Không chỉ để giải trí, qua việc đọc Tây Du Kí, ta còn có thể rút ra nhiều bài học nhân sinh, cũng như triết lý lãnh đạo từ việc bốn thầy trò hợp lực vượt trở ngại để đắc chân kinh.
Bốn thầy trò Đường Tăng vượt qua 81 kiếp nạn, cuối cùng cũng lấy được chân kinh! Sau khi trở về Đại Đường, Hoàng đế Lý Thế Dân đã bày biện yến tiệc để đón mừng. Sau một hồi hàn huyên tâm sự, ngài hỏi thăm trên đường bốn thầy trò đã gặp phải những việc gì.
Lý Thế Dân hỏi Đường Tăng: “Thành quả hôm nay của Ngự đệ là dựa vào điều gì?”.
Đường Tăng trả lời: “Thứ mà bần tăng dựa vào chính là lòng tin, chỉ cần bản thân không chết thì nhất định có thể lấy được chân kinh!”.
Sau đó Lý Thế Dân lại hỏi Tôn Ngộ Không: “Còn ngài dựa vào điều gì?”.
Tôn Ngộ Không nói: “Ta dựa vào năng lực và phẩm chất! Lúc ta không biết làm như thế nào ta sẽ nhờ cậy người khác giúp đỡ”.
Sau đó Lý Thế Dân lại hỏi Trư Bát Giới: “Ngài động một chút là buông cào, vậy sao ngài có thể thành công?”.
Bát Giới nói: “Ta lựa chọn đúng đồng đội, trên đường có người giúp đỡ, có người dạy bảo, có người dẫn dắt, ta muốn không thành công cũng khó”.
Cuối cùng lại hỏi Sa Tăng: “Ngài thật thà như thế này sao cũng có thể thành công?”
Sa Tăng nói: “Tôi đơn giản là biết nghe lời và làm theo sự chỉ bảo”.
Vinh quang của một đời người, 20 tuổi dựa vào kỹ năng, 30 tuổi dựa vào kỹ năng và phẩm chất, 40 tuổi dựa vào phẩm chất. Thành công của mỗi người đều không hoàn toàn giống nhau, nhưng có một điều giống nhau đó là sự lựa chọn. Bạn lựa chọn cách sống như thế nào, thì sẽ đi trên con đường như thế.
Một người nếu muốn thành công thì hoặc là xây dựng nên một tập thể, hoặc là gia nhập vào một tập thể. Ở trong thế giới không ngừng biến đổi này, đơn độc một mình thì con đường càng đi càng chật, nhưng nếu chọn được những người bạn cùng chung chí hướng thì tức là đã lựa chọn được thành công.
Dùng đam mê để xây dựng nên một tập thể và dùng tập thể để thực hiện ước mơ. Con người vì có ước mơ mà vĩ đại, vì có tập thể mà nổi bật, vì cảm ân mà hạnh phúc, vì học tập mà thay đổi, vì hành động mà thành công. Một người là ai không quan trọng, quan trọng là bạn ở trong tập thể với những người như thế nào!
Một tập thể muốn thành công thì phải làm được những điều sau:
- Người đứng đầu phải có tín ngưỡng, kiên định với chí hướng của mình.
- Người vận hành nhất định phải có đủ sức mạnh về nhân lực, vật lực và các phương án giải quyết hữu hiệu nhất.
- Người quản lý tầng trung phải biết dựa vào sức mạnh của tập thể. Tập thể nhất định phải có người giúp đỡ, có người chỉ dạy, và có người dẫn dắt.
- Người cấp cơ sở phải dựa vào sự chấp hành, trung thành, tiếp thu ý kiến và thực hiện đúng quy định.
Bạn đang thuộc tầng cấp nào? Bất luận là thuộc tầng cấp nào thì bạn cũng nên làm tốt công việc của mình. Cũng phải nói, sự thành công của một tập thể không thể tách khỏi vai trò của người lãnh đạo. Cho nên, một người lãnh đạo tốt cũng phải có những tố chất cần thiết:
- Quyền lực đến từ chuyên môn
Bạn dựa vào điều gì để thuyết phục nhân viên của mình? Dựa vào điều gì để họ tôn trọng bạn? Có một điều kiện tiên quyết, chính là sự vững vàng về chuyên môn. Bởi vậy, yếu tố làm nên một người lãnh đạo, đầu tiên đó là nâng cao chuyên môn của bạn, không ngừng hoàn thiện và cầu tiến, khiến cho năng lực của bạn ngày càng được nâng cao.
- Quyền hạn không quan trọng, nhân cách mới là then chốt
Quyền hạn phụ thuộc vào chức vụ của bạn, do công ty trao cho bạn. Ví dụ nói bạn có quyền ban thưởng cho nhân viên, quyền xử phạt nhân viên,… Nhưng nó cũng không quan trọng, mà điều then chốt chính là nhân cách của bạn. Giá trị, nhân phẩm, nhân cách của bạn mới là thứ khiến nhân viên thừa nhận bạn, tâm phục khẩu phục đối với bạn.
- Quy tắc giữ khoảng cách với nhân viên
Đối với nhân viên cần giữ khoảng cách, không thể đem chuyện tình cảm riêng tư và các nguyên tắc trong công ty hợp thành một. Nếu như lẫn lộn giữa tình cảm và quy tắc thì nhân viên chỉ tôn trọng bạn chứ không kính nể bạn, cuối cùng bạn sẽ gặp phải rất nhiều phiền toái. Rất nhiều công ty tồn tại hiện tượng như vậy, chính là công ty biến thành một gia tộc nhỏ, hoặc công ty biến thành một bang phái giang hồ, huynh đệ tụ nghĩa… như vậy sẽ trở thành cản trở rất lớn đối với việc chuyên nghiệp hóa.
Với tư cách là một lãnh đạo chuyên nghiệp, nhất định phải bảo trì khoảng cách với nhân viên, nhưng về phương diện tình cảm thì phải thu hẹp khoảng cách. Là một người lãnh đạo, nếu thường xuyên đem cuộc sống cá nhân vào để chỉ đạo thì đó không phải là một lãnh đạo tốt, thường sẽ biến công ty trở thành một xã hội giang hồ.
- Người lãnh đạo phải dung hòa tập thể nhưng vẫn giữ khoảng cách với tập thể
Người quản lý cần phải khiến cho cấp dưới vừa yêu mến vừa kính sợ mình! Vậy phải làm thế nào? Với tư cách là người đứng đầu bạn phải dung hòa tập thể, tuy nhiên vẫn phải giữ khoảng cách với họ. Dung hòa tập thể nhưng không thể biến tập thể trở thành chủ nghĩa bè phái, biến thành những tập thể nhỏ tách rời nhau. Nếu như bạn không dung hòa tập thể, xa rời tập thể, làm việc riêng rẽ thì bạn sẽ phát hiện rằng trong lòng bạn và nhân viên sẽ có khoảng cách rất lớn.
- Người lãnh đạo phải có tính cách điềm tĩnh
Với tư cách là một người lãnh đạo, bạn phải hiểu được lời nói như thế nào là giống với người quản lý, bạn phải có tính cách điềm tĩnh, không nên thể hiện hết lên gương mặt, hoặc làm việc tùy ý. Đây đều những điều người quản lý không nên làm.
- Lời nói và hành động phải đúng với thân phận, phải phù hợp hoàn cảnh
Lời nói và hành động của bạn phải đúng với thân phận và phải phù hợp với hoàn cảnh, nếu không sẽ đem đến phiền phức cho bạn, nhân viên cũng sẽ không kính nể bạn.
Người quản lý nói chuyện chính là một nghệ thuật, phải khéo léo, chuyên nghiệp, phải có chính khí, có uy nghiêm, hòa ái, không có những điều này bạn sẽ phát hiện sẽ không ai tình nguyện nghe lời bạn nói. Ngôn ngữ và hành động của bạn phải đi đôi với thân phận của bạn.
>>> Cô đơn làm người ta sợ hãi, còn cô độc khiến người ta mạnh mẽ
>>> Khách khí là một loại ‘bệnh độc’ nguy hiểm, không trị sẽ tổn hại chính mình
Tuệ Tâm, theo Secretchina