Truyền thống Á Đông luôn tin vào cái duyên giữa con người với nhau, về khoa học mà xét cũng không phải là không có căn cứ. Một nghiên cứu gần đây cho thấy: Bạn bè có bộ gen mang nhiều điểm tương đồng hơn so với người lạ.
Đã bao giờ bạn chợt nhận ra trong cuộc sống, có một số người bạn cảm thấy rất thân quen, vừa gặp đã muốn kết giao. Bạn không hiểu nổi lý do, như thể có một sự liên kết đặc biệt nào đó, truyền thống Á Đông gọi đó là “duyên”. Có thể nhiều người cho rằng đây là một khái niệm mơ hồ, tuy nhiên gần đây các nhà khoa học đến từ Hoa Kỳ có lẽ đã phần nào chứng minh được sự tồn tại của chữ “duyên” này.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy dường như những người là bạn bè của nhau sẽ có bộ gen mang nhiều điểm tương đồng hơn so với những người không quen biết. Nghiên cứu được thực hiện bởi Nicholas Christakis, giáo sư y học và xã hội tại Đại học Yale, và James Fowler, giáo sư di truyền y học và khoa học chính trị tại Đại học California, Hoa Kỳ.
Các nhà nghiên cứu đã công bố kết quả của họ trên Tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (PNAS). Họ đã phân tích bộ gen của 1.932 người sau đó so sánh giữa những người là bạn bè của nhau và giữa những người xa lạ.
Những cá nhân được chọn trong cuộc khảo sát không có quan hệ huyết thống mà chỉ khác biệt về mức độ quan hệ xã hội, từ không hề quen biết cho đến là những người bạn thân.
Nghiên cứu cho thấy trung bình, mỗi người đều có nhiều hơn một ADN tương đồng với bạn bè của mình so với người lạ. Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng nghiên cứu này cũng cần được thực hiện trên nền tảng những người tham gia có cùng chủng tộc vì nó ảnh hưởng nhiều đến yếu tố di truyền.
Sự tương đồng về di truyền giữa những người là bạn bè đã khiến nhiều người bất ngờ, vì điều này không phụ thuộc vào yếu tố vùng miền hay huyết thống. Cơ chế của sự tương đồng này hiện chưa được giải thích rõ ràng.
Tại sao giữa bạn bè lại có sự tương đồng về gen?
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trên thực tế, bạn bè của chúng ta luôn có ái lực di truyền tương đương với người anh em họ cách nhau khoảng 4 đời, tức là giữa 2 người bạn thường sẽ có 1% gen tương đồng với nhau.
“Đối với các nhà di truyền học thì 1% không phải là vấn đề lớn. Nhưng điều thú vị là hầu hết mọi người không hề biết ai là họ hàng xa của mình nhưng bằng cách nào đó, rất nhiều người đã chọn lựa và kết bạn với những người có sự tương đồng với nhau về mặt di truyền”, Giáo sư Christakis nói.
Christakis và Fowler thậm chí còn phát triển một “thang điểm tình bạn”, bằng các dự đoán khoa học trên cơ sở phân tích di truyền của những người bạn để biết được khả năng mắc chứng béo phì hay tâm thần phân liệt của một người.
Tập trung vào các gen riêng lẻ, nghiên cứu cũng cho thấy rằng giữa bạn bè thường có sự tương đồng về các gen liên quan đến khứu giác, nhưng bộ gen về miễn dịch lại khác nhau rất nhiều do đó về mặt di truyền thì những người bạn sẽ giúp đỡ nhau kháng lại nhiều loại bệnh tật khác nhau.
Điều đó có vẻ là một điều kiện thuận lợi đối với cộng đồng xã hội, vì trên thực tế, những người chơi cùng nhau sẽ có thể mắc các bệnh khác nhau và điều này sẽ hạn chế sự bùng phát của các dịch bệnh lây từ người này sang người khác trong cộng đồng.
Phải chăng đây là chữ “duyên”?
Sự kết nối kỳ lạ này tuy khoa học chưa thể lý giải nhưng trong nhiều nền văn hóa đặc biệt là văn hóa phương Đông đã có nhận thức rõ ràng. Họ gọi đó là “duyên”, giữa hai người có thể kết giao với nhau thì đó chính là “duyên”.
Đức Phật thường giảng rằng nếu không nợ nhau thì làm sao gặp gỡ. Duyên vợ chồng con cái hay bạn bè đều là một cái DUYÊN. Không ai là vô duyên vô cớ xuất hiện trong cuộc đời của bạn cả, đều là có nguyên do.
>>> Học âm nhạc có thể trực tiếp cải thiện kỹ năng ngôn ngữ của trẻ
>>> Khoa học khẳng định sự yên tĩnh có thể chữa bệnh
Hoàng An, theo HAF