Có một sức mạnh sống và chết nơi miệng lưỡi chúng ta. Những cặp vợ chồng hiểu được sức mạnh vô song của lời nói thì khẳng định cuộc sống gia đình sẽ luôn luôn hạnh phúc.
Mối quan hệ vợ chồng là cốt lõi của một gia đình. Vợ chồng sống với nhau hòa hợp, quan hệ gắn bó, ổn định thì gia đình mới có thể vững chắc, hạnh phúc và cũng phát huy tốt chức năng xã hội.
Để sống với nhau hòa hợp thì vai trò của lời nói không thể coi thường. Dưới đây, chúng tôi xin kể một số chuyện thường xảy ra trong cuộc sống, khiến chúng ta lắng đọng suy nghĩ một chút:
Câu chuyện thứ 4: Cô Trần giữ gìn hạnh phúc
Cô Trần sau khi tan việc, bắt đầu nấu cơm cho cả nhà. Hơn một giờ bận rộn, đổi lấy là một bữa tối với các món ăn vô cùng hấp dẫn. Khi ăn xong, cô Trần đã có vẻ hơi mỏi mệt nên nói với chồng: “Hôm nay anh rửa chén nha!”
Anh chồng đồng ý nói: “À, được!”.
Chạng vạng tối ngày hôm sau, cô Trần như hôm qua, đẩy cửa phòng bếp ra, chuẩn bị làm bữa tối, nhưng đập vào mắt cô chính là…chén ở trong bồn rửa, chồng cô vẫn để đó. Cô thở dài! Cô cứ đinh ninh anh chồng giúp cô rồi, thế mà hôm nay chính cô phải bắt tay vào rửa chén.
Đến tối muộn, cô lại nhờ chồng mình rửa chén. Anh chồng vui vẻ đáp: “Ừ, được, được”.
Chạng vạng ngày tiếp theo, trở về nhà, cô lại nhìn thấy những chiếc chén nằm im trong bồn rửa. Cô không muốn nhìn! Cô thật sự rất bất lực, nhưng cô cũng không có hơi sức đâu tức giận chồng. Cô còn phải làm bữa tối, rửa sạch chén đĩa, giặt rũ quần áo. Lúc này cô thấy hoàn cảnh của mình như ở trong ngạn ngữ: “Kháo sơn sơn băng, kháo thủy thủy yêm, kháo nhân nhân đảo” (Tạm dịch: Dựa núi núi đổ, dựa sông sông ngập, dựa người người ngã). Cô Trần không bao giờ mong đợi chồng rửa chén giúp cô khi cô đang bận rộn.
Là một người vợ, cô Trần hy vọng chồng mình có thể giúp đỡ, chia sẻ một chút việc nhà! Người chồng mở miệng đồng ý, lại làm cho vợ thất vọng. May mà cô Trần biết tiết chế cảm xúc, lấy đại cục làm trọng, không muốn vợ chồng cãi nhau trước mặt các con. Không biết xã hội có bao nhiêu phụ nữ được như cô Trần?
Cảm nghĩ:
Mọi người đều có trái tim yêu thương. Vợ chồng nên giúp đỡ, săn sóc lẫn nhau khi cùng sống chung một mái nhà. Hãy biểu lộ tình yêu từ những việc làm nhỏ nhất, bạn có thấy đúng không?
Câu chuyện thứ 5: Kết hôn 20 năm chưa từng xảy ra xung đột
Người với người mà sống chung với nhau sau một thời gian sẽ có những quen thuộc nhất định. Nhiều khi, thái độ ngôn ngữ thường ngày hoàn toàn không để ý, ăn nói tùy tiện, lỗ mãng cho thấy sự thiếu tôn trọng. Điều này thoạt đầu xem ra là chuyện nhỏ, nhưng tích tụ một thời gian lâu, một luồng “oán khí” không tên sẽ ngấm ngầm hình thành một cách từ từ, đợi đến một ngày khi nó bộc phát, thì mọi thứ sẽ rất khó sửa chữa vãn hồi.
Nhìn xung quanh ta, không khó để phát hiện ra các mối quan hệ như vợ chồng, cha con, bạn bè, cấp trên cấp dưới… cho dù đã đến mức độ thân thiết nhất, nhưng cũng có thể vì quá quen thuộc mà không để ý đến việc tôn trọng lẫn nhau dẫn đến thái độ ngôn ngữ khinh mạn, và những oán hận vô hình chất chứa dần dần như mầm tai họa. Kết cục cuối cùng không chỉ là kết quả tan rã không vui, mà thậm chí còn trở mặt thành thù.
Sau đây xin dẫn ra câu chuyện một cặp vợ chồng kết hôn hơn 20 năm chưa từng xảy ra xung đột hay cãi vã. Hãy xem họ trước nay ứng đối với nhau như thế nào nhé!
Ông Vương hơn vợ 2 tuổi. Hai vợ chồng họ bao giờ cũng hòa hợp với nhau. Xưa nay là gia đình gương mẫu cho hàng xóm láng giềng.
Đặc biệt, hai người trò chuyện qua lại với nhau rất nghệ thuật, âm điệu luôn nhẹ nhàng, lời nói nhỏ nhẹ. Từng có rất nhiều người ăn to nói lớn, nói chuyện bỗ bã, khi đến nhà họ đã bị ảnh hưởng; về sau, rất tự nhiên mà tự điều chỉnh âm điệu xuống nhẹ nhàng.
Rốt cuộc là hai người họ sinh hoạt như thế nào? Chúng ta cớ gì lại ngần ngại mà không tìm hiểu một chút?
Thái độ khi nhờ đối phương giúp đỡ
Một ngày nọ, ông Vương muốn vợ giúp một việc, hãy nghe họ trao đổi qua lại thế nào nhé?
Ông vương: “Helllo! Em có rảnh không? Làm ơn giúp anh một việc được không nào?”
“Được chứ! Được chứ!”, người vợ thuận theo chồng ân cần hưởng ứng.
Hoàn thành xong việc, ông Vương thân mật nói: “Cảm ơn em nhiều!”
Người vợ cười tủm tỉm: “Không có chi, không có chi!”.
Hai vợ chồng ông Vương thường xuyên sống trong bầu không khí hài hòa như vậy. Họ luôn hợp tác giúp đỡ nhau trông nom việc nhà hoặc hoàn thành công tác.
Đối diện với nhà ông Vương, có một gia đình đối lập hoàn toàn. Họ luôn gọi cả tên lẫn họ người kia ra mà nói chuyện. Hai gia đình liền kề nhau trong gang tấc, sao họ không chịu ảnh hưởng của gia đình ông Vương? Bởi vì hai người họ đều là huấn luyện viên trong quân đội, sớm đã quen mang giọng điệu giáo dục học viên về nhà. Vì thế, họ thường thường to tiếng, một chuyện rất nhỏ thôi mà cũng oang oang khắp cả tầng lầu.
Hoàn toàn tin tưởng tôn trọng lẫn nhau
Ngày Tết đã đến, bất cứ ai về nhà mừng lễ năm mới cũng nên mang theo chút ít lễ vật kèm tay. Cuối năm nào cũng vậy, vợ chồng ông Vương luôn hẹn gặp nhau tại một của hàng bánh hóa sau khi tan việc. Họ cùng nhau thảo luận mua quà tặng cho người thân và vật phẩm cần thiết cho gia đình.
Sau khi đạt được thống nhất về dự tính, họ liền chia nhau đi mua tất cả những món hàng. Họ tôn trọng hết thảy các lựa chọn của đối phương, họ cũng không can thiệp vào đồ mua sắm của nhau. Hai vợ chồng ước định khi nào mua xong thì chờ người kia ở một chỗ, vì thế mà không lãng phí thời gian. Có thể nói đây là phương pháp dạo phố mua sắm hết sức thú vị.
Thường ngày, nếu có ai mua đồ dùng nào đó thì họ không chỉ trích lẫn nhau là lãng phí hoặc không cần thiết. Bởi vì họ hiểu được đạo lý: Vợ chồng cần tín nhiệm lẫn nhau. Người kia nhất định là cảm thấy cần nên mới mua.
Trò chuyện ấm áp khi điện thoại
Hai vợ chồng ông Vương có những ước định thế này: Nếu không có chuyện gì gấp thì không gọi đến chỗ làm của nhau; dứt lời cũng nhất định sẽ nói : “Cảm ơn”, hoặc “Đừng khách sáo” hoặc “Không có chi” hoặc “Hẹn gặp lại”.
Ban đầu đồng sự trong văn phòng không dám tin đây là cuộc nói chuyện giữa hai vợ chồng. Bởi vì, họ chưa bao giờ chứng kiến gia đình nào mà hai vợ chồng lại đối thoại lễ kính như thế, lâu ngày mới biết được xưa nay hai người họ đã thật sự dưỡng thành thói quen tốt vậy.
Đương nhiên tại văn phòng, những câu thường nghe được chính là: “Được rồi! được rồi! Khỏi phải nói“, tiếp theo là một tiếng dập máy “bập”. Nghe thái độ nói chuyện là đoán ngay 80-90% không là chồng thì cũng là vợ gọi đến. Từ đó có thể đánh giá được địa vị trong mắt nhau của vợ chồng ấy, có trường hợp còn nhận thấy không có tình cảm ở trong đó!
Khoảnh khắc thư giãn của hai vợ chồng
Giờ uống vào trà buổi trưa cuối mỗi tuần là thời khắc hai vợ chồng nhàn nhã nhất. Họ cùng nhau nói chuyện một vòng về tình hình công tác của nhau. Mặc dù là kết hôn nhiều năm, nhưng họ hễ trò chuyện là nói hoài không dứt, vừa tâm sự vừa thưởng thức ly trà thơm nồng. Quả thực, khung cảnh này đúng là thiên đường tại nhân gian.
Ông Vương là cao thủ pha trà, vì vậy ông luôn là người pha. Mỗi khi ông Vương bưng cho vợ, thì dí dỏm nói: “Cử án tề mi! Thỉnh phu nhân uống trà!” (khay bưng ngang mày, mời vợ uống). Bà Vương cũng vô cùng hiểu ý, bà dùng điệu bộ dịu dàng đáp lễ lại: “Cảm tạ! Cảm tạ! Vô cùng cảm tạ”.
(PV: “Cử án tề mi” được bắt nguồn từ câu chuyện đức hạnh của nàng Mạnh Quang, vợ của Lương Hồng thời Hậu Hán (25- 219). Mỗi khi Lương Hồng đi làm về, nàng Mạnh Quang đều đặt thức ăn trên một cái mâm gỗ rồi bưng mâm cơm cung kính mời chồng, nàng không ngước mắt nhìn lên mà mỗi lần đều nâng mâm cơm cao ngang mày, Lương Hồng cũng rất lễ phép đưa hai tay đỡ lấy mâm cơm. Ý câu nói muốn nhắc tới sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cặp vợ chồng).
Động viên, học tập cùng nhau phát triển
Công tác của hai người từ trước đến nay đều rất bận bịu. Việc thất bại là khó tránh khỏi. Bà Vương là người phụ nữ tinh tế, cho nên bà thường nhận ra được sự khác thường, mệt mỏi của chồng.
Bà lựa lúc thích hợp, đem sầu lo của chồng để giúp ông hóa bỏ. Ngoài an ủi bằng ngôn ngữ thông thường, bà Vương cũng biết tùy ý mà đưa ra những điển cố trong lịch sử để cổ vũ ông.
Bà Vương rất hiếu học, thường xuyên đem niềm vui đọc sách chia sẻ cùng ông Vương. Cho nên dù một người nào gặp khó khăn cũng sẽ hỗ trợ lẫn nhau để giải tỏa đi rất nhanh, trước sau bảo trì không khí trong nhà vui vẻ.
Vợ chồng mặc dù thân thiết như một, nhưng cũng nên hiểu được cá tính của nhau. Luôn nhìn vào ưu điểm của đối phương, với khuyết điểm thì do chính mình âm thầm bù đắp. Hai vợ chồng ông Vương quá lắm chỉ là một cặp vợ chồng bình thường, cuộc sống của họ cũng rất giản dị, nhưng họ lại rất tự tại và hạnh phúc. Bí quyết bảo trì một gia đình mỹ mãn của họ thật đơn giản, đó là hai người cần hiểu nhau, trợ giúp, bao dung, tôn trọng lẫn nhau.
Cảm nghĩ:
Khó mà kết thành vợ chồng, đây đều là duyên phận. Tuy nhiên, lương duyên còn phải dựa vào tổ chức của cả hai bên. Để trăm năm hòa hợp, trong đó quan trọng nhất là sự tôn trọng lẫn nhau. Ngàn vạn lần không được coi đối phương là người lệ thuộc vào mình, hết thảy đều muốn mình là trung tâm, rồi cưỡng ép đối phương đều nghe theo ý kiến của bản thân. Nếu là như vậy, trong nhà sẽ có một người rất thống khổ, bất cứ lúc nào đều nghĩ cách tự giải thoát trói buộc. Ước mơ hạnh phúc mỹ mãn làm sao trở thành hiện thực đây?
Hoàng Sâm dịch từ kannewyork.com