Tinh Hoa

Nghiên cứu khoa học kết luận: Ma cà rồng không hoàn toàn là huyền thoại

Theo một nghiên cứu gần đây được đăng trên tạp chí uy tín Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) cho thấy “ma cà rồng” có thể là những người bị mắc chứng bệnh rối loạn về máu hiếm gặp.

Bức tranh vẽ Vlad Tepes, Vương công xứ Wallachia, bên trong ngôi nhà, nơi ông sinh ra ở Romani. Nhân vật Bá tước Dracula chuyên hút máu người trong tiểu thuyết ma cà rồng Dracula được xây dựng phỏng theo vị vương công này. (Ảnh: tripadvisor.com)

Những câu chuyện dân gian về ma cà rồng đã khơi nguồn cảm hứng cho những tác phẩm kinh dị trong nhiều thế kỷ trên toàn thế giới. Kinh đô điện ảnh Hollywood đã khai thác rất nhiều cho chủ đề này và một số đã trở thành những bộ phim ăn khách nhất trong thế kỷ 21.

Theo nghiên cứu mới đây, sự tồn tại của ma cà rồng có thể là có thật, họ có thể là những con người mà đã mắc phải một căn bệnh hiếm gặp.

Các nhà khoa học đã kết luận, chứng rối loạn huyết tố protoporphyria Erythropoietic (EPP) có thể là lý do đằng sau truyền thuyết ma cà rồng thời cổ đại, dựa trên một nghiên cứu liên ngành được công bố trên tạp chí PNAS.

Hóa ra, những người mắc EPP, có một yếu tố protoporphyrin gọi là protoporphin IX tích tụ trong hồng cầu, huyết tương và đôi khi trong gan, làm cho họ trở nên “khát máu”.

Các chuyên gia cho biết khi protoporphin IX tiếp xúc với ánh sáng, nó sẽ sản sinh ra các hoạt chất gây hại xung quanh tế bào.

Những người mắc bệnh này sẽ có sự nhạy cảm đáng kể với tia cực tím gây ra hiện tượng viêm, bỏng, và xung huyết da. Các chuyên gia chỉ ra việc tiếp xúc lâu dài với ánh nắng Mặt trời có thể gây ra đau đớn, phồng rộp, biến dạng da. Thậm chí một lượng ánh sáng ít hơn đi qua cửa kính cũng có thể gây ra những tổn thương đáng kể.

TS. Barry Paw, thuộc Trung tâm bệnh máu và ung thư ở trẻ em Dana – Farber tại Boston, Mỹ cho biết: “Những người mắc EPP hay bị thiếu máu kinh niên, khiến họ cảm thấy mệt mỏi và trông rất nhợt nhạt do sự nhạy cảm quang học tăng lên, vì họ không thể ra ngoài vào ban ngày”.

“Ngay cả trong một ngày nhiều mây, vẫn có đủ tia cực tím từ ánh sáng gây phồng rộp, biến dạng tai, mũi và các phần da không được che phủ khác”.

Theo các nhà khoa học, nếu những người mắc bệnh này ở nhà vào ban ngày và được truyền máu, thì một số triệu chứng của bệnh sẽ thuyên giảm.

Tuy nhiên, vào thời cổ đại, họ đi ra ngoài vào ban đêm và uống máu động vật cũng có thể đạt được hiệu quả tương tự, có thể vì vậy, những huyền thoại về ma cà rồng đã xuất hiện.

TS. Paw cho biết cần phát triển các liệu pháp thiết thực để cải thiện cuộc sống cho các bệnh nhân EPP.

Các chuyên gia đã thực hiện nghiên cứu chuyên sâu trình tự sắp xếp gen của một gia đình miền Bắc nước Pháp mắc EPP, với các mã di truyền chưa từng được biết đến trước đó. TS. Paw và các cộng sự đã khám phá được một đột biến mới của CLPX, gen đóng vai trò trong gấp nếp ty thể protein.

Tác giả chính của nghiên cứu, ông Paw cho biết: “Đột biến mới được phát hiện này làm nổi bật mạng lưới di truyền phức tạp, nền tảng của quá trình chuyển hóa heme. Các đột biến mất chức năng ở bất kỳ thứ tự gen nào của hệ thống này cũng có thể gây ra những rối loạn hoặc biến dạng”.

Hoàng An biên dịch