Một sinh viên đại học Trung Quốc gần đây đã mất tích sau khi đăng tải một video trên mạng xã hội liệt kê những ‘tội trạng’ từ trước đến nay của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đồng thời kêu gọi Đảng này và chủ tịch Tập Cận Bình thoái vị.
Lên tiếng và biến mất bí ẩn
Ngày 30/3, Trương Văn Bân, một sinh viên đại học ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã đăng tải một video lên Twitter kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Chủ tịch Tập Cận Bình thoái vị. Vì Twitter bị cấm truy cập ở Trung Quốc, nên Trương đã sử dụng phần mềm VPN vượt tường lửa để vào mạng xã hội này.
Trên Twitter của mình, Trương viết: “Thế giới này sẽ ổn chứ? Tôi hi vọng có thể dùng máu của mình để thức tỉnh lương tri của con người, tôi là Trương Văn Bân, một sinh viên ở Trung Quốc đại lục”.
Trong video đăng tải, Trương nói: “Tôi cũng từng là một ‘Tiểu Phấn Hồng’ [một thuật ngữ mô tả những người trẻ tuổi hâm mộ nhà nước do tin theo tuyên truyền của chính quyền]… và chỉ sau khi vượt tường lửa, dần dần tôi mới hiểu rõ bộ mặt tàn ác của Đảng Cộng sản [Trung Quốc], thế nhưng mọi người vẫn nhìn như không thấy, thậm chí còn đang ca tụng họ ban ơn, tôi thật không chịu nỗi nữa rồi”.
Anh Trương cũng cho biết khi nhìn thấy người dân Hồng Kông và Đài Loan dũng cảm đối kháng với ĐCSTQ trong những tháng gần đây, anh đã được truyền cảm hứng và muốn cất lên tiếng nói hy vọng giúp người dân Trung Quốc nhìn rõ bộ mặt thật của chế độ cầm quyền, đoàn kết lại và “đạp đổ bức tường trước mắt”.
“Có lẽ tôi sẽ không còn sống để thấy ngày ĐCSTQ diệt vong, tôi cũng không biết có ai sẽ xem video này không, nhưng bất kể ra sao, tôi đã từng đến thế giới này”, Trương nói trong video.
Video của Trương sau đó đã thu hút sự chú ý của nhiều người dân Trung Quốc, chỉ trong 2 ngày đã nhận được hơn 175.200 lượt xem và 2.200 lượt thích. Có người còn miêu tả Trương Văn Bân là một “anh hùng thực sự”, làm họ nhớ đến những sinh viên dũng cảm đã hy sinh trong sự kiện thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Tuy nhiên cũng trong ngày 30/3, Trương tiếp tục đăng một tweet khác cho biết anh đã bị cảnh sát triệu tập vì một bài đăng có nội dung tương tự trên mạng xã hội Wechat vài ngày trước đó, và anh sẽ bị giam giữ trong 5 ngày.
Theo một bức ảnh chụp màn hình Trương đăng tải, cơ quan kiểm duyệt Internet Trung Quốc đã khóa vĩnh viễn tài khoản WeChat của Trương vì nghi ngờ “truyền bá tin đồn độc hại’’. Kể từ đó, không ai còn thấy Trương đăng bài hay truy cập Twitter.
Thức tỉnh và hành trình tìm kiếm sự thật
Ngày 30/3, ngay trước khi bị mất tích, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Epoch Times, Trương đã chia sẻ nguyên nhân khiến anh phải công khai vạch trần sự thật về chính quyền Trung Quốc.
Trương cho biết mọi chuyện bắt đầu khoảng 4 năm trước khi anh vượt tường lửa Internet để đọc những thông tin không bị kiểm duyệt và tìm hiểu sự thật về ĐCSTQ. Từ phong trào cải cách ruộng đất, cuộc đại cách mạng văn hóa, cải cách 3 năm, đến cuộc biểu tình đòi dân chủ của sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Chính quyền đã nghiền nát những người biểu tình bằng xe tăng, che giấu, kiểm soát chặt chẽ thông tin về vụ việc và trừng phạt những người dám lên tiếng về nó.
Hay từ chính sách một con khiến người dân Trung Quốc phải thực 336 triệu ca phá thai – con số còn nhiều hơn tổng dân số Hoa Kỳ, cho đến những cuộc đàn áp các nhóm tín ngưỡng như Kitô giáo, Pháp Luân Công, Phật tử Tây Tạng, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và người dân Hồng Kông… Từ đó, Trương bắt đầu khám phá ra rằng ĐCSTQ đã vươn móng vuốt ma quỷ ra khắp thế giới để lừa gạt mọi người.
Anh đã đến thăm Hồng Kông, Tây Tạng để gặp gỡ người dân địa phương và đối chiếu những gì nhìn thấy tận mắt với những điều chính phủ miêu tả về họ.
“Tôi nhận ra rằng chính phủ đã nói dối từ đầu đến cuối. Không chỉ về những gì tôi đọc được từ Internet, mà còn rất nhiều sự thật khác tôi đã tận mắt chứng kiến”, anh nói.
Lúc đầu, anh chỉ giữ những suy tư đó trong lòng. Nhưng vào tháng 10 năm ngoái, anh đã hành động để bày tỏ sự ủng hộ những người biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông. Anh đã chia sẻ một chiến dịch do người biểu tình Hồng Kông khởi xướng trên WeChat, kêu gọi mọi người ủng hộ phong trào này bằng cách đăng ảnh cá nhân với một tay che mắt phải. Tuy nhiên, ngay sau khi nghe tin cảnh sát triệu tập bạn học vì đăng bình luận ủng hộ Hồng Kông trên mạng xã hội, anh đã lập tức xóa tài khoản của mình.
“Lúc đó, tôi đã quá hèn nhát”, anh nói.
Gần đây, Trương đã tìm kiếm một vài từ khóa nhạy cảm trên Weibo liên quan đến phong trào thức tỉnh người dân sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng. Bác sĩ Lý ban đầu bị bắt phải im lặng vì đã đưa ra cảnh báo về dịch viêm phổi Vũ Hán, sau đó anh tử vong do nhiễm chính loại virus này.
Không lâu sau, Trương bắt đầu gặp khó khăn khi bình luận, chia sẻ hoặc nhắn tin trên mạng Weibo. Cuối cùng anh đành phải xóa ứng dụng này trong thất vọng.
“Điều làm tôi bức bối nhất là ĐCSTQ đã bịt mắt công chúng bằng cách tuyên truyền những lời dối trá. Họ bỏ tù người dân sau những bức tường đó”, anh nói.
Trương có một vài người bạn tốt từ thời trung học, anh nói họ hoàn toàn tin vào tuyên truyền của nhà nước và không chấp nhận bất kỳ quan điểm nào khác. Họ cùng nhiều bạn cùng lớp khác của anh cuối cùng sẽ trở thành giáo viên, rồi họ sẽ lại tuyên truyền những tư tưởng đó cho thế hệ tiếp theo.
“Có lẽ tẩy não là điều mà ĐCSTQ thành công nhất”, Trương nói.
Cha mẹ Trương từng cảnh báo anh đã phạm “sai lầm” khi nói lên quan điểm của mình về chính phủ. Tuy nhiên, anh vẫn cương quyết với lựa chọn của mình.
“Tôi đâu làm điều gì sai, tại sao tôi không được phép nói?”, anh khẳng định.
Được biết, sự việc Trương Văn Bân biến mất xảy ra ngay lúc chính quyền Trung Quốc đang gia tăng đàn áp những ý kiến bất đồng, nhằm dập tắt chỉ trích của người dân về việc chính quyền xử lý yếu kém khiến virus Vũ Hán bùng phát. Trước đó, cựu doanh nhân bất động sản Nhậm Chí Cường cũng bị mất tích sau khi chỉ trích phản ứng của chính quyền đối với dịch bệnh và kêu gọi tự do ngôn luận.
Nhận định về vụ việc của sinh viên Trương, ông Dương Kiện Lợi, Chủ tịch tổ chức Citizen Power Initiatives for China (Sáng kiến Quyền lực Công dân cho Trung Hoa) có trụ sở tại Washington, cho biết anh Trương chỉ đang thực hiện quyền tự do ngôn luận, quyền công dân được hiến pháp Trung Quốc thừa nhận. Tuy nhiên ông cũng nói thêm, quyền này vẫn chỉ đang ở “trên giấy’’. Ông Dương đã gọi ĐCSTQ là một “chính quyền man rợ” khi chỉ xem việc duy trì quyền lực là ưu tiên hàng đầu.
“ĐCSTQ và các nhà lãnh đạo của Đảng sẽ không hề khoan nhượng trước bất kỳ ai. Trong mắt họ, bất kỳ lời phê bình nào dường như đều được xem là hành động chống lại chính quyền”, ông Dương nói với tờ Epoch Times.
Tiểu Phúc (Theo The Epoch Times)