người đến tham quan tìm đọc. Khi Stenman qua đời năm 1942, ngôi nhà được chuyển thành viện bảo tàng.

Theo Edna Beaudoin, cháu gái của Stenman hiện là người quản lý căn nhà giấy, “mưa rơi xuống, đôi khi có tuyết, nhưng nó vẫn còn khá tốt so với tuổi“.

Cô cho biết, “khi hầu hết mọi người nghe về Nhà Giấy, họ chỉ hỏi, ‘tại sao?’“. Nhưng không ai rõ động cơ thúc đẩy Stenman sử dụng giấy báo xây nhà.

Tôi thực sự không biết câu trả lời“, Beaudoin nói và cho rằng có thể ông muốn thử nghiệm một vật liệu cách nhiệt rẻ và sẵn có trong thời kỳ suy thoái. Ngay cả keo dán cũng là sản phẩm do viên kỹ sư này tự chế từ bột mì, nước và vỏ táo.

Ông cũng có thể đang thử nghiệm tái chế hoặc đặc biệt thích giấy, vì Stenman chính là người thiết kế những chiếc máy sản xuất kẹp giấy.

Theo VnExpress