Tiền tài, danh vọng, sắc đẹp… thoáng qua đi như bong bóng, nhưng vẻ đẹp tâm hồn, đức hạnh của bà lại là điều sẽ sống mãi trong lòng người dân ở Chabrignac…
Thuở sinh thời bà là con gái của một trong 4 gia đình giàu có nhất miền Nam thế kỷ XX – đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào, trở thành hoàng hậu An Nam, khi dứt áo rời quê hương để lưu vong nơi đất khách, Nam Phương hoàng hậu vẫn có cuộc sống sung túc đề huề với những khối tài sản đồ sộ trên khắp nước Pháp và các lãnh địa Pháp như các lâu đài lớn ở Cannes, Limousin, Paris…, nhiều nhà đất ở bên xứ Maroc, Congo… Sở hữu nhiều lâu đài, đồn điền như thế, nhưng rốt cuộc Nam Phương hoàng hậu tìm được hạnh phúc ở đâu trong những năm tháng cuối đời?
Tháng 3/1946, cựu hoàng Bảo Đại sang Hồng Kông cùng vũ nữ Lý Lệ Hà. Tháng 12/1946, tình hình chính t rị và quân sự giữa Việt và Pháp rất căng thẳng, chiến tranh tới gần. Hoàng hậu Nam Phương một nách 5 con sống trong cung An Định trong khi mẹ chồng cũng đã tản cư, cảm thấy hoang mang và tuyệt vọng. Ở lại Huế thì nay mai chiến sự nổ ra, khó tránh hòn tên mũi đạn, tản cư về nông thôn thì sợ các con mình quen nếp sống vương giả, không hòa nhập được.
Tính đi tính lại, người phụ nữ thông minh ấy chọn giải pháp đưa các con vào nương nhờ nhà thờ dòng Chúa cứu thế, nơi thuộc quyền quản lý của các linh mục Canada, một nước trung lập, không ngả về Mỹ hay Pháp. Cuộc sống ở đây khá kham khổ so với sinh hoạt trước kia của họ, sáng sáng các hoàng tử, công chúa phải tự đi tìm nước rót vào ca để rửa mặt.
Súng bắt đầu nổ ở Huế vài tuần và bà Nam Phương rất lo vì tu viện có thể bị tấn công. Bản thân các linh mục trong nhà dòng cũng cảm thấy bà và các con nên sang Pháp tản cư, năm 1947 ấy, bà cùng các con cuối cùng đã ra đi và không có lần quay về Việt Nam nữa, mặc dù trong lòng bà cũng đã có lần muốn về lại chốn quê hương.
Những tháng ngày tại lâu đài Thorenc ở Cannes
Thời gian đầu, mẹ con cựu hoàng hậu sống ở lâu đài Thorenc tại Cannes. Bà Nam Phương gửi các con vào trường trung học Couvent des Oiseaux, nơi bà từng học thời con gái, hằng ngày, ngoài việc chăm sóc con cái, bà thường đọc sách báo hoặc chăm sóc hoa lá trong vườn, buổi tối thì chơi dương cầm cho các con nghe. Những ngày lễ, mấy mẹ con cùng ra phố xem phim hoặc mua sắm.
Nam Phương hoàng hậu sành thời trang và có gu ăn mặc thanh lịch, tinh tế. Bà rất thích mua đồ của nhãn hiệu Christian Dior và Balmin, màu tím nhạt được bà ưa chuộng nhất, về nghệ thuật, bà treo tranh của của Renoir, Buffet trong nhà. Bà không thích tranh lập thể của Picasso vì tâm hồn bà không hợp với trường phái hội họa này cũng như siêu thực, bà cũng rất thích nuôi chó. Trong nhà bà có cả một đàn chó, và trong đó có một con thuộc giống Saint Bernard, loại chó to như con cọp, loại chó này để sử dụng tìm người mất tích trong rừng, trong khi đi trượt tuyết. Về thể thao, bà có thể chơi bóng bàn, quần vợt, và golf nhưng không giỏi lắm.
Bảo Đại thỉnh thoảng mới về Pháp. Tuy nhiên, cái niềm vui ở bên chồng quá ít ỏi, nhất là từ sau năm 1955, Bảo Đại bỏ đi tứ xứ, các con thì đã lớn, như chim bay đi… Năm 1958, nhằm tránh mặt báo chí, dư luận và những người quen biết, bà Nam Phương đã rời bỏ cả Cannes xa hoa hay thành Paris hoa lệ và ồn ào. Những cơ ngơi đồ sộ ở Neuilly, hàng tá căn nhà lớn ở Morocco, biệt thự trên đại lộ Opéra, Paris hay trang trại rộng lớn ở Congo đều không còn sức hấp dẫn để có thể níu giữ nổi bà.
Nam Phương Hoàng hậu đã rời xa Paris 500km về phía nam, về làng Chabrignac, hạt Correze tỉnh Limousin, mua lại điền trang La Perche rộng 160ha của một quý tộc Pháp đã sa sút làm nơi sống nốt những năm tháng còn lại.
Điền trang đẹp như mơ có rừng bao quanh gồm 32 phòng, 7 phòng tắm, 5 phòng khách… và một vườn hồng tuyệt đẹp. Lâu đài cách nhà dân khá xa, hàng xóm ít qua lại. Có lẽ bà hoàng xa xứ chọn nơi yên tĩnh này để nội tâm được bình ổn, sống kiểu nửa tu hành trong những năm cuối đời.
Hạnh phúc thực sự ở nơi đâu?
Ngoài hoa lợi thu được từ cây trái trong điền trang, bà hoàng Nam Phương còn nuôi thêm khoảng 100 con bò sữa trên một trang trại lớn với 160 mẫu đất. Tất cả những người con của bà đều sống với bà trong điền trang La Perche. Theo Daniel Grande Clemént, tác giả cuốn “Bảo Đại, hay những ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam” thì “dường như thời gian sống tại điền trang La Perche là những tháng năm bình yên và hạnh phúc nhất của Nam Phương Hoàng hậu”.
Cho đến cuối đời, bà vẫn sống trong nhung lụa nhờ gia đình cự phú của mình. Tuy nhiên, với bà Nam Phương, tiền không giúp mua được niềm vui. Cựu hoàng hậu sống lặng lẽ với thú vui điền viên trong trang trại Charbrignac, bất động sản duy nhất bà giữ lại cho riêng mình, sau khi chia hết các tài sản khác cho các con.
Rũ bỏ lớp áo vàng son quyền quý, bà Nam Phương quay lại sống đúng nghĩa cuộc đời an lành, bình dị của một phụ nữ An Nam học thức.
Hàng ngày, bà dậy rất sớm, thường tự tay trang trí, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc cây cảnh. Vừa làm bà vừa khe khẽ hát. Khi có việc ra ngoài, bà thường tự tay lái chiếc xe hơi hiệu Dauphine, có thêm cô hầu gái hay người quản gia đi theo. Bà nuôi trong điền trang 4 người giúp việc nông, một số người hầu gái và một viên quản gia người Pháp. Tất cả người ăn kẻ ở trong nhà đều được bà đối xử thân tình, gần gũi. Trong các dịp lễ, Noel hay ngày đầu năm mới, bà đều không quên có quà tặng cho họ và gia đình.
Lucien Boudy – một cựu xã trưởng Chabrignac, cho biết Hoàng hậu Nam Phương “…Là một mệnh phụ phu nhân rất duyên dáng, đặc biệt thân thiện rộng rãi với dân làng. Bà cũng rất nhân từ và yêu thương với cả người hầu kẻ hạ trong nhà”.
Nam Phương Hoàng hậu sống rất cởi mở, quảng giao, thường xuyên đi thăm thú điền trang để gặp gỡ và trò chuyện thân mật với những người nông dân. Vì thế dân làng rất quý mến bà. Từ chỗ xa lạ, sau 5 năm làm dân Chabrignac, bà đã để lại biết bao tình cảm trong tâm trí người dân địa phương. Họ xem bà là một cô-rê-diên (Người địa phương Correze) chính cống.
Người quản gia Pháp
Đối với bà, người quản gia người Pháp có một vị trí rất đặc biệt. Ông này luôn tháp tùng bà trong những chuyến làm khách, dự tiếp tân đối với các gia đình quyền quý trong vùng. Không ai có bằng chứng xác đáng nhưng dường như những người quen biết trong vùng đều cho rằng, ông quản gia này đã yêu thầm Nam Phương hoàng hậu.
Cựu hoàng Bảo Đại, ít khi đến thăm bà. Dân làng chỉ nhớ có một lần Cựu hoàng về Chabrignac vào tháng 1/1962, nhân dịp Công chúa Phương Liên tổ chức lễ thành hôn với một người Pháp tên Bernard Soulain.
Thế nhưng rất kỳ lạ, suốt 5 năm sống ở Chabrignac, bà vẫn không hề ghé thăm lâu đài De La Nouche – nơi ở của Công chúa Như Lý, con gái vua Hàm Nghi, lấy một lần, dù hai điền trang nằm gần như cạnh nhau. Cả Công chúa Như Lý và Hoàng hậu Nam Phương đều có vẻ như không hề biết đến sự tồn tại của người kia trên cùng một vùng đất, dù trên quan hệ, Công chúa Như Lý là cô chồng của bà Nam Phương.
Bốn chín chưa qua, năm ba đã tới
Có lẽ sự cô đơn và nỗi đau buồn cho cuộc đời tuy vàng son mà bất hạnh của mình khiến hoàng hậu lưu vong mắc bệnh tim. Ngày 14/9/1963, vừa từ thị trấn Brive cách điền trang 30 km trở về, bà Nam Phương đã cảm thấy đau họng. Viên bác sĩ được mời đến đã khám qua loa và kết luận bà bị viêm họng nhẹ, chỉ uống thuốc vài ngày là khỏi. Kỳ thực, bà bị chứng lao hạch tràng hạt, cơn đau tiếp tục hoành hành dữ dội. Trước khi viên bác sĩ thứ hai kịp đến nơi thì Nam Phương Hoàng hậu, 49 tuổi, đã qua đời vì nghẹt thở.
Bà mất vào ngày 15/9/1963. Đám tang của bà rất lặng lẽ. Ngày đưa tang, ngoài hai Hoàng tử Bảo Long (1936), Bảo Thăng (1943) và ba Công chúa Phương Mai (1937), Phương Liên (1938) và Phương Dung (1942) đi bên cạnh quan tài của mẹ, không có mặt vua Bảo Đại và cũng không có một người bà con thân thuộc nào khác ngoài dân làng Chabrignac. Về phía giới chức Pháp thì chỉ có ông Quận trưởng Brive la Gaillarde và ông xã trưởng Chabrignac.
Mộ phần của bà được đặt trong phần mộ của dòng họ Bá tước De La Besse. Bà Bá tước De La Besse, tức Công chúa Như Lý cũng có mặt trong dòng người đưa tang của làng Chabrignac, với nỗi ân hận vì trước đó hai người đã không hề có cơ hội gặp gỡ nhau. Ít lâu sau, Công chúa Như Lý đã lần lượt cải táng mộ Vua Hàm Nghi từ Alger về nghĩa trang này. Sau đó, Công chúa Như Mai, Hoàng tử Minh Đức cũng lần lượt được đưa về an táng tại làng Chabrignac, cách mộ của Nam Phương Hoàng hậu không xa lắm.
Ngôi mộ của bà Hoàng Hậu Nam Phương, người vợ chính thức đầu tiên của Bảo Đại, rất dễ nhận ra, vì có hai cây tùng trồng hai bên mộ, nay đã cao và to phình. Ngôi mộ có vẻ mới được trùng tu lại, sạch sẽ, đơn sơ. Trên ngôi mộ đơn sơ dựng một tấm bia đá giản dị. Mặt trước tấm bia ghi dòng chữ Hán:
“Đại Nam Nam Phương Hoàng Hậu chi lăng” (Dịch nghĩa: Lăng của Hoàng hậu Nam Phương nước Đại Nam).
Nắp đậy huyệt chỉ là một tấm bê tông phẳng phiu, có chạm nổi hình thánh giá và một tấm bia chìm đề hàng chữ tiếng Pháp “Sa Majesté Nam Phuong Impératrice d’Annam 1913 – 1963” . Trên nắp huyệt dựng một tấm bia khác đề rõ hơn một chút “Ici repose l’Impératrice Nam Phuong, née Jeanne Mariette Nguyen Huu Hao, 14.11.1913 – 15.09.1963” (Tại đây an nghỉ Nam Phương Hoàng Hậu, tên gốc Jeanne Mariette Nguyen Huu Hao, 14.11.1913 – 15.09.1963).
Có một nghịch lý là, hoàng hậu Nam Phương nổi tiếng là một Đệ nhất phu nhân đẹp nhất nước Nam, nhưng thời gian 5 năm bà làm dân Chabrignac và lăng mộ của bà ở Chabrignac, không mấy người Việt ở Việt Nam hay ở ngay trên đất Pháp biết đến. Trong lúc đó người dân Chabrignac hạt Corrèze thì lại rất tự hào khi quê hương họ đã từng là nơi sinh sống 5 năm cuối đời và là nơi an nghỉ của bà Hoàng hậu đẹp nổi tiếng của Việt Nam, với niềm tự hào ấy, người chủ Domaine de la Perche ngày nay đã xây dựng khu nhà cũ và lăng mộ của bà thành một điểm du lịch ở trung tây nước Pháp.
Vậy là, một cuộc đời oanh liệt của hoàng hậu Nam Phương đã khép lại. Những ngày tháng buồn nhiều hơn vui. Tiền tài, của cải, vật chất, danh vọng, sắc đẹp… thoáng qua đi như bong bóng. Nhưng vẻ đẹp tâm hồn, đức hạnh của bà lại là điều sống mãi, lưu hương lại mãi, như cái tên bà hoàng hậu Nam Phương – Hương thơm từ Phương Nam…
Video: Những thước film hiếm về Nam Phương Hoàng Hậu
Theo saigonxua.org