Đầu tháng này, NASA đã chia sẻ hình ảnh đáng kinh ngạc về một cực quang có hình dạng như một con rồng khổng lồ đang bay trên bầu trời.
Cơ quan hàng không vũ trụ này đã đăng bức ảnh trong mục “Ảnh thiên văn trong ngày”, nơi thường đăng các hình ảnh bên ngoài vũ trụ được ghi lại bằng camera.
Theo NASA, cực quang hình rồng khổng lồ trên được hai người tên Jingyi Zhang và Wang Zheng chụp ở Iceland vào đầu tháng 2 này. NASA cũng cho biết một chi tiết rất thú vị trong hình ảnh này, đó là mẹ của nhiếp ảnh gia trên đã chạy ra ngoài để chiêm ngưỡng cảnh tượng và hình dáng bà cũng xuất hiện trong bức ảnh.
NASA cũng cho hay: “Cực quang được tạo ra bởi một lỗ hổng trong vầng hào quang Mặt trời, nơi đã phóng các hạt tích điện vào trong một cơn gió Mặt trời, cơn gió này đi theo từ trường thay đổi liên hành tinh đến từ quyển Trái đất. Khi một số hạt tấn công bầu khí quyển Trái đất sau đó, chúng kích thích các nguyên tử, rồi phát ra ánh sáng gọi là ‘cực quang’”. Theo Đại học Alaska, từ quyển là một bong bóng hình sao chổi rộng lớn xung quanh hành tinh của chúng ta.
Theo Northern Lights Center, các cực quang được nhìn thấy ở các cực từ của bán cầu Bắc – Nam và thường được biết đến với tên “Aurora borealis” ở phía Bắc và “Aurora australis” ở phía Nam.
Cực quang có thể xuất hiện trong nhiều màu sắc nhưng màu xanh lá cây và màu hồng là phổ biến nhất. Hơn nữa, cực quang xuất hiện dưới nhiều hình thức như thành các mảng hoặc các đám mây ánh sáng rải rác theo dòng, vòng cung, màn gợn sóng hoặc các tia sáng bắn lên bầu trời.
NASA cho biết, số lượng cực quang xảy ra trong tháng này khá bất thường do thiếu các vệt đen Mặt trời xuất hiện trên Mặt trời.
Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) có một mô hình dự báo cực quang cho thấy cường độ và vị trí của cực quang được dự đoán. Cơ quan này cho biết, xác suất dự báo là dựa trên điều kiện gió mặt trời hiện tại.
Theo Northern Lights Center, những nơi tốt nhất để xem cực quang tại Bắc Mỹ là ở phía Tây Bắc Canada như Yukon, Nunavut, vùng lãnh thổ Tây Bắc và Alaska. Chúng cũng có thể được quan sát trên mũi phía Nam của Greenland và Iceland, bờ biển phía Bắc Na Uy và trên vùng biển ven bờ Bắc Siberia.
Hồng Liên, theo Epoch Times
Xem thêm:
-
Bắc cực quang rực rỡ trên bầu trời Trondheim, Na Uy
-
‘Cực quang mặt quỷ’ xuất hiện bất thường dưới ống kính nhiếp ảnh gia