Theo Hiệp hội Thiên văn học Hoa Kỳ, năm 2020 sẽ xuất hiện 4 lần hiện tượng siêu trăng trên thế giới. Trong đó, siêu trăng đầu tiên đã xảy ra vào ngày 9/2 và sắp tới 9-10/3/2020, sẽ là lần thứ 2 chúng ta có cơ hội chiêm ngưỡng siêu trăng trong năm nay.
Siêu trăng tháng ba hay còn gọi là Trăng Giun (Full Worm Moon). Đây là hiện tượng khi Mặt trăng ở gần với Trái đất nhất gọi là cận điểm trong lúc bay quanh quỹ đạo.
Quan sát từ Trái đất, siêu trăng sẽ lớn và sáng hơn trăng tròn bình thường 14% khi cách Trái Đất 357.000km. Và trong lần xuất hiện này, siêu trăng sẽ đạt kích thước lớn nhất vào lúc 0:48 phút ngày 10/3.
Sở dĩ siêu trăng tháng Ba được gọi là Trăng Giun bởi đây là thời điểm mặt đất trở nên tơi xốp và loài giun đất bắt đầu xuất hiện trở lại, do đó các bộ tộc bản địa châu Mỹ thời xưa đã đặt tên cho nó là Trăng Giun.
Ngoài ra, Trăng Giun còn có những tên gọi khác như Trăng Quạ (Full Crow Moon), Trăng Băng mỏng (Full Crust Moon), Trăng Nhựa cây (Full Sap Moon), và Trăng Mùa Chay (Lenten Moon) bởi đây là thời điểm quạ kêu báo hiệu cuối mùa đông, các lớp tuyết tan vào ban ngày sẽ đóng lại thành lớp băng mỏng vào ban đêm, cũng là thời điểm người ta rạch thân cây phong lấy nhựa và là thời điểm rơi vào trước lễ Phục sinh.
Sau đó tiếp nối siêu trăng tháng Ba, siêu trăng tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 8/4 và lần cuối cùng rơi vào 7/5 hay còn gọi là Trăng Hoa do trùng với thời điểm hoa nở nhiều nhất trong năm.
Được biết trước đó vào năm 2019, từng có 3 lần xuất hiện hiện tượng siêu trăng rơi vào ngày 21/1 và lần thứ 2 cũng là thời điểm siêu trăng lớn nhất và sáng nhất năm 2019 rơi vào ngày 19/2. Và lần thứ 3 rơi vào 20/3 trùng với thời điểm xuân phân, là một cảnh tượng đẹp và hiếm gặp cả trăm năm mới có một lần.
Chúc Di (t/h)