Chúng ta khi gặp phải những chuyện không vừa ý thì thường phát tiết, nóng giận đến độ không kiểm soát được. Nếu cứ mãi phóng túng cảm xúc của bản thân như vậy, thì không những dễ dàng làm hỏng đi các mối quan hệ mà còn tự làm tổn thương, hao mòn phúc báo của chính mình.
Một cuộc sống có ý nghĩa thì luôn tràn ngập niềm vui, nếu không thì chính là uổng phí sinh mệnh. Vậy nên nhất định phải kiểm soát được cơn nóng giận của mình, người có tính khí càng tốt thì phúc báo càng nhiều.
Nhà văn Hồ Thích từng nói: “Việc ác nhất thế gian, chính là khi nổi giận; việc hạ lưu nhất thế gian, chính là khi để người khác thấy được khuôn mặt giận dữ đó, việc này so với bị đánh chửi thì còn khó chịu đựng hơn”.
1. Hãy đối xử thật tốt với những người thân
Chúng ta khi ở chỗ làm việc, đa số đối với ông chủ thì rất cung kính, đối với đồng sự thì hòa ái, gần gũi, đối với người lạ thì lễ phép. Nhưng bạn có phát hiện ra, thường thường khi vừa về đến nhà, chỉ nói vài câu là đã cáu kỉnh với người nhà.
Chúng ta đối với người thân thường có quá nhiều yêu cầu, quá nhiều bắt bẻ, hơi không vừa ý là giận dữ. Nhưng người nhà thì dù sao cũng cùng huyết thống, cho nên dù chúng ta có giận dữ như thế nào, cuối cùng họ vẫn có thể tha thứ cho chúng ta, cũng chính vì vậy mà làm cho nhiều người tính tình càng ngày càng khó chịu, càng ngày càng không kiêng nể gì.
Tục ngữ nói: “Tích thủy chi ân, dũng tuyền dĩ báo”, nhận một giọt nước ân nghĩa, thì phải dùng cả con suối để đáp đền, đối với sự ủng hộ và giúp đỡ vô điều kiện của người nhà, chúng ta phải có lòng cảm ơn sâu sắc.
Bởi vì cha mẹ ngậm đắng nuốt cay bao năm như vậy, vất vả nhường nào mới có thể nuôi dưỡng chúng ta thành người. Nỗi khổ cực này, chỉ khi nào chúng ta đã làm cha làm mẹ rồi thì mới có thể hiểu được.
Bởi vậy dù cho có nóng tính thế nào, cũng phải tránh nổi giận lung tung, cố gắng nhẫn chịu chờ cho cảm xúc trôi qua, cha mẹ vì thế cũng sẽ tôn trọng ý kiến của chúng ta hơn.
Cho nên đối xử với người nhà cũng là việc mà chúng ta sẽ phải học cả đời. Khi chúng ta học được cách biết ơn, thì chúng ta mới có thể kiểm soát được tính khí của mình.
2. Bản sự càng lớn, cái tôi càng nhỏ
Một người có bản sự càng lớn, thì thông thường cái tôi lại rất nhỏ; bản sự càng nhỏ, cái tôi lại càng lớn. Bởi vì lúc mà một người nóng giận, nói cho cùng, đó là do bản thân cảm thấy bất lực và bị những nỗi thống khổ nhấn chìm.
Trong những năm Chính Đức triều đại nhà Minh, Ninh Vương tạo phản, Vương Dương Minh chỉ mất một tháng đã nhanh chóng dẹp yên được phản loạn, tránh được tổn thất cho quốc gia.
Nhưng Vương Dương Minh lại bị những vị quan khác đố kỵ, vu oan ông cấu kết với Ninh Vương, do việc không thành, nên mới bán đứng Ninh Vương để tự bảo vệ mình.
Bình định phản loạn công lao thật to lớn, nhưng Vương Dương Minh lại không được để ý tới, còn bị người ta hãm hại. Nhưng đối mặt với tình cảnh như vậy, Vương Dương Minh lại không căm tức chút nào.
Ông sau đó đi tìm Trương Vĩnh, dồn toàn bộ công lao cho ông ta. Sau đó Vương Dương Minh đi vào ở trong chùa. Nhờ có tâm thái bình thản, ông đã nhẹ nhàng hóa giải hết mọi tai họa.
Vương Dương Minh cho rằng, con người phải biết tự kiểm soát chính mình, chỉ động não, không động tâm. Bởi vì động não mới có thể tìm được cách để giải quyết vấn đề, còn nếu động tâm, thì sẽ lập tức bị cảm xúc dẫn dắt, từ đó mà hỏng việc.
Một người càng nóng giận, thì lại càng không tìm thấy điểm mấu chốt để giải quyết vấn đề, sẽ làm cho sự tình ngày càng tệ hơn. Chỉ có cách khống chế thật vững cái tâm của mình, tỉnh táo phân tích vấn đề, từ đó mà tìm ra được phương cách để giải quyết nó.
3. Cuộc sống không phải là để tức giận
Có một vị thiền sư nổi tiếng thích hoa lan, ông trồng được rất nhiều loại quý hiếm, thường ngày ngoài việc giảng kinh thuyết pháp, còn lại ông dồn hết tâm sức để chăm hoa lan.
Một ngày, vị thiền sư muốn ra ngoài dạo chơi một lát, trước khi đi, ông dặn đệ tử ở nhà phải chăm sóc hoa lan cho tốt. Kết quả có một người đệ tử lúc tưới nước, không cẩn thận bị trượt chân, làm cho chậu hoa lan rớt xuống đất vỡ thành từng mảnh, hoa lan cũng rơi lả tả trên mặt đất.
Người đệ tử lúc ấy sợ hãi nghĩ: “Sư phụ trở về mà nhìn thấy cảnh tượng này, không biết là sẽ tức giận như thế nào?”.
Vị thiền sư sau khi trở về, người đệ tử lập tức quỳ gối trước mặt sư phụ, xin bị trách phạt. Nhưng không ngờ, vị thiền sư chẳng những không tức giận, ngược lại còn nhẹ nhàng an ủi đệ tử, nói: “Ta chăm hoa lan, không phải là để tức giận”.
Phạm Trọng Yêm nói: “Không vì ngoại cảnh mà vui, không vì bản thân mà buồn”. Đối với ngoại cảnh, không để trong lòng, được mất tùy duyên, bảo trì nội tâm an ổn và bình tĩnh.
Bởi vì vạn vật đều có sinh có diệt, ngay cả đời người, cũng chỉ sống được mấy mươi năm, chớp mắt là đã trôi qua, nhân sinh ngắn ngủi, vậy vì cớ gì lại không sống cho vui vẻ?
Phật gia gọi cơn nóng giận là “Hỏa thiêu công đức lâm”, tức là chỉ cần một cơn thịnh nộ, có thể thiêu rụi cả rừng phúc lộc và công đức.
Bởi vậy, khi chúng ta gặp phải việc không như ý, hãy tĩnh tâm lại mà nói với chính mình: “Không sao, mọi việc rồi cũng sẽ qua thôi!“. Sống vui vẻ mỗi ngày, mới không uổng phí một kiếp nhân sinh.
Chân Chân biên dịch