Tháng 9/2020, lệnh cấm ứng dụng mạng xã hội WeChat tại Mỹ của Tổng thống Trump sắp sẽ bắt đầu có hiệu lực, điều này đang nhận được sự hoan nghênh của rất nhiều người dùng tại quốc gia.
Người dân cho rằng, những nguy hại của ứng dụng còn lớn hơn nhiều những tiện lợi mà nó mang lại.
WeChat là ứng dụng nhắn tin thuộc sở hữu của gã khổng lồ internet Trung Quốc – Tencent Holdings. Đây là ứng dụng chính để người dân Trung Quốc liên lạc và trao đổi kinh doanh với nhau tại quốc gia, vì chính quyền Bắc Kinh đã cấm cửa các ứng dụng phổ biến của phương Tây như Whatsapp, Facebook Messenger và Telegram tại đây.
Theo công ty phân tích Apptopia, WeChat có khoảng 19 triệu người dùng hoạt động hàng ngày tại Mỹ, được sử dụng bởi các sinh viên Trung Quốc, người Trung Quốc ở hải ngoại và người Mỹ gốc Hoa.
Một số người dùng đã lên tiếng chỉ trích do lệnh cấm, nó khiến họ không thể liên lạc với gia đình và bạn bè tại Trung Quốc nữa. Tuy nhiên, số khác lại tán dương động thái khi cho rằng, ứng dụng đã giúp hệ thống theo dõi và kiểm duyệt của chính quyền Trung Quốc xâm nhập vào Mỹ.
Những người ủng hộ lệnh cấm bao gồm Châu Kiến Danh – du học sinh Trung Quốc đang theo học ngành khoa học máy tính tại New Jersey. Anh cho biết, WeChat là một “mối nguy hiểm tiềm ẩn to lớn” đối với người dùng tại quốc gia, và khẳng định sắc lệnh của Donald Trump “hoàn toàn là một động thái nhằm bảo vệ người dân Mỹ”.
Chàng sinh viên cho biết dữ liệu của người dùng ứng dụng không được bảo đảm, bởi Tencent là một tập đoàn Trung Quốc và chịu sự chi phối của ĐCSTQ. Anh nói: “Người dùng WeChat là những đối tượng bị ĐCSTQ theo dõi mọi lúc mọi nơi”.
Kiến Danh thuộc nhóm những người dùng ứng dụng tại nước ngoài, và bị kiểm duyệt vì đăng tải những nội dung mà ĐCSTQ nhận định là động chạm nhạy cảm đến chính trị. Anh cho biết tài khoản WeChat của mình đã bị đình chỉ, và bị chặn nhiều lần vào năm 2019, sau khi anh đăng tải các thông điệp ủng hộ các cuộc biểu tình dân chủ ở Hồng Kông.
Vào tháng 6, tài khoản TikTok của nam sinh viên đã bị khóa sau khi anh đăng tải một video châm chọc quốc ca Trung Quốc.
Phong trào ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông đã khiến chính quyền Bắc Kinh ‘nóng mắt’, khi người biểu tình liên tục lên tiếng phản đối việc chính quyền Trung Quốc can thiệp vào các vấn đề của đặc khu.
Daniel Lou – một doanh nhân nhập tịch Hoa Kỳ ở New York đã phát hiện ra tài khoản WeChat của mình bị khóa vào đầu năm 2020, sau khi anh chia sẻ một bài báo trong tin nhắn cá nhân về 2 nhà khoa học Trung Quốc, bị áp giải khỏi phòng thí nghiệm virus học quốc gia Canada vào tháng 7/2019 giữa lệnh điều tra của cảnh sát.
Bài báo có liên quan đến thuyết âm mưu về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.
Lou cho biết ông đã mất nhiều năm để phát triển mạng lưới của mình trên ứng dụng khi gia nhập nhiều nhóm trò chuyện trên WeChat, vậy mà tài khoản của ông đã “bốc hơi” chỉ trong thoáng chốc. Mặc dù vậy, vị doanh nhân vẫn “vô cùng hạnh phúc” sau khi bị khóa tài khoản: “Tôi không còn phải chịu sự kiểm soát của họ nữa. Tôi đã được tự do”, ông nói.
Ông nhận định rằng: ĐCSTQ đang thông qua WeChat mà “xâm phạm đến quyền riêng tư của công dân Mỹ và kiểm soát người dùng Mỹ”.
John C. Demers – trợ lý tổng chưởng lý an ninh quốc gia Hoa Kỳ cho biết, WeChat được chính quyền Trung Quốc sử dụng để kiểm soát người dân Trung Quốc học tập và làm việc tại quốc gia.
Trong cuộc thảo luận ngày 12/8 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Washington, ông Demers phát biểu: “Đây là phương pháp của ĐCSTQ nhằm duy trì liên lạc với những người Trung Quốc đang ở Mỹ”.
Ông cho biết thêm ứng dụng được dùng để lan truyền những thông tin sai lệch, và sự tuyên truyền về chính phủ Mỹ đến những du học sinh Trung Quốc, để họ không bị “vấy bẩn bởi tư tưởng về tự do dân chủ hay tự do tôn giáo”.
Nhà hoạt động về quyền tại Mỹ Chen ChuangChuang cho hay, các du học sinh Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng của chính quyền Trung Quốc thông qua ứng dụng: “Có thể họ đang sống trong một xã hội tự do, nhưng họ vẫn bị lệ thuộc vào những nguồn tin trên WeChat bị ĐCSTQ kiểm soát, để tiếp nhận thông tin”.
Nhà hoạt động đã chỉ ra những trường hợp ứng dụng được sử dụng để gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử tại nền dân chủ như Úc, Canada hay New Zealand.
Chen Chuangchuang cho biết, nhiều bạn bè của ông tham gia vào phong trào dân chủ ở hải ngoại đã bị WeChat khóa tài khoản, vì tuyên truyền những tin tức tiêu cực về chính quyền Trung Quốc.
Chen cũng tán dương động thái cấm WeChat, cho rằng điều này sẽ thúc đẩy nhiều người dân tại Trung Quốc tìm cách lách khỏi tường lửa internet của quốc gia, để liên lạc được với họ hàng và bạn bè đang ở nước ngoài của họ.
“Đây là một tín hiệu tốt”, ông cho biết.
Hiện Tencent vẫn chưa đưa ra phản hồi với tờ Epoch Times.
Việt Anh (Theo Epoch Times)