Vào những năm 1970, các nhà khảo cổ học ở Bulgaria tình cờ phát hiện ra một nghĩa địa rộng lớn từ Thời đại đồ đồng, thiên niên kỷ thứ 5 TCN. Nơi này chứa đựng những cổ vật bằng vàng lâu đời nhất từng được phát hiện gần thành phố Varna ngày nay. Nhưng phải đến ngôi mộ thứ 43, họ mới nhận ra ý nghĩa thực sự của phát hiện này đáng giá đến mức nào.
Mesopotamia, Ai Cập và Thung lũng Indus, tất cả đều được ghi nhận là nền văn minh được biết đến sớm nhất. Nhưng ít ai nghe nói về nền văn minh Varna bí ẩn xuất hiện trên bờ hồ Biển Đen vào khoảng 7.000 năm trước ở Bulgaria.
Văn hóa Varna không phải là một xã hội nhỏ bé bình thường, chỉ xuất hiện ở một góc nhỏ của Bulgaria rồi tiêu biến nhanh chóng trong dòng lịch sử.
Thay vào đó, Varna là nền văn minh có mức độ tiên tiến đáng kinh ngạc, cổ xưa hơn cả đế chế Mesopotamia và Ai Cập, và là nền văn hóa đầu tiên được biết đến có thể chế tác các cổ vật bằng vàng.
Varna hiện cũng là nơi có nghĩa địa tiền sử lớn nhất được biết đến ở Đông Nam châu Âu, nơi có nền văn hóa phong phú như các nghi thức tang lễ phức tạp, hệ thống tín ngưỡng cổ xưa và khả năng sản xuất những món hàng tinh xảo, được chế tác thủ công điệu nghệ.
Nền văn minh Varna còn được so sánh như cái nôi của nền văn minh châu Âu.
Sự trỗi dậy của văn hóa Varna
Bằng chứng cho thấy rằng giữa năm 4600 và 4200 trước Công nguyên là lúc nghề chế tác vàng lần đầu tiên xuất hiện ở Varna.
Khi xã hội Varna bắt đầu có những tiến bộ, và các thợ thủ công thành thạo nghề luyện đồng và vàng. Họ bắt đầu giao thương với các nước láng giềng ở khu vực phía Bắc và phía Nam, cuối cùng mở rộng ra quan hệ thương mại trong khu vực Biển Đen và Địa Trung Hải, điều này có tầm quan trọng to lớn đối với sự phát triển của xã hội.
Dọc theo vịnh sâu là các khu dân cư của Varna, vịnh này cung cấp một bến cảng rộng lớn cho các tàu thuyền đi qua Biển Đen tụ tập. Khi đó Varna đã trở thành một trung tâm thương mại vô cùng thịnh vượng lúc bấy giờ.
Hoạt động buôn bán gia tăng cho phép các nhà luyện kim tích lũy của cải nhanh chóng. Xã hội phát triển lúc bấy giờ, những người luyện kim thường đứng đầu ở vị trí thượng tầng, sau đó mới đến các thương nhân ở trung tầng và nông dân là tầng lớp thấp nhất.
Trong một số khám phá đáng kinh ngạc khác cũng cho thấy Varna cũng từng có những người cai trị rất hùng mạnh.
Chính vì vậy, thời kỳ Varna là thời kỳ có một nền văn hóa vô cùng hưng thịnh, ảnh hưởng lan rộng đến toàn bộ châu Âu trong hàng ngàn năm tới.
Khám phá Varna cổ đại
Bằng chứng đầu tiên về nền văn minh Varna cổ đại là từ các công cụ, tàu thuyền, đồ dùng và tượng nhỏ làm từ đá, đá lửa, xương và đất sét.
Vào tháng 10 năm 1972, người vận hành máy đào Raycho Marinov tình cờ phát hiện ra một nghĩa địa rộng lớn thời đại Đồ đồng có chứa các cổ vật làm bằng vàng lâu đời nhất từng được tìm thấy. Đó đã trở thành một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất từng có ở Bulgaria.
Các cuộc khai quật mở rộng đã được triển khai dưới sự chỉ đạo của Mihail Lazarov (1972 – 1976) và Ivan Ivanov (1972 – 1991), lần đầu tiên khám phá ra nền văn minh tráng lệ của Varna.
Hơn 300 ngôi mộ đã được phát hiện trong khu nghĩa địa và hơn 22.000 cổ vật tinh xảo đã được tìm thấy. Trong đó có hơn 3.000 vật phẩm là làm từ vàng với tổng trọng lượng 6 kg.
Các di tích quý giá khác cũng được tìm thấy trong các ngôi mộ bao gồm đồng, đá lửa chất lượng cao, công cụ bằng đá, đồ trang sức, vỏ động vật biển Địa Trung Hải, đồ gốm, lưỡi đá obsidian và chuỗi hạt.
Phân tích các ngôi mộ cũng tiết lộ rằng văn hóa Varna từng sở hữu một xã hội có cấu trúc cao, và những thành viên ưu tú trong xã hội được chôn cất trong những tấm vải liệm có đính đồ trang sức bằng vàng và ngôi mộ của họ chứa đầy kho báu, bao gồm đồ trang sức bằng vàng, rìu bằng đồng nặng, vật trang trí tao nhã và các món đồ gốm được trang trí lộng lẫy, trong khi những người khác được chôn cất đơn giản với một vài món đồ mả.
Phát hiện ngôi mộ 43
Trong rất nhiều mộ phần của tầng lớp tinh hoa được phát hiện, có một ngôi mộ khá đặc biệt nổi bật giữa những ngôi mộ còn lại, chính là ngôi mộ 43.
Các nhà khảo cổ đã phát hiện trong đó có bộ hài cốt của một người đàn ông có địa vị cao, bởi cạnh bên ông là cây vương trượng (biểu tượng của người có cấp bậc cao hoặc sức mạnh tâm linh nào đó). Có thể khi còn sống ông là một người cai trị hoặc lãnh đạo nào đó, hơn nữa rất nhiều vàng được tìm thấy trong phần mộ này, nhiều hơn cả toàn bộ phần còn lại của thế giới trong thời kỳ đó.
Việc chôn cất đối với người Varna cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì đây là phần mộ chôn cất nam giới ưu tú đầu tiên được biết đến ở châu Âu. Trước đó, phụ nữ và trẻ em thường là những người sẽ được chôn cất công phu nhất.
Marija Gimbutas, một nhà khảo cổ học người Mỹ gốc Litva, từng công bố những phát hiện vào thời kỳ đồ đá mới trên khắp châu Âu đã cung cấp bằng chứng cho thấy đã từng có xã hội mẫu hệ vào tiền Ấn-Âu.
Bà cho rằng vào cuối thiên niên kỷ thứ 5 trước Công nguyên, sự chuyển dịch sang vị thế thống trị của nam giới mới bắt đầu ở châu Âu.
Thật vậy, trong văn hóa Varna, người ta đã quan sát thấy rằng chỉ vào khoảng thời gian này, đàn ông mới bắt đầu được chôn cất tốt hơn sau khi chết.
Nghi thức phức tạp
Ngoài những cổ vật quý giá, và hình thức phân cấp xã hội được tìm thấy trong các mộ phần nghĩa địa Varna; Các đặc điểm của các ngôi mộ cũng cung cấp những hiểu biết quan trọng về tín ngưỡng tôn giáo và các hoạt động tang lễ phức tạp của nền văn minh cổ đại này.
Các nhà nghiên cứu đã thấy rõ rằng nam và nữ được đặt ở các tư thế khác nhau trong ngôi mộ: nam được đặt nằm ngửa lưng, trong khi nữ được đặt ở tư thế của thai nhi.
Nhưng điều ngạc nhiên nhất là có tồn tại một số ngôi mộ không có bộ xương nào cả, và những “ngôi mộ tượng trưng” này, thường là những người rất giàu có, bởi số lượng vàng và các kho báu khác được tìm thấy trong đó.
Một vài trong số những ngôi mộ mang tính biểu tượng, hay bia tưởng niệm, có để những chiếc mặt nạ cỡ bằng người thật được làm bằng đất sét không nung được đặt ở vị trí đầu người.
Bên trong những ngôi mộ chứa mặt nạ đất sét cũng tìm thấy các bùa hộ mệnh bằng vàng có hình dáng nữ giới và được đặt ở vị trí cổ. Những bùa hộ mệnh này có liên hệ tới việc mang thai và sinh nở của phụ nữ, đủ chứng minh rằng ‘những ngôi mộ’ này là của một người phụ nữ Varna thời đó.
Một bằng chứng khác là trên thực tế không có bất kì rìu chiến đấu nào được tìm thấy trong những chiếc bia này, nhưng mỗi mộ phần đều có một đinh ghim bằng đồng, một con dao đá và một con suốt chỉ.
Sự sụp đổ và di sản của văn hóa Varna
Vào cuối thiên niên kỷ thứ 5 trước Công nguyên, nền văn hóa Varna hùng mạnh và uy quyền một thời bắt đầu tan rã.
Người ta đưa ra giả thuyết rằng sự sụp đổ của Varna là kết quả của việc biến đổi khí hậu đã khiến những vùng đất trồng trọt rộng lớn thành đầm lầy và nước trũng, kèm theo đó là sự xâm nhập của các kỵ binh từ thảo nguyên.
Mặc dù nền văn minh Varna không còn để lại bất kỳ hậu duệ trực tiếp nào, nhưng nền văn hóa của họ đã để lại nhiều di sản lâu dài cho hậu thế và tạo tiền đề cho sự xuất hiện của các nền văn minh tiếp theo trên khắp châu Âu.
Kỹ năng luyện kim của họ là chưa từng có ở châu Âu và sự thật là vượt trên cả toàn thế giới. Xã hội của họ thời đó mang những đặc điểm điển hình của một nền văn minh phát triển tiên tiến.
Họ cũng phát triển cấu trúc xã hội của một chính quyền tập trung như có một người hoặc một cơ quan giám sát có thể đảm bảo xã hội hoạt động có trật tự.
Bất ngờ là tất cả các nguyên tắc cơ bản này, đều có ở một xã hội hiện đại, và cũng là mô hình của nền văn minh mà chúng ta vẫn theo đuổi cho đến ngày nay.
Mai Trang (theo Ancient Origins)