Ngày 22/4 vừa qua, gần 1.000 học viên Pháp Luân Công ở New York đã tổ chức một cuộc diễn hành, kỷ niệm 19 năm cuộc thỉnh nguyện ôn hòa quy mô lớn của các học viên tại Bắc Kinh vào ngày 25/4/1999, 3 tháng trước khi Giang Trạch Dân phát động cuộc bức hại tàn bạo lên môn tu luyện Pháp Luân Công.
Vào ngày 25/4/1999, ước tính có đến 10.000 người dân tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, hay còn gọi là Pháp Luân Công, tập trung ở Bắc Kinh để thỉnh nguyện chính quyền khôi phục môi trường an toàn và hợp pháp cho việc thực hành môn tu luyện của họ.
Ngày hôm đó, khắp các vỉa hè gần Trung Nam Hải, khu phức hợp của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quóc (ĐCSTQ) đều chật kín những người dân lịch sự, ôn hòa đứng thỉnh nguyện cho những đồng tu của họ bị bắt giữ vô cớ trước đó.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện cả tâm lẫn thân của Phật gia dựa trên nguyên lý Chân Thiện Nhẫn. Nhờ hiệu quả kỳ diệu trong việc nâng cao đạo đức và cải thiện sức khỏe, tính đến năm 1999, chỉ sau 7 năm được truyền ra công chúng, đã có khoảng 70-100 triệu người Trung Quốc theo học.
Tuy nhiên vì sự đố kỵ và lo sợ sự phổ biến của môn tu luyện sẽ ảnh hưởng đến quyền lực của đảng, chỉ 3 tháng sau khi diễn ra cuộc thỉnh nguyện 25/4, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động một cuộc đàn áp quy mô lớn lên các học viên Pháp Luân Công, và cuộc bức hại tàn bạo đó vẫn kéo dài cho đến tận ngày nay.
Giờ đây, gần 20 năm sau, những vỉa hè ở New York lại tràn ngập người đi bộ dừng lại xem và ghi lại hình ảnh đầy màu sắc của những học viên Pháp Luân Công trong những chiếc xe diễn hành được thiết kế tỉ mỉ, trong đoàn nhạc hùng tráng, đoàn múa rồng rộn rã và những phụ nữ vui tươi trong điệu múa trống eo lưng truyền thống.
Buổi tối, các học viên Pháp Luân Công tiếp tục cùng thắp nến thỉnh nguyện trước lãnh sự quán Trung Quốc để tưởng nhớ những người đã mất đi mạng sống chỉ vì niềm tin tín ngưỡng của họ.
Cuộc đàn áp này là vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc hiện nay. Mỗi năm, các học viên Pháp Luân Công đều tổ chức diễn hành ở New York và những nơi khác trên khắp thế giới để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại tàn bạo ở Trung Quốc, đồng thời mang đến vẻ đẹp của môn tu luyện và nền văn hóa truyền thống dường như đã biến mất trong thời hiện đại.
Ký ức của một nhân chứng có mặt trong sự kiện 25/4/1999
Cái ngày định mệnh năm 1999 ấy vẫn in đậm trong ký ức của ông Zhaohe You, năm nay đã 65 tuổi.
“Chúng tôi chỉ đứng đó một cách bình hòa trong suốt thời gian ấy. Chúng tôi muốn mọi người biết rằng những người tu luyện Pháp Luân Công bị bắt ở Thiên Tân đều là những người vô tội. Chúng tôi muốn xã hội biết sự thật và chúng tôi đều là người lương thiện”, ông You, người sau này trở thành giáo sư trường Đại học Luật và Khoa học Chính trị Trung Quốc, nói.
“Ban đầu những cảnh sát đứng trước chúng tôi khá lo lắng, nhưng sau khi thấy sự ôn hòa của chúng tôi, họ đã dịu đi”, bà Lurai Wang vợ ông You cũng ở cùng ông thời điểm đó nói thêm.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đều trích dẫn các nguồn tin cho thấy ít nhất một nửa số tù nhân trong các trại lao động cưỡng bức trên khắp Trung Quốc là học viên Pháp Luân Công. Hệ thống trại lao động cưỡng bức đã chính thức bị đóng cửa vào năm 2014, nhưng các nhà quan sát cho biết những trại này vẫn tiếp tục hoạt động dưới nhiều tên gọi khác nhau.
Cựu Quốc vụ Khanh Canada, ông David Kilgour, cũng cho biết những cựu tù nhân mà ông và luật sư nhân quyền quốc tế David Matas đã phỏng vấn bên ngoài Trung Quốc “đều chỉ ra rằng học viên Pháp Luân Công là nhóm lớn nhất trong các trại giam và bị tra tấn, lạm dụng một cách có hệ thống”.
Các nghiên cứu của ông Kilgour, Matas và nhà báo điều tra Ethan Gutmann về thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc còn cho thấy từ năm 2000, một lượng lớn các học viên Pháp Luân Công đã bị giết để lấy nội tạng phục vụ cho ngành ghép tạng siêu lợi nhuận ở nước này.
Các nhà lãnh đạo địa phương như Thượng nghị sĩ bang New York Tony Avella và lãnh đạo quận Queens Martha Vasquez đã tới tham dự cuộc mít-tinh để ủng hộ cuộc phản kháng ôn hòa suốt gần hai thập kỷ của các học viên Pháp Luân Công.
Li Taiping (bút danh), một luật sư nhân quyền đã bảo vệ các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc, cũng tham dự cuộc diễn hành. Ông rất vui vì có thể chứng kiến nhiều học viên như vậy công khai bày tỏ niềm tin của họ. “Điều này là không thể tưởng tượng ở Trung Quốc. Tôi hy vọng một ngày nào đó, cảnh tượng này cũng có thể diễn ra ở Đại Lục”, ông nói.
Hồng Liên (Theo Epoch Times)