Tinh Hoa

Ngẫm về chuyện có nên hay không nên bỏ Tết Ta?

Mấy năm trở lại đây, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, người Việt ta lại có thêm thú vui mới, ấy là tranh luận xem có nên hay không nên bỏ Tết ta?

Cành đào đã trở thành một trong những biểu tượng cho Tết Nguyên đán của người Việt.

Có không ít ý kiến ủng hộ và phản đối của nhiều người từ giới chuyên gia học giả, doanh nhân, nhà kinh tế cho đến sinh viên hay người dân bình thường.

Ủng hộ

Các ý ủng hộ thường trích dẫn đề xuất của Giáo sư Võ Tòng Xuân, người đã nói tới việc này từ cách đây cả chục năm. Ông lại được truyền thông trích thuật lập luận rằng Tết Việt Nam là theo lịch Trung Quốc với nhiều tập quán cổ truyền, có vài bất lợi sau đây:

  1. Mất cơ hội nắm bắt ngay thời cơ kinh doanh, giao thương với nước ngoài.
  2. Mất thời giờ của nông dân lo chăm sóc lúa Đông – Xuân, vụ lúa tiềm năng cao nhất trong năm.
  3. Gượng ép thời khóa biểu học tập và thi học kỳ của sinh viên học sinh, làm cho họ mất cả 2 tuần lễ học hành.
  4. Dân chúng nhậu nhẹt, bài bạc dưới nhiều hình thức, rất tốn kém tiền của và thời gian học tập, tổn hại sức khỏe và tính mạng.
  5. Lãng phí ngày làm việc trong khi quốc tế nghỉ Tết Tây.

Vẫn theo giáo sư Võ Tòng Xuân thì đến nay chỉ có Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam là còn giữ Tết âm lịch trong khi các nước khác ở châu Á đã chuyển ngày nghỉ Tết truyền thống theo dương lịch.

Ông đưa ví dụ điển hình là Nhật Bản, một trong số những quốc gia giàu nhất thế giới, đã chuyển tập quán ăn Tết của Nhật sang ăn Tết theo Dương Lịch từ năm 1872, 19 năm sau khi hạm đội Mỹ tiến vào hải cảng Edo (bây giờ là Tokyo) năm 1853, chưa kể rất nhiều nước châu Âu khác cũng đã áp dụng ăn Tết theo Dương lịch từ đầu thế kỷ 16 và những thế kỷ tiếp sau đó.

Ông cũng cho rằng: “Việt Nam chúng ta đến thời đại này vẫn còn nghỉ Tết theo lịch của Trung Hoa để chuốc lấy những lãng phí đã kể trên đây”.

Mới đây nhất, một lần nữa ý tưởng nên gộp Tết Tây và Tết Ta lại được bàn tới và lại tiếp tục có rất nhiều ý kiến trái chiều.

Giúp hội nhập kinh tế

Hình ảnh Tết ở Hà Nội những năm 1990 của hai phóng viên nước ngoài Steve Raymer và Nevada Wie. Đây là những bức ảnh xuất hiện rất nhiều trên các trang cá nhân, các trang mạng chia sẻ dịp Tết đến, xuân về.

Nhà văn trẻ Tuệ Nghi có bài viết gửi cho VTC News ủng hộ quan điểm này.

Tuệ Nghi lập luận là “hô hào hội nhập kinh tế nhưng vẫn muốn giữ khư khư lề lối văn hoá truyền thống đó là Tết cổ truyền”.

Cô cũng nói không phủ nhận “Tết cổ truyền mới đúng là Tết sum họp của người Việt nhưng nó không còn phù hợp với tốc độ phát triển xã hội nhanh vũ bão như hiện nay.

Chúng ta chọn đất nước giàu mạnh hay chọn cố chấp giữ truyền thống để cứ phải ngậm ngùi nhìn các quốc gia khác vượt mặt chúng ta hàng thập kỷ?”

Nhà văn Tuệ Nghi có quan điểm: “Trên lý thuyết, Tết là sum họp, là tình thân và cũng có người cho rằng Tết cổ truyền là hồn của dân tộc, Tết còn thì dân tộc Việt mới còn (?!) Tôi không nghĩ vậy, cá nhân tôi cho rằng nếu đã sống có tình thì 365 ngày trong năm đều tình nghĩa với nhau, đều sum họp với nhau chứ cần gì nhân danh Tết để bày mâm cao cỗ đầy?

Và cái hồn ở dân tộc vốn dĩ nằm ở sự thịnh vượng, sự phát triển vượt bậc về kinh tế, sự hội nhập khéo léo về văn hoá cũng như chuẩn mực trong đạo đức, lối sống của con người. Hà cớ gì đạo đức xã hội càng xuống cấp, kinh tế thì thụt lùi, Tết thì ngày càng ‘nhạt’ mà cứ phải khăng khăng ‘giữ hồn’?”

Ủng hộ ý kiến này còn phải kể tới một số người có tên tuổi như các chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Lê Đăng Doanh v.v…

Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, có quan điểm xét trên góc độ kinh tế: “Một nước còn nghèo, năng suất lao động còn rất thấp như Việt Nam mà lại nghỉ nhiều hoặc làm việc với một nhịp độ thấp như vậy thì rất khó cho việc phát triển”.

“Dịp đó có thể dài hơn nhưng nghỉ một kỳ. Hiện nay thời gian nghỉ giữa hai cái Tết đang gây ảnh hưởng ghê gớm tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty”, bà Chi Lan được báo chí trích dẫn.

Chưa kể theo bà Chi Lan việc gộp 2 Tết còn có cái lợi vẫn duy trì được truyền thống gia đình và truyền thống sum họp nhưng có kỳ nghỉ chung với thời gian nghỉ dài thì con cháu ở các nơi khác, ở nước ngoài cũng vẫn có thể về sum họp vì hiện “nếu gia đình nào có con cái đang ở nước ngoài thì khó có thể về được vào dịp này. Như vậy, con cháu cũng không thể sum họp được với gia đình vào dịp Tết Nguyên đán”.

Phản đối

Đám rước dịp Tết ở một làng quê Việt Nam năm 1989. (Ảnh: David Aland Harvey)

Nét đặc trưng văn hóa

Trước những đề xuất và ý kiến ủng hộ việc gộp Tết đã có không ít các ý kiến phản đối. Một trong những doanh nhân có ý kiến phản đối ý tưởng này là ông Hoàng Khải – Chủ tịch tập đoàn Khải Silk.

Ông Khải đăng thông điệp: “Giàu thì đã giàu rồi. Thôi đừng bàn bỏ Tết nữa cho nó nôn nao, nó vui.”

Giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, được báo Người đưa tin trích lời nói việc đề xuất như thế là không hợp lý vì Tết Nguyên đán không chỉ là dịp sum vầy, dịp nhớ về nguồn cội mà đã ăn sâu trong tâm trí cũng như là nét văn hóa đặc trưng của con người Việt Nam.

“Tết cổ truyền là văn hóa truyền thống có từ hàng mấy ngàn năm. Tết cổ truyền là nét đặc trưng gắn liền với đời sống xã hội, tinh thần cũng như văn hóa của người dân Việt Nam. Nói gì thì nói, người ta đi làm cả năm chỉ có những ngày Tết để trở về sum vầy bên gia đình, cớ sao nói bỏ. Chúng ta có Tết của chúng ta, người phương Tây có Tết của họ sao lại đi bỏ văn hóa của ta để theo văn hóa của họ… Tôi cho là bất hợp lý”, Giáo sư Hoàng Chương nói.

Một tài khoản Facebook có tên Chau Doan đưa ra những lập luận và quan điểm của mình về việc bỏ Tết nguyên đán, anh viết:

“Nếu chỉ lo về hiệu quả công việc thì chúng ta sẽ có cuộc sống giống như người Nhật, khi mà công việc luôn được ưu tiên số một. Nhưng nhiều khi tôi tự hỏi tại sao phải luôn chạy theo công việc trong khi cuộc đời là hữu hạn?

Mấy ngày nghỉ của Tết có là gì so với 365 ngày. Nếu chỉ thấy nghỉ là mất tiền thì chúng ta sẽ luôn thấy mất mát.

Nếu quan tâm tới mất mát thì tại sao các bạn không lên tiếng mạnh mẽ phản đối những chính sách thuế má bất công. Giả dụ như trong một lít xăng đã có tới 8000 tiền thuế môi trường, rồi hàng trăm nghìn tỉ bị ăn cắp, nạn tham nhũng kinh hoàng trong xã hội này? Thay vì làm “con trâu, con bò” chỉ tham công tiếc việc, tại sao không có thêm mấy ngày nghỉ để chào đón Xuân? Đời rất ngắn cơ mà?

Nếu cứ lấy hiệu quả công việc làm trọng thì có lẽ chúng ta nên dạy toàn tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật cho trẻ con thôi, như thế chúng sẽ hội nhập với thế giới tốt hơn. Chứ tiếng của một dân tộc tiểu nhược thì được việc gì?

Tiếc rằng, cuộc đời không phải lúc nào cũng có thể đo đếm bằng hiệu quả, bằng tiền được mà còn phần hồn bên trong. Chúng ta mang tâm hồn Việt chứ không phải tâm hồn Tầu, Mỹ hay Nhật”.

Tết Nhâm Tuất 1982.

Facebooker Hoàng Huy đưa ra các lập luận với lý do về truyền thống, Tết âm lịch mới là Tết đoàn viên, các lập luận của Giáo sư Võ Tòng Xuân là chưa đủ sức thuyết phục và có kết luận:

“Nói gì thì nói, mình không muốn bỏ Tết âm mà gộp vào Tết dương, vì suy cho cùng, Tết âm vẫn là cái hồn cốt dân tộc. Nếu nói không ăn Tết âm để xóa bỏ triệt để nền văn hóa Trung Quốc thì mình xin nói luôn, lịch Dương, Tết dương cũng đâu phải của nước mình.

“Và còn một lý do rất quan trọng nữa mà mình muốn đề cập, đấy là… dù lớn rồi nhưng mình vẫn được bố mẹ mừng tuổi”.

Một Facebooker khác, với tên Thinh Babel, viết có chút hài hước: SAO LẠI CHỈ CẦN MỘT TẾT NHỈ? vì “ngoài việc được nghỉ hai lần, mỗi lần vài ngày thì còn được nhận tiền thưởng hai lần.”

“Còn lý do để tiết kiệm thời gian mình thấy vô lý. Một xã hội (chế độ) con người được nghỉ nhiều nhưng cuộc sống vẫn ổn thì tiến bộ chứ sao?

“Còn tiết kiệm thời gian ư? Kẹt xe mất nhiều thời gian lắm. Cà phê mất nhiều thời gian lắm. Bia bọt mất nhiều thời gian lắm. Thủ tục hành chính mất nhiều thời gian lắm. Công chức vác ô đến công sở ngốn nhiều thời gian lắm. Công việc chỉ cần vài người làm nhận con cháu vào cả đống giết thời gian nhiều lắm. Họp hành tốn nhiều thời gian lắm. Có gộp nên gộp hết các tổ chức về mối chính quyền. Gọn.

Nói cho cùng thì mình thấy chỉ có một cái Tết: Tết âm lịch. Không khí hay lắm, đầm ấm lắm. Mình không cho Tết Tây là Tết. Đó chỉ là thời khắc đón năm mới dương lịch, nghỉ xả hơi mà thôi”, Facebooker Thinh Babel viết.

Tết cổ truyền – văn minh lúa nước

Sử gia Dương Trung Quốc viết trên Facebook của ông: “Bạn biết làm món gì trong dịp Tết cổ truyền theo lịch mặt trăng của văn minh lúa nước Bách Việt – Đông Nam Á?” để dẫn nhập cho video của nghệ sĩ hài Trung Dân, người đưa ra quan điểm phản bác ý tưởng gộp hai cái Tết làm một được trang Đề án Bếp Việt – Bếp của Thế giới đăng tải.

Trong một đoạn video ngắn, nghệ sĩ Trung Dân nêu rõ Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam có nguồn gốc từ thần nông Trần Hữu Tước:

“Nhờ Trần Hữu Tước mà chúng ta có cả một nền văn minh lúa nước, chúng ta lập quốc, chống ngoại xâm và trường tồn đến ngày hôm nay.

Thần nông là người đầu tiên dạy cho người dân đất Việt trồng lúa nước. Nền văn minh lúa nước đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nông nghiệp, đời sống văn hóa của người đất Việt và cho tới ngày hôm nay người Việt chúng ta vẫn còn sử dụng”.

Và nghệ sĩ Trung Dân cũng nhắc lại: “Cách đây không lâu các nhà khảo cổ đã chứng minh được đồng bằng sông Hồng là một trong những trung tâm duy nhất lúa nước của cư dân Bách Việt hay còn gọi là người Việt Cổ chúng ta. Có được văn minh lúa nước, có được bộ lịch âm lịch, người Việt Nam đã ăn Tết theo mùa và được tính theo Tiết mà ngày nay đã được gọi là Tết”.

Và như vậy theo ông: “Tết cổ truyền nông nghiệp không tồn tại hay phát xuất ở vùng hiện nay là lãnh thổ phía Bắc sông Hoàng Hà của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vốn là lãnh thổ gốc của cư dân du mục phương Bắc. Tết cổ truyền nông nghiệp gắn liền với văn hóa nước mắm và tục trầu cau Việt Nam – Đông Nam Á.

Đây là vấn đề tranh luận cần được khép lại khi Tết cổ truyền đã được sử dụng hàng ngàn năm nay, là nền tảng của nền văn hóa ẩm thực lúa nước đặc sắc lấy tự nhiên làm gốc, vừa ngon vừa lành, là nhà bếp trị bệnh cho cả thế giới trong thời đại hội nhập toàn cầu”.

*****

Rất rõ ràng những người ôm quan điểm bỏ Tết Ta tôn trọng giá trị vật chất hơn giá trị tinh thần. Và ngược lại, những ai ở phía đối lập lại cho rằng bỏ Tết Ta là quan niệm thiển cận và giá trị đạo đức, tinh thần và những truyền thống đẹp mới là điều xứng đáng được tôn vinh và trân trọng.

Vậy theo bạn, chúng ta nên có nên hay không nên bỏ Tết ta?

Theo BBC Tiếng Việt