Sở dĩ có thể làm người một nhà cũng là do có nhân duyên với nhau. Có những gia đình mà trong ấm ngoài êm, đó thường là do thiện duyên mà thành. Lại có những gia đình cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, rồi con cái hư đốn, đó thường là do ác duyên mà thành.
Vào năm Khánh Nguyên thời Tống Ninh Tông, đã xảy ra một vụ án kiện hy hữu: Chu Ông là chủ của một cửa hàng tơ lụa, có người con trai trưởng cực kỳ bất hiếu, thường hay say rượu, uống đến không còn biết gì nữa, quát tháo lung tung.
Mỗi lần uống say rồi, đều cầm dao điên cuồng mà hô to: “Phải giết chết cái lão súc sinh kia ngay mới được”.
Mỗi lần con trai trưởng uống rượu say đều làm Chu Ông vô cùng hoảng sợ. Những người hàng xóm đều cảm thấy con của Chu gia quá hỗn xược, lại có hành động phản nghịch muốn giết cha ruột.
Cứ kéo dài như vậy chẳng phải sẽ làm dơ bẩn thuần phong mỹ tục hay sao? Mọi người liền bàn bạc một phen, quyết định cùng nhau làm đơn kiện, bẩm báo hành vi của con trai trưởng của Chu gia lên quan phủ.
Tri phủ là Trương Thượng Thư xem xét đơn kiện, phái người đi gọi Chu Ông đến. Chu Ông ngơ ngác không hiểu vì sao lại bị gọi đến, sai nha cũng không nói cho ông biết, chỉ nói là ông phải đến quan nha.
Chu Ông đi vào quan phủ, Trương Thượng Thư mới hỏi về đứa con trai trưởng phản nghịch, ông trả lời: “Đúng là như vậy”.
Trương Thượng Thư tiếp tục phái người gọi con trai trưởng của Chu Ông đến. Trương Thượng Thư trước tiên hỏi người con này ở Chu gia phụng dưỡng bề trên như thế nào. Người con trai trưởng nói: “Cha tuổi đã già, tiểu dân vẫn luôn nhận lấy trách nhiệm báo hiếu và nuôi dưỡng cha”.
Trương Thượng Thư đưa ra nhiều đơn kiện của hàng xóm cho anh ta xem, con trai trưởng của Chu gia sợ tới mức lập tức quỳ lạy, cầu xin nói: “Bởi vì tiểu dân bị rượu độc làm hại, không còn biết gì nữa, nên mới nói ra những lời ác độc đó”.
Trương Thượng Thư cho những người khác đi về, nhốt con trai trưởng của Chu gia vào ngục, cũng dặn đi dặn lại sai nha tra hỏi là đừng bắt anh ta phải đeo xiềng xích hay còng tay.
Xử lý xong chuyện này, Trương Thượng Thư tự mình đi đến Thành Hoàng Tử thắp hương dâng lễ, cầu khẩn với Thành Hoàng:
“Gần đây, ở quận huyện do hạ dân quản lý, có xuất hiện sự việc con ruột muốn giết cha, điều này thật là trời đất khó dung. Hạ dân bản thân là một quận trưởng, cũng khó mà trốn tránh được trách nhiệm.
Hạ dân nghĩ mãi mà không ra, ngài là Thần Minh, lại được dân chúng tế tự rất chu đáo, sao lại để cho việc này xảy ra?”.
Trương Thượng Thư cầu khẩn xong liền trở về phủ. Vào ban đêm, Trương Thượng Thư mơ thấy Thần Thành Hoàng.
Thần Thành Hoàng nói với ông: “Ta sao lại không biết? Ân oán giữa cha con Chu gia, vốn là mối hận thù từ kiếp trước, kiếp này chỉ là trả nợ lẫn nhau mà thôi! Con trai trưởng Chu gia vốn là thương nhân ở nơi khác, ba mươi năm trước mang theo tiền bạc của cải đến nhà Chu gia.
Chu Ông thấy thương nhân đơn độc một mình, trong tâm liền nổi lòng tham tài vật, vì vậy mới nghĩ ra một kế, dẫn thương nhân ra khỏi thành và đi thuyền trên sông, rồi cố ý làm cho thuyền đắm, khiến thương nhân bị chết chìm ở ngoài thành, rồi chiếm được tất cả tài sản của thương nhân.
Từ đó về sau, Chu gia mới có tiền vốn để làm ăn, những việc này người ngoài không ai biết. Thương nhân ở dưới âm phủ đã tố cáo lên, Diêm Vương cho phép anh ta chuyển sinh thành con trai trưởng của Chu gia, dùng cách này để báo ứng. Thượng Thư nên hiểu rõ những nhân duyên này thì mới xử lý cho tốt được”.
Ngày kế tiếp, Trương Thượng Thư lại gọi Chu Ông đến lần nữa và hỏi: “Ngươi tự hỏi lòng mình, xem cả đời này có làm việc gì bất nhân bất nghĩa không?”. Lúc đầu Chu Ông còn nói dối, nói rằng từ trước giờ chưa làm việc gì xấu cả, dù là một chút cũng không!
Trương Thượng Thư mới nhắc nhở: “Ông còn nhớ ba mươi năm trước, ở trên sông mưu sát một thương nhân ở ngoài thành không?”. Thượng Thư còn nói cho ông biết, bây giờ đã đại xá thiên hạ, nói ra chuyện cũ cũng có hại gì đâu? Chu Ông nghe xong, sợ tới mức mồ hôi ướt đẫm, dập đầu nhận tội.
Trương Thượng Thư kể lại cho ông biết những lời của Thần Thành Hoàng, nói với Chu Ông, người con trai trưởng của ông chính là thương nhân ở ngoài thành chuyển sinh, nay đang đến tìm ông đòi nợ. Chu Ông tính toán tuổi của con trai trưởng thì thấy đúng là như vậy, Chu Ông càng thêm hoảng sợ.
Trương Thượng Thư nghĩ cách để chấm dứt ân oán giữa hai người, để tránh khỏi phải luân hồi tương báo mãi không thôi. Vì vậy nói với Chu Ông: “Ta sẽ giúp ông kết thúc cái ác duyên này. Nếu như ông có thể quyên góp ngàn quan tiền, lại để cho con trai trưởng xuất gia làm tăng nhân. Như vậy có lẽ mới kết thúc được ác nghiệp này, ý của ông thế nào?“.
Chu Ông đồng ý nhưng chỉ sợ con trai trưởng không muốn xuất gia. Trương Thượng Thư sau khi thương lượng việc này xong, liền nói với người con trai trưởng: “Căn cứ vào hành vi của ngươi, chiểu theo luật thì nên bị xử chém. Nhưng ta là muốn làm một việc tốt, đã cùng với cha của ngươi bàn tính, cho ngươi xuất gia làm tăng, ngươi có đồng ý không?”.
Con trai trưởng của Chu gia vui vẻ đồng ý. Cùng ngày hôm đó, con trai trưởng của Chu gia xuất gia, Chu Ông lại cho anh ta rất nhiều tiền làm lộ phí, khiến anh ta có thể dạo chơi khắp nơi trước khi quy y cửa Phật.
(Trích từ “Di Kiên Chí Bổ” quyển sáu)
Chân Chân biên dịch
Xem thêm: