Vào những năm đầu của Thiệu Hưng (1131-1162 sau Công Nguyên) thuộc triều đại Nam Tống, có một người tên là Hoàng Phác, vì lòng kính mộ mà không ngại đường xa đến núi Vũ Di để tìm kiếm tiên nhân.
Núi Vũ Di với vách núi sừng sững trùng điệp, nước suối trong vắt, khói tím lượn lờ quẩn quanh. Nhìn thấy chốn bồng lai tiên cảnh, Hoàng Phác lòng tràn đầy vui sướng, cảm thấy mình nhất định có thể bái kiến được một vị tiên sư, và một ngày nào đó cũng sẽ đắc đạo thành tiên.
Nhưng sau khi đi bộ vài ngày, ngao du khắp Vũ Di, vẫn không thấy vị đạo sĩ tiên gia nào. Một hôm trời sắp chạng vạng, sau khi tìm sư suốt một ngày trời, ông đi đến dãy núi Bạch Vân và thấy một ngôi nhà tranh ở chân núi. “Cạch” một tiếng, cánh cửa nhà tranh hé mở, một đạo cô dung mạo phi phàm chậm rãi bước ra.
Thấy vậy, Hoàng Phác vội vàng bước tới chào và hỏi làm sao mới có thể tìm được Thần tiên. Đạo cô trả lời: “Động Thiên tiên phủ và Thần tiên không phải là thứ người phàm muốn tìm là thấy. Bây giờ đã muộn, vì vậy tối nay ngài hãy dừng lại ở đây nghỉ ngơi, ngày mai lại tìm kiếm!”
Hoàng Phác là một người đạo đức và lễ nghĩa, đột nhiên cảm thấy có điều gì đó không đúng, vội chắp tay đa tạ đạo cô và giải thích: “Một nữ tử ở một mình trong ngôi nhà tranh, làm sao tại hạ có thể ở lại đây được. Cô nam quả nữ sao có thể chung một phòng, những chuyện trái với đạo đức và lễ nghĩa tại hạ tuyệt đối không thể làm! Hơn nữa chuyện này còn liên quan đến thanh danh của Đạo gia, cho nên tại hạ không thể nghe theo được”.
Đạo cô liền nói: “Ở đây nhiều hổ, ở ngoài ban đêm vô cùng nguy hiểm, tốt nhất là vào trong nhà, ta đây cũng là sợ ngài bị thương mà thôi! Hoàng Phác kiên quyết không bước chân vào ngôi nhà tranh mà đạo cô đang ở, nhưng vì trời đã tối, lại không quen đường, quả thực ban đêm không thể tiếp tục lên đường tìm sư, đành ngồi ở bên ngoài nhà tranh”.
Lúc nửa đêm, trong núi tối đen như mực. Tiếng hổ gầm xa xăm vọng lại, dần dần tiếng hổ cách ngôi nhà tranh càng ngày càng gần, tưởng như chúng có thể nhảy vồ bất cứ lúc nào; cuối cùng thì hổ cũng xuất hiện, trong màn đêm đen kịt chỉ thấy đôi mắt của hổ dữ đang phát sáng.
Hoàng Phác sợ đến nỗi toàn thân run rẩy, hai chân mềm nhũn, lưng đổ mồ hôi lạnh. “Cạch” phía sau cánh cửa ngôi nhà tranh, đột nhiên hé mở. Đạo cô ở bên trong lo lắng gọi lớn: “Mau chạy vào trong để tránh hổ dữ”.
Nhưng Hoàng Phác lúc này không nghĩ tới tính mạng của bản thân, vốn là đi tìm chính Đạo, nên không dám làm trái ý trời! Bỗng chốc ông hạ quyết tâm, thà chết chứ không thể cô nam quả nữ chung một phòng, lại một lần nữa cự tuyệt đạo cô. Mà cũng thật kỳ lạ, khi đó con hổ cũng không tiến lên phía trước nữa, một người một hổ cứ thế giằng co nhau trong bóng tối.
Không biết thời gian trôi qua bao lâu, trời dần dần sáng, có thể thấy rõ dáng vẻ hung dữ của con hổ, nhưng lúc này con hổ đột nhiên quay đầu bỏ đi.
Lúc này, cánh cửa nhà tranh lại mở ra, đạo cô tươi cười bước ra nói với Hoàng Phác: Ngài đúng thật là một chính nhân quân tử có tâm cầu đạo! Thực ra, Động Thiên rất gần với ngài. Nói xong, đạo cô chỉ đường cho ông và nói rằng ông sẽ thấy một con suối, đi dọc theo bờ suối đến chỗ nước sâu không thể qua được, thì sẽ gặp một người tiều phu già. Nếu ngài có thể thành tâm cầu xin ông ấy, chắc chắn ông ấy sẽ giúp đỡ.
Sau khi Hoàng Phác đa tạ đạo cô, liền tiến lên phía trước như lời chỉ điểm. Đi gần đến Vân Oa, quả nhiên thấy một ông già râu bạc đang đốn củi trên bờ.
Hoàng Phác biết rằng ông ấy chính là tiên ông, nên vội vã tiến lên phía trước hành lễ, tha thiết khẩn cầu.
Lúc đầu, lão ông từ chối, nhưng vì lời cầu xin tha thiết của Hoàng Phác, lão ông đã đồng ý giúp đỡ và nói với Hoàng Phác: “Nhắm mắt lại và bám chắc vào quần áo của ta”.
Hoàng Phác trong lòng tràn đầy vui sướng, vừa nhắm mắt liền cảm thấy thân thể bay lên không trung, gió thổi vù vù bên tai; sau khi đáp xuống đất, mở mắt ra liền thấy, quả đúng là “cung điện nguy nga, không thể tả xiết”. Chỉ thấy một tiên nhân, đầu đội mũ ngọc bích, mặc tiên bào đỏ thẫm, chân đi giày mây, ngồi trên chính điện. Tiên nhân lệnh cho người hầu dẫn Hoàng Phác vào chỗ ngồi và hỏi: “Ngươi là ai? Sao có thể đến điện của ta, tốt hơn là ngươi nên quay trở về càng sớm càng tốt. Sau khi trở về phải tích đức, làm việc thiện, thành tiên rồi có lẽ mới có thể đến đây. Tiên nhân ra lệnh chiêu đãi Hoàng Phác một bữa cơm chay rồi đưa ông ra ngoài”.
Mặc dù cảm thấy không nỡ, nhưng Hoàng Phác không có lựa chọn nào khác nên đành phải cáo từ. Sau khi trở ra, nhìn núi cao thâm cốc thì thấy rằng nơi này khác hẳn so với lúc ông đến. Ông rất ngạc nhiên lại không cam tâm, vì vậy liền chạy đến dãy núi Bạch Vân để tìm đạo cô, hỏi chuyện cho rõ ràng. Nhưng khi tới nơi, ngoài núi hoang cỏ dại, thì chẳng có gì cả. Ông mới ngộ ra: “Đạo cô, nhà tranh, hổ dữ đều là do tiên nhân biến hóa ra, để thử thách ông”.
Từ đó về sau, Hoàng Phác trải thêm một lần cầu tiên học đạo, cuối cùng trở thành đệ tử của tiên nhân, theo chỉ điểm của tiên nhân học được “Tịch cốc” (không ăn, không uống), cuối cùng tọa hóa trên đỉnh Tam Dương thuộc núi Vũ Di. Người ta đều nói rằng, Hoàng Phác đã tu thành tiên mà rời đi.
Câu chuyện về Hoàng Phác được lan truyền rộng rãi. Cho đến nay, tại Vấn Trà, Vân Oa trong khu thắng cảnh Vũ Di, có một tảng đá giống như một cái bàn, trên đó có khắc ba ký tự “Vấn tiều đài”, tương truyền rằng đây chính là nơi mà Hoàng Phác đã gặp tiên ông đốn củi. “Vấn tiều đài” hàng trăm năm qua, lặng lẽ kể cho người đời câu chuyện không màng tính mạng một mực tuân thủ đạo đức lễ nghĩa của Hoàng Phác, nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của đạo đức lễ nghĩa.
Lương Phong