Có một điểm yếu kém trong tâm lý con người, chính là chỉ thấy cái sai của người khác mà không thấy cái sai của mình, chỉ muốn cải biến người khác mà không tự mình thay đổi. Thế giới này sẽ thay đổi bắt đầu từ sự thay đổi của chính mình.
Câu chuyện thứ nhất
Rất lâu trước đây, vào thời mà con người vẫn còn đi bộ bằng chân trần, có một vị Quốc vương vi hành đến một vùng đất xa xôi. Bởi vì mặt đường mấp mô, có rất nhiều những viên đá nhọn đâm vào chân khiến Quốc vương đau đớn, loạng choạng. Sau khi trở về hoàng cung, Quốc vương liền hạ lệnh dùng da trâu trải khắp các con đường trong nước.
Quốc vương cho rằng làm như vậy không chỉ giúp mình, mà còn tạo phúc cho muôn dân trăm họ, để dân chúng đi đường không còn phải chịu đau đớn nữa.
Nhưng dù có giết hết trâu trên cả nước cũng không đủ dùng, hơn nữa còn tốn tiền hao của, lãng phí nhân lực vật lực, kết quả vẫn không được gì. Nhưng vì đó là lệnh của bề trên, nên mọi người cũng chỉ biết lắc đầu thở dài.
Lúc đó có một đầy tớ thông minh, lớn mật đưa ra một chủ kiến với Quốc vương: “Thưa Quốc vương! Vì sao ngài lại điều động nhiều nhân lực, hy sinh nhiều con trâu và tổn hao tiền tài lớn đến thế? Sao ngài không dùng 2 miếng da trâu nhỏ bao ở chân mình nhỉ?”
Quốc vương nghe xong rất đỗi kinh ngạc, lập tức lĩnh ngộ, liền thu hồi mệnh lệnh đã ban ra, thay vào đó là ý tưởng mới này. Nghe nói, đây chính là nguồn gốc tồn tại của đôi giày da hiện đại.
Câu chuyện thứ hai
Tại tầng hầm của nhà thờ Westminster ở Luân Đôn, có một tấm bia mộ nổi tiếng thế giới. Trên đó có khắc mấy dòng chữ như sau:
“Khi tôi còn trẻ, còn tự do, trí tưởng tượng của tôi không bị giới hạn, tôi đã mơ thay đổi thế giới.
Khi tôi đã lớn hơn, khôn ngoan hơn, tôi phát hiện ra mình sẽ không thay đổi được thế giới, vì vậy tôi rút nhỏ phạm vi và quyết định chỉ thay đổi đất nước của mình.
Nhưng cái mục tiêu này vẫn là quá lớn.
Khi tôi bước vào những năm cuối đời, trong một cố gắng cuối cùng, tôi quyết định chỉ thay đổi gia đình tôi, những người gần nhất với tôi.
Nhưng than ôi, điều này cũng là không thể.
Và bây giờ, khi nằm trên giường, lúc sắp lìa đời, tôi chợt nhận ra, nếu như tôi bắt đầu thay đổi bản thân mình trước, lấy mình làm tấm gương thì có thể thay đổi được gia đình mình, với sự giúp đỡ, động viên của gia đình mình, tôi có thể làm điều gì đó thay đổi đất nước và biết đâu đấy, tôi thậm chí có thể làm thay đổi thế giới!”.
Đọc xong những lời này thật khiến người ta phải cảm thấy tiếc nuối, bi thương. Nghĩ đến cuộc sống của chúng ta, chẳng phải cũng là như thế? Có rất nhiều điều chúng ta muốn thay đổi nhưng bất lực, trong phiền não dằn vặt, lại đánh mất rất nhiều thứ mà không thể vãn hồi.
Vợ chồng với nhau, lúc cãi nhau thường nói: “Anh vì sao lại không thể nghe theo em một chút?”. Chồng cũng tức tối: “Đã yêu anh, sao em lại không chịu nghe lời anh”. Cứ như thế thì tranh chấp là điều khó tránh khỏi. Cải biến người thân của mình còn khó khăn đến vậy, cải biến thế giới, liệu có thể dễ dàng sao?
Câu chuyện thứ ba
Một giảng viên đang chuẩn bị bản thảo cho buổi diễn thuyết của mình, thì đứa con trai nhỏ ở cạnh bên lại cứ ồn ào không ngớt. Người cha bất lực, liền tiện tay nhặt một quyển tạp chí, lấy ra bức tranh vẽ bản đồ thế giới xé thành những mảnh nhỏ vứt trên mặt đất.
Sau đó ông bảo: “Con trai, nếu con có thể ghép lại hoàn thiện tấm bản đồ này, cha sẽ cho con 2 đồng tiền”.
Người cha nghĩ rằng đứa con phải mất cả buổi sáng để làm việc đó, nhưng chưa đầy 10 phút, đứa con đã quay lại gõ cửa phòng cha.
Người cha thấy con mình trong thời gian ngắn như vậy đã có thể ghép được bức tranh rắc rối như thế, cảm thấy hết sức ngạc nhiên, liền hỏi: “Con trai, sao con có thể ghép được tấm bản đồ nhanh đến thế?”
Con trai nói: “Dễ thôi cha ơi! Mặt kia của tấm bản đồ có ảnh chụp một người, con chỉ cần ghép thành hình người đó, sau đó lật lại. Nếu hình người này chính xác, thì tấm bản đồ này cũng nhất định chính xác”.
Người cha cười lớn, đưa cho con 2 đồng tiền, rồi nói: “Con đã thay cha chuẩn bị chủ đề cho bài thuyết giảng ngày mai: Nếu một người chính xác, thì thế giới của người đó cũng nhất định chính xác”.
Đúng vậy, nếu như một người lương thiện, thì thế giới của anh ta cũng sẽ lương thiện; một người độc ác, thì thế giới của anh ta cũng chẳng thể bình yên. Cải biến thế giới có lẽ rất khó, nhưng cải biến chính mình lại tương đối dễ dàng. Cầu người chi bằng cầu mình, cải biến thế giới chi bằng cải biến chính mình.
Nếu bạn muốn nhìn thấy sự thay đổi của thế giới, đầu tiên cần thay đổi chính mình.
Tuệ Tâm (Theo Secret China)