Một khi nước Mỹ thông qua Đạo luật tự trị Hồng Kông, 4 ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc có thể phải đối mặt với mức phạt lớn, đồng thời bị hạn chế truy cập hệ thống tài chính của Mỹ.
Thượng viện Mỹ ngày 25/6 đã thông qua “Đạo luật tự trị Hồng Kông”. Dự luật cho phép Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với cá nhân hoặc tổ chức ủng hộ Trung Quốc làm suy yếu quyền tự trị của Hồng Kông. Ngoài ra, các cơ quan tài chính có giao dịch làm ăn với những cá nhân hoặc tổ chức này cũng bị trừng phạt.
Các biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng tài sản trong các ngân hàng Mỹ, từ chối nhập cảnh,… Các tổ chức tài chính bị xử phạt sẽ phải đối mặt với một loạt biện pháp như cấm vay từ các tổ chức tài chính Mỹ, cấm qua lại với các ngân hàng Mỹ, hạn chế giao dịch bằng đô la Mỹ, và hạn chế xuất khẩu hàng hóa hoặc thiết bị công nghệ.
Dự luật vẫn cần được Hạ viện xem xét lại và Tổng thống Donald Trump ký để trở thành luật. Nếu dự luật được thông qua, Ngoại trưởng Mỹ sẽ phải nộp báo cáo trong vòng 90 ngày và hàng năm, liệt kê các cá nhân hỗ trợ Đảng Cộng sản Trung Quốc vi phạm “Tuyên bố chung Trung – Anh” hoặc “Luật cơ bản Hồng Kông”, đồng thời xác định các tổ chức tài chính có giao dịch kinh doanh với các cá nhân, tổ chức ủng hộ Trung Quốc hạn chế quyền tự trị của Hồng Kông.
Francis Chan, nhà phân tích cao cấp tại Bloomberg Intelligence, nhận định rằng một khi dự luật được thông qua, 4 ngân hàng quốc doanh có liên hệ chặt chẽ với quan chức Trung Cộng có thể đối mặt nguy cơ trừng phạt cao và hạn chế truy cập vào hệ thống tài chính của Mỹ. Trong đó bao gồm: Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Kiến thiết Trung Quốc.
Ông Chan cho hay 4 ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc phụ thuộc khá nhiều vào hệ thống tài chính Mỹ. Theo báo cáo hàng năm của 4 ngân hàng này, tính đến cuối năm 2019, 4 ngân hàng đã nợ tổng cộng 7,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (1.100 tỷ đô la) trong khoản nợ bằng đô la Mỹ, trong đó có 47% là tiền gửi, còn lại đến từ các khoản cho vay giữa các ngân hàng với nhau và trái phiếu phát hành cho các nhà đầu tư trên toàn cầu.
Một quan chức chính phủ hiểu rõ dự luật cho biết để ngăn việc lượng lớn công ty Mỹ bị phạt, các tổ chức tài chính sẽ chỉ bị phạt khi làm ăn với các quan chức Trung Quốc vi phạm luật. Trước khi bị phạt, ngân hàng sẽ được cảnh cáo.
Ông Chan cho rằng vì những người thân hoặc liên quan đến quan chức Trung Quốc có thể đang làm ăn với các ngân hàng khác trên toàn cầu, nên những ngân hàng này cũng có thể đối mặt với lệnh trừng phạt tương tự.
Trước đó, đã có một số ngân hàng bị phạt nặng vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Vào tháng 6/2014, ngân hàng BNP Paribas bị cáo buộc giúp các khách hàng chuyển tiền đến các nước bị Mỹ liệt vào danh sách đen như Sudan, Iran và Cuba. Ngân hàng này đã bị Bộ Tư pháp Mỹ phạt 8,9 tỷ USD, mức phạt cao nhất từng được áp dụng cho ngân hàng tư nhân vì vi phạm các biện pháp trừng phạt.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Mỹ sẽ hạn chế nhập cảnh đối với các quan chức Trung Quốc liên quan đến việc hạn chế quyền tự trị của Hồng Kông.
Ngày 29/6, ông Pompeo tuyên bố chính phủ Mỹ sẽ chấm dứt xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng sang Hồng Kông. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cũng cho biết sẽ bắt đầu hủy bỏ tình trạng ưu đãi đặc biệt của Hồng Kông để trừng phạt Bắc Kinh.
Mặc dù vậy, ĐCSTQ vẫn kiên quyết với chính sách của mình. Quốc hội Trung Quốc hôm 30/6 tuyên bố đã nhất trí thông qua “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông“.
Sinh Toàn (Theo Epoch Times)