Hôm 19/6, Mỹ chính thức thông báo rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp Quốc (UNHCR), cáo buộc tổ chức này bảo vệ những thành viên lạm dụng nhân quyền và “thiên vị kinh niên chống Israel”.
>>> Luật sư nhân quyền nổi tiếng: Vatican đang thỏa thuận với ma quỷ
Ngày 19/6, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã ra thông báo chung tuyên bố Washington rút khỏi UNHRC, trở thành thành viên đầu tiên rút khỏi tổ chức 47 thành viên kể từ khi thành lập đến nay.
Đại sứ Haley cho biết, lý do dẫn đến quyết định này là vì UNHRC không chịu cải cách cũng như thành kiến, thiên vị chống Israel. Hội đồng có thiên hướng thông qua nhiều nghị quyết lên án Israel hơn là với Iran, Syria và Triều Tiên.
Bà Haley lên án Nga, Trung Quốc, Cuba và Ai Cập vì cản trở những nỗ lực của Mỹ trong việc cải cách hội đồng, đồng thời chỉ trích các nước chia sẻ giá trị với Mỹ và muốn Mỹ ở lại nhưng “không sẵn sàng nghiêm túc thay đổi hiện trạng”.
“Nhìn vào thành viên của hội đồng, và bạn sẽ thấy sự thiếu tôn trọng đáng kinh ngạc đối với nhân quyền”, Reuters dẫn lời bà Haley. “Trọng tâm thiếu cân đối và thái độ thù địch không dứt đối với Israel là bằng chứng rõ ràng rằng hội đồng này được thúc đẩy nhờ sự thiên vị chính trị, không phải nhờ nhân quyền”.
Một quan chức cấp cao cũng nói với Fox News rằng, UNHRC bảo vệ những thành viên lạm dụng nhân quyền, cho phép họ tham gia vào hội đồng.
Một trong những cải cách mà Mỹ nỗ lực để UNHRC thông qua là khiến việc khai trừ các thành viên có nhiều hành động vi phạm nhân quyền dễ dàng hơn. Với quy định hiện tại thì một thành viên chỉ bị khai trừ một khi có 2/3 trong 193 thành viên Đại Hội đồng LHQ bỏ phiếu đồng ý.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ đối mặt với nhiều chỉ trích ngăn trẻ em đoàn tụ với gia đình tại biên giới Mỹ – Mexico. Ngày 18/6, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Zeid Ra’ad Al Hussein đã kêu gọi Washington dừng ngay chính sách “vô cảm” này.
Phe cánh tả chỉ trích chính quyền Trump vì không ưu tiên vấn đề nhân quyền trong chính sách đối ngoại. Trong khi 12 tổ chức hỗ trợ cộng đồng, bao gồm Save the Children và CARE, đã cảnh báo ông Pompeo rằng việc rút lui “sẽ gây khó khăn cho việc thúc đẩy nhân quyền và hỗ trợ nạn nhân bị ngược đãi trên thế giới” bởi “sự vắng mặt của Mỹ sẽ chỉ tạo ra điểm yếu trong hội đồng”.
Tuy nhiên, bà Haley cho hay trong buổi họp báo ngày 19/6 rằng, việc Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền “không phải là rút lui khỏi những cam kết về nhân quyền”.
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc được thành lập vào năm 2006. Mỹ được bầu hai nhiệm kỳ liên tiếp dưới thời Cựu tổng thống Obama. Chính quyền Trump bắt đầu nhiệm kỳ hiện tại vào năm 2016. Tuy nhiên, Tổng thống Trump từ lâu đã dọa sẽ rút lui nếu hội đồng gồm 47 thành viên này không được cải cách.
>>> ‘Truyền thông cánh tả bênh Hamas chống Trump: máu vấy trên tay ai?’
Tú Văn (t/h)