Bằng cách hết sức tự nhiên, con người có thiên hướng tin vào Thần linh và cuộc sống sau khi chết, theo một nghiên cứu quốc tế lớn được tiến hành trong vòng 3 năm.
Một nghiên cứu liên ngành nhân chủng học, tâm lý học và triết học được thực hiện bởi 57 học giả đến từ 20 quốc gia trên thế giới đã cho thấy quá trình tạo lập suy nghĩ của con người đều liên quan đến các quan niệm tôn giáo.
Dự án trị giá khảng 2,4 triệu USD tại Đại học Oxford này cho thấy trẻ em dưới 5 tuổi cảm thấy dễ tin vào một số đặc tính “siêu nhân” hơn là hiểu được các hạn chế của con người. Những đứa trẻ trong nghiên cứu đã được hỏi liệu mẹ chúng có biết bên trong một chiếc hộp kín có thứ gì không.
Những đứa bé 3 tuổi thường tin rằng Thượng Đế và mẹ chúng sẽ luôn biết bên trong có gì, nhưng từ khoảng 4 tuổi, trẻ bắt đầu hiểu rằng mẹ chúng không hoàn toàn thông thái như vậy.
Tiến sĩ Barrett khẳng định, các nhà nhân chủng học đã phát hiện ở một số nền văn hóa, trẻ em tin vào Thượng Đế ngay cả khi không được dạy về các giáo lý tôn giáo.
“Não bộ phát triển bình thường và tự nhiên ở trẻ em khiến chúng có xu hướng tin vào Đấng Tạo Hóa và sự thiết kế thông minh. Ngược lại, thuyết tiến hóa đối với tư duy của con người là phi tự nhiên, nên việc tin vào nó sẽ tương đối khó khăn”.
Một nghiên cứu khác ở Trung Quốc nói rằng, theo bản năng, những người thuộc các nền văn hóa khác nhau đều tin rằng một phần tinh thần hay linh hồn của người ta vẫn sống sau khi họ chết đi. Theo Giáo sư Roger Trigg, đồng giám đốc của dự án, họ “đã thu thập được rất nhiều bằng chứng cho thấy tôn giáo tín ngưỡng là cơ sở lập luận phổ biến cho bản tính con người thuộc các xã hội khác nhau”.
“Điều này cho thấy những nỗ lực đàn áp tôn giáo sẽ chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn vì suy nghĩ của con người dường như luôn bắt nguồn từ các quan niệm tôn giáo, chẳng hạn như sự tồn tại của các thực thể siêu nhiên hay các vị thần, và khả năng tồn tại thế giới sau khi chết hoặc kiếp trước”.
Điều này có ý nghĩa gì?
Điều này có nghĩa là mọi người không ai “sinh ra là đã vô thần”. Niềm tin vào Thượng Đế không phải là điều chúng ta học được trong suốt cuộc đời, và nó cũng không phải là điều chúng ta có được thông qua trí tưởng tượng của tuổi trẻ. Mà nó vốn dĩ đã được sinh ra cùng với ta.
Con người không chỉ tồn tại sự đối ngẫu trong cách nhìn nhận về cơ thể và linh hồn, mà chúng ta còn có một niềm tin rất mãnh liệt vào Thượng Đế. Nên giải thích điều này như thế nào mới là đúng nhất?
Có lẽ trên thế giới này, thẳm sâu bên trong sinh mệnh con người đã có một mối liên hệ hết sức tự nhiên với thiên thượng. Loại liên hệ này không hoàn toàn giống với sự cung kính, tôn sùng trong tôn giáo. Mà nó khởi nguồn từ tự nhiên, được truyền tải bằng văn hóa, qua năm tháng từng chút một thấm sâu vào trong sinh mệnh của con người.
Bảo San, theo RFJ