Trận động đất 7,8 độ Richter hôm Thứ Bảy (25/4) tại Nepal đã cướp đi hơn 5.000 nhân mạng và làm bị thương hơn 10.000 người tính đến thời điểm hiện tại. Hoạt động cứu trợ chật vật diễn ra, mọi sự giúp đỡ đều rất cần thiết và đáng quý, nhưng điều lạ lùng là chính phủ Nepal đã từ chối đề nghị viện trợ đến từ Đài Loan dù mọi thứ đã đâu vào đó.
Nepal chưa từng chịu trận động đất nào có cường độ lớn tương tự như thời gian qua trong suốt 81 năm, hơn nữa tâm chấn đi qua vùng đô thị lớn thiếu sự chuẩn bị, nên mọi sự cố gắng của chính phủ dường như quá nhỏ nhoi so với những yêu cầu cấp thiết.
Là quốc gia nhiều lần kinh qua các trận động đất trong quá khứ, Đài Loan hăng hái đề nghị tham gia cứu trợ Nepal ngay những ngày đầu tiên. Ông Andrew Kao, Thứ trưởng Ngoại giao Đài Loan cho biết, Đài Loan thậm chí đã cử đội y tế khẩn cấp đi trước sẵn sàng xuống hiện trường để kịp thời tiếp cứu rồi mới hoàn thành các thủ tục sau đó.
Tuy nhiên, Nepal cho biết họ chỉ nhận trợ giúp của hai hàng xóm gần nhất là Ấn Độ và Trung Quốc, và sẽ lưu ý đến Đài Loan khi cần thiết, với lý do là hai quốc gia không được gần gũi về mặt địa lý lẫn chính trị, cũng như việc thiếu các chuyến bay trực tiếp từ Đài Loan sang Nepal.
Hành động từ chối cứu trợ của Nepal được giới truyền thông cho là ‘kì cục’, vì chẳng có gì quan trọng hơn việc cứu người nếu không có lý do đằng sau đó?
Nhìn lại lịch sử, Đài Loan là quốc gia có khả năng xuất sắc trong việc cứu hộ và giải cứu quy mô lớn, hiệu quả đã được chứng minh vào các lần động đất ở Tứ Xuyên, Trung Quốc năm 2008, và vụ địa chấn tại Haiti năm 2011.
“Họ có khả năng huy động được tài nguyên cứu trợ khẩn cấp và đội ngũ chuyên môn mạnh chỉ trong thời gian ngắn”, theo Don Rodgers, một giáo sư chính trị trường Austin College, Mỹ.
Điều này hoàn toàn chính xác khi Đài Loan đã sẵn sàng gói 300.000 USD và các chiến dịch vận động gây quỹ khác để ứng cứu. Ngoài ra, các tổ chức chính phủ cũng như hội từ thiện tư nhân sẽ triển khai kế hoạch đến Nepal trợ giúp một khi được chính phủ nước này cho phép.
Quan chức và cư dân mạng Đài Loan cho rằng, mối quan hệ lệ thuộc vào chính quyền ĐCSTQ của Nepal chính là nguyên nhân đằng sau việc từ chối viện trợ này. Theo đó, sự lệ thuộc đã đẩy Nepal vào thế bị cô lập, và luôn phải dè chừng ‘xem thái độ’ của nước lớn trước khi đưa ra bất kì quyết định nào, ngay cả việc vô lý nhất là ‘từ chối được tiếp cứu’.
“Thật ra Nepal là quốc gia thân Bắc Kinh. Chẳng có gì ngạc nhiên khi mà Đài Loan bị người ta từ chối“, người dùng “A6″ viết trên PTT, diễn đàn trực tuyến lớn nhất tại Đài Loan.
“Đó là vì Trung Quốc sắp xây đường tàu lửa đến Nepal“, người dùng “Sinreigensou” viết, ám chỉ đến đường sắt Thanh Hải – Tây Tạng dài hơn 500 km, được cho là sẽ xuyên qua dãy núi Hymalaya.
Chiến lược chính trị
Các chính trị gia và công chúng Đài Loan có lẽ đã đoán đúng được phần nào sự thật.
Chính phủ Nepal rất lấy làm tự hào khi nói về mối quan hệ ngoại giao suốt 5 năm qua với Trung Quốc trên trang web chính thức của mình. Phát biểu trước báo giới trong những năm gần đây, Nepal tuyên bố ủng hộ lập trường của chính phủ Trung Quốc về việc Đài Loan và Tây Tạng là một phần “bất khả xâm phạm” và “không thể thiếu” của Trung Quốc.
Mối quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc lại là một câu chuyện khác. Đài Loan chính thức thừa nhận nguyên tắc “Một Trung Quốc” mà nước này thỏa thuận với Bắc Kinh vào năm 1992. Theo nguyên tắc này, cả hai quốc gia đều đồng ý chuyện “một Trung Quốc“, nhưng lại “bằng mặt mà chưa bằng lòng” trong việc chọn chính phủ đại diện cho Trung Quốc.
“Mặc dù chính phủ Nepal không chính thức thừa nhận lý do họ từ chối viện trợ của Đài Loan là do áp lực từ Trung Quốc, nhưng thật khó tìm được ý kiến lý giải nào hay hơn“, Don Rodgers viết trong thư điện tử.
J. Michael Cole, Tổng biên tập tờ Tư duy Đài Loan, một trang chuyên phân tích và bình luận, “không ngạc nhiên” khi mà chính trị là yếu tố chi phối mọi thứ thời nay. Bản thân ông cũng cảm thấy đây quả thực là một “tình huống tự kiểm duyệt khi chính phủ Nepal phản ứng thái quá và đặt lợi ích chính trị lên trước người dân của họ“.
Theo Cole, chính quyền Trung Quốc hiện không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để thể hiện sự độc tài vô lý của mình khi có thể, khi trong trận động đất năm 1999 tại Đài Loan làm thiệt mạng 2.412 người, thay vì tập trung hỗ trợ nhanh nhất có thể, Trung Quốc đã ra lệnh tất các ngã tiếp cứu phải được thông qua nước này trước tiên.
Bruce Phan, theo Epoch Times