Nền văn minh Maya có thể đã bị đẩy nhanh đến sụp đổ do người dân Maya phá rừng, làm cho khí hậu vốn đã khô càng khô hạn hơn, theo khám phá mới của các nhà khoa học Mỹ.
Hãng tin Mỹ UPI đưa tin, các nhà nghiên cứu cho rằng hạn hán kéo dài là nguyên nhân đã góp phần vào việc làm sụp đổ nền văn minh của người Maya ở Mexico và Trung Mỹ. Việc phá rừng để xây dựng các thành phố và nông nghiệp làm cho vấn đề càng tồi tệ hơn. “Chúng tôi không nói rằng việc phá rừng giải thích cho toàn bộ nguyên nhân gây hạn hán, nhưng nó giải thích được một phần đáng kể trong tất cả các nguyên nhân có thể xảy ra khiến hạn hán kéo dài”, ông Benjamin Cook, nhà nghiên cứu khí hậu ở đại học Columbia, người đứng đầu nhóm nghiên cứu nói. Có hơn 19 triệu người sống rải rác khắp đế chế Maya thời đỉnh cao – khoảng giữa năm 250 và năm 900 sau công nguyên. Bằng việc sử dụng các báo cáo dân số và những dữ liệu khác, các nhà nghiên cứu đã khôi phục lại tiến trình mất rừng nhiệt đới trên toàn lãnh thổ của họ khi nền văn minh phát triển. Các mô phỏng máy tính về vùng đất mới được sử dụng trồng cây nông nghiệp đã ảnh hưởng đến khi hậu như thế nào cho thấy rằng ở bán đảo Yucatan, nơi có rất đông dân cư, lượng mưa giảm nhiều, đến 15 %, trong khi ở những vùng đất khác của người Maya như ở Miền Nam Mexico chỉ giảm 5%. Khi cây trồng nông nghiệp thay thế các tán bóng râm của rừng, ánh sáng mặt trời phản xạ lại vào không trung nhiều hơn, ông Cook nói. Khi mặt đất ít hấp thụ ánh sáng mặt trời thì nước ít bốc hơi khỏi bề mặt, dẫn đến độ ẩm trong không khí để tạo thành các đám mây gây mưa ít đi. “Về cơ bản, mọi thứ, gồm cả khả năng để tạo ra mây và mưa, đều diễn ra chậm chạp”, ông Cook tiếp tục cho hay. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu cho rằng 60% của quá trình hạn hán là tại thời điểm đỉnh cao của việc người Maya phá rừng. Theo Vnreview |