Không ai phủ nhận được mối quan hệ mẫu tử là rất thiêng liêng. Ở phương diện khoa học cũng đã chứng minh được: Các tế bào của con nằm trong cơ thể mẹ, thậm chí trong não mẹ và tồn tại ở đó hàng thập kỷ.
Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng các tế bào có thể di chuyển từ cơ thể người mẹ sang thai nhi thông qua cuống rốn, đồng thời chiếm giữ và lưu lại trong các cơ quan khác nhau trong cơ thể mẹ. Những cơ quan này bao gồm cơ bắp, tuyến giáp trạng, gan, tim, thận và da.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các tế bào từ những thân thể khác cũng có thể được tìm thấy trong não, ví dụ trong não bộ của nữ giới cũng phát hiện ra các tế bào nam giới, nhưng trong một số trường hợp, các tế bào nam này đã ở trong não mấy chục năm rồi.
Robert Martone đã chia sẻ với tạp chí Science Man: “Chúng ta đều cho rằng thân thể của mình là những cá thể riêng biệt, nhưng tại sao trong thân thể chúng ta lại có những tế bào của người khác. Kỳ lạ hơn chính là, dù chúng ta nghĩ rằng hành vi và quyết định của chúng ta đều bắt nguồn từ hoạt động của đại não, nhưng các tế bào từ những cá nhân khác lại có thể tồn tại trong cấu trúc phức tạp này”.
“Lần đầu tiên người ta khám phá ra vấn đề này khi kiểm tra máu của một số phụ nữ mang thai, người ta đã phát hiện trong tế bào máu có chứa nhiễm sắc thể Y của nam giới. Bởi vì những tế bào này là gen di truyền của nam giới, nó không được sản sinh ở cơ thể nữ giới, mà khả năng lớn nhất đến từ cơ thể đứa trẻ mà người phụ nữ đang mang thai”.
Những người phụ nữ trong trường hợp này đang mang thai, nên chúng ta đoán rằng các nhiễm sắc thể này đến từ các bé trai trong bụng họ. Điều thú vị là không chỉ các chất liệu di truyền của người mẹ có thể tiến nhập vào cơ thể đứa bé, nhưng chất liệu di truyền của đứa bé (vốn đến từ cha nó) cũng có thể tiến nhập vào cơ thể người mẹ, hiện tượng tráo đổi tế bào này được gọi là vi lưỡng gen (microchimerism).
Hiện tượng này thường xảy ra khi một người dung nạp các tế bào của một cá nhân có gen khác biệt và cơ chế này tương đối phổ biến nơi não bộ. Các tế bào từ phôi thai nữ cũng có thể đi vào cơ thể người mẹ, song do khó dò thấy hơn cho nên các nhà khoa học chỉ tập trung vào phôi thai nam. Thậm chí những phụ nữ chưa từng sinh con trai do sẩy thai cũng có thể dẫn đến hiện tượng “vi lưỡng gen” nam.
Các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm hiểu xem tại sao các tế bào phôi thai hay chất liệu gen lạ nhận được sự khoan dung của hệ miễn dịch vốn có chức năng loại bỏ những gen lạ ra khỏi cơ thể. Các nhà nghiên cứu cũng muốn biết làm thế nào mà các tế bào như thế tồn tại trong thời gian rất dài trong cơ thể phụ nữ. Ví dụ, đối tượng nữ lớn tuổi nhất trong nghiên cứu mổ xác là 94 tuổi – nghĩa là ADN nam xâm nhập trong thời gian mang thai có thể nằm ở não phụ nữ trong gần một thế kỷ!
Một nghiên cứu năm 2005 của các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, Mỹ tập trung vào hiện tượng vi lưỡng gen ở những người phụ nữ chưa từng sinh con trai. Họ phát hiện thấy sự hiện hữu của các tế bào nhiễm sắc thể Y trong 21% nhóm đối tượng thí nghiệm của họ. Các kết quả cho thấy có khoảng từ 0 đến 20,7 tế bào nam trong 100.000 tế bào nữ.
Một nghiên cứu vào năm 2012 cũng được tiến hành tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson đã phát hiện thấy hiện tượng vi lưỡng gen trong não bộ của những phụ nữ đã tử vong. Họ tìm thấy chúng trong hơn 60% số phụ nữ được kiểm nghiệm. Người ta phát hiện thấy những phụ nữ mắc chứng Alzheimer có ít tế bào lưỡng gen hơn trong não bộ. Căn bệnh này phổ biến hơn ở những phụ nữ có số lần mang thai cao. Đây là một nghịch lý bởi vì theo lý thì những phụ nữ mang thai nhiều lần sẽ có nhiều tế bào vi lưỡng gen hơn từ đứa trẻ truyền sang.
Theo một bài viết vào năm 2003 của Phó Giáo sư Michael Verneris thuộc trường Đại học Minnesota, các tế bào vi lưỡng gen đã được tìm thấy trong cơ thể một người phụ nữ sau khi mang thai đến tận 38 năm. Chúng có thể có các ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của phụ nữ, nhưng chúng ta chưa biết chắc chắn về những ảnh hưởng này.
Theo những gì mà giới khoa học đã biết về các bệnh tự miễn dịch, ung thư và tổn thương mô, có lẽ câu trả lời là cả hai – tức có lợi lẫn có hại. Về mặt tiêu cực, các nghiên cứu hiện nay cho thấy cơ chế “vi lưỡng gen” liên quan đến các bệnh miễn dịch – như lao da và xơ cứng da (scleroderma) – và trong một số trường hợp là viêm khớp dạng thấp, một rối loạn khiến các khớp bị viêm gây đau đớn dẫn đến suy giảm nặng nề khả năng vận động.
Còn theo Diana Bianchi, một nhà di truyền học tại Trung tâm Y tế Tufts, các tế bào phôi thai giúp bảo vệ người mẹ từ lúc còn ở trong tử cung cho đến nhiều năm sau đó. Một số tế bào vi lưỡng gen cũng tương tự như tế bào gốc, với khả năng biến đổi thành các loại mô khác nhau. Người ta đã biết được rằng những tế bào vi lưỡng gen này sẽ tập trung xung quanh các mô bị tổn thương để sửa chữa, và tự biến đổi thành tất cả các loại tế bào cần thiết.
Chúng ta không thực sự chắc chắn liệu chúng sẽ làm hại, hỗ trợ, hay có ảnh hưởng tương đối nhỏ. Diana Bianchi, đã trao đổi với tạp chí Scientific American như sau: “Không có đủ bằng chứng để buộc tội hay minh oan cho các tế bào phôi thai vi lưỡng gen”.
>>> Hiện tượng đảo cực từng nhiều lần hủy diệt sự sống trên Trái Đất?
>>> Đại học Hàn Quốc bị tẩy chay vì nghiên cứu robot sát thủ
Tuệ Tâm, theo Secretchina