Tôi vẫn thường nhìn cô bé đó từ cửa sổ nhà bếp và bật cười. Cô bé trông thật nhỏ nhoi khi chen chúc giữa một đám con trai trên sân bóng rổ, nhưng nhìn em có gì đó thật khác biệt…
Trường học nằm đối diện với nhà chúng tôi và tôi thường đứng ở bên cửa sổ, tay bận làm việc nhưng mắt vẫn nhìn đám trẻ đang vui chơi trong giờ giải lao. Một biển học trò, nhưng đối với tôi, vẫn có thể dễ dàng nhận ra được cô bé đó trong đám trẻ.
Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên trông thấy cô bé chơi bóng rổ. Thật tuyệt vời khi cô bé chạy vòng quanh những đứa trẻ khác, nhảy lên ném bóng vào trong rổ ngay trên đầu của chúng. Những đứa con trai luôn cố cản cô bé nhưng không đứa nào làm được cả.
Tôi cũng chú ý đến cô bé vào những lần khác, cũng tại chỗ đó, với trái bóng trong tay đang luyện tập một mình. Cô bé có thể tập đi tập lại dắt bóng và ném bóng cho đến khi trời tối mịt.
Một ngày kia, tôi hỏi cô bé tại sao tập luyện nhiều như vậy. Xoay nhanh người, mái tóc đuôi gà nhún nhảy, cô bé nhìn thẳng vào mắt tôi. Không một chút do dự, cô bé nói: “Cháu muốn vào học đại học. Cha cháu đã không thể vào đại học được nên ngay từ khi cháu còn bé, cha đã thường nói là muốn sau này cháu phải học đại học… Cách duy nhất cháu có thể vào học được là phải có một học bổng.
Cháu thích bóng rổ. Cháu nghĩ rằng nếu cháu chơi bóng giỏi thì cháu sẽ nhận được học bổng vào đại học. Cháu sẽ chơi bóng rổ cho trường đại học. Cháu muốn thành cầu thủ giỏi nhất. Cha cháu nói với cháu rằng nếu ước mơ thật sự lớn, những chuyện khác chỉ là chuyện nhỏ”.
Sau đó cô bé cười và chạy đi tập tiếp…
Vậy đó, tôi cũng chào thua cô bé – cô bé đã tự định đoạt số mệnh của mình. Tôi đã theo dõi cô bé suốt những năm đầu của trung học. Mỗi tuần, cô bé dẫn dắt đội bóng của mình chiến thắng. Thật là thích thú khi xem cô bé chơi.
Vào ngày năm cuối cùng bậc trung học, tôi thấy cô bé ngồi trên bãi cỏ, đầu gục trên cánh tay. Tôi bước qua đường và ngồi xuống bãi cỏ cạnh cô bé. Tôi hỏi nhỏ chuyện gì đã xảy ra.
“Uhm… không có gì…“, câu trả lời thật khẽ. “Cháu quá thấp”.
Huấn luyện viên nói với cô bé là với chiều cao thấp như vậy cô sẽ chẳng bao giờ chơi cho một đội hạng nhất được – chưa nói đến học bổng – bởi vậy nói cô nên bỏ ước mơ vào đại học đi.
Cô bé rất đau khổ. Tôi cảm thấy lòng mình thắt lại khi thấy sự thất vọng của cô bé. Tôi hỏi xem cô bé đã nói cho cha mình biết chưa. Cô bé ngẩng đầu và kể rằng cha cô nói tất cả các huấn luyện viên đều sai bét cả. Họ không hiểu được sức mạnh của ước mơ.
Ông nói với cô bé rằng nếu cô muốn chơi cho một trường đại học tốt, nếu cô thật sự muốn có học bổng, thì không có gì có thể ngăn cản được ngoại trừ một điều – thái độ của chính mình. Ông nói với cô một lần nữa: “Nếu ước mơ đủ lớn thì tất cả những điều khác chỉ là chuyện nhỏ”.
Năm kế tiếp, khi cô và đội của cô chơi cho giải vô địch Bắc California, cô đã được một huấn luyện viên chú ý đến. Cô được mời vào trường, với học bổng, để đến với một đội bóng rổ nữ trong giải hạng nhất của NCAA.
Cô bé ấy được nhận vào học. Cô đạt được việc học đại học mà cô hằng mơ ước và cố gắng từ nhiều năm qua. Và cô bé đã được tham gia thi đấu nhiều nhất trong lịch sử nhà trường.
Vào một đêm nọ, cha cô gọi cô: “Cha đang bị bệnh, con ạ. Cha bị ung thư. Không, con đừng nghỉ học và cũng không cần trở về nhà. Mọi việc sẽ tốt thôi con. Cha yêu con lắm”.
Sáu tuần sau người cha – thần tượng của cô bé – đã qua đời. Trước đó, cô bé nghỉ học vài ngày để về an ủi mẹ và chăm sóc cha. Một đêm trước khi qua đời, cha cô gọi cô đến bên giường.
Khi cô đến gần, người cha nắm lấy tay cô và gắng sức nói: “Rachel, con cứ tiếp tục ước mơ đi. Đừng để ước mơ của con chết theo cha. Hứa với cha đi”.
Ông nài nỉ: “Hứa đi con”. Trong những giây phút hiếm hoi còn được ở bên cạnh cha, cô bé trả lời: “Dạ con xin hứa với cha”.
Những năm sau đó quả là nặng nề với cô bé. Cô phải luân phiên giữa trường học và ở nhà, nơi mẹ cô đang sống với đứa em mới sinh và ba đứa em khác. Sự đau đớn mất cha mà cô cảm nhận được vẫn còn đó, giấu kín trong lòng cô, vẫn chờ đến một lúc nào không ngờ tới được bùng nổ lên để đánh gục cô.
Mọi thứ dường như càng ngày càng khó khăn hơn. Cô phải chống chọi với sợ hãi, nghi ngờ. Khó khăn đã làm cho cô phải học mất 3 năm mới đủ chứng chỉ cho 1 năm. Những giáo viên trong trường không tin nổi rằng cô vượt qua được dù chỉ một học kỳ.
Mỗi khi muốn bỏ cuộc, cô lại nhớ những lời cha: “Rachel, hãy tiếp tục ước mơ. Đừng để ước mơ của con chết theo cha. Nếu ước mơ của con đủ lớn, con có thể làm mọi việc. Cha tin ở con”. Và dĩ nhiên, cô luôn nhớ đến lời hứa của mình với cha.
Cô bé đã thực hiện được lời hứa và hoàn tất chương trình đại học. Cô phải mất đến 6 năm, nhưng cô không bỏ cuộc. Cô vẫn tiếp tục chơi bóng rổ vào những lúc chiều xuống. Và nhiều lần tôi nghe cô nói với bạn bè: “Nếu ước mơ đủ lớn, những điều còn lại chỉ là chuyện nhỏ”.
(Sưu tầm)