Mặc dù Ebola khó có thể bùng phát ở Mỹ, ngay cả khi trường hợp đầu tiên chuẩn đoán dương tính với virus chết người này xuất hiện trên đất Hoa Kỳ, nhưng tác giả David Quammen chỉ ra rằng nhân loại chúng ta cần chung sức giúp đỡ người dân Tây Phi.
Virus Ebola đã giết chết hơn 3.400 người, lây nhiễm cho hàng ngàn người khác và tiếp tục lây lan với tốc độ ngoài tầm kiểm soát, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo.
Phát biểu tại nhà ở Montana, Quammen, tác giả của cuốn sách “Ebola: Thiên nhiên và lịch sử loài người”, đã thuật lại việc ông ngồi bên lửa trại và lần đầu tiên nghe kể về dịch bệnh khi ở Gabon như thế nào, về việc các thầy phù thủy và khoa học gia ở Tây Phi thường tranh cãi ra sao, và tại sao chúng ta nên cố gắng đặt bản thân mình vào tình thế đói nghèo mà nhiều người dân Tây Phi đang phải đương đầu.
Chúng ta nên quan tâm đến trường hợp Ebola đầu tiên ở Mỹ ở mức độ nào?
Chúng ta không nên lo lắng cho bản thân mình mà cần nghĩ nhiều hơn về người dân Tây Phi. Loại virus này không dễ lây truyền từ người sang người, phải tiếp xúc trực tiếp với chất dịch của cơ thể người mắc bệnh. Bệnh có thể phòng tránh với điều kiện bệnh viện và điều dưỡng tốt như trang bị mặt nạ, kính bảo hộ, găng tay cao su, v.v…
Khả năng Ebola thoát khỏi chiến dịch cách ly và bài trừ của Mỹ là rất thấp. Nếu năm tới nhân loại bị hủy diệt thì khả năng chúng ta chết vì dịch cúm cao hơn do nhiễm virus Ebola. Nhưng chúng ta vẫn rất cần quan tâm đến những gì đang diễn ra ở Tây Phi.
Câu hỏi tiếp theo: Tại sao người dân ở Tây Phi lại chạm vào cơ thể hay nhận chất dịch cơ thể của những người khác? Dịch Ebola đang lây truyền như thế nào? Và tại sao?
Sự bùng phát nghiêm trọng của dịch bệnh này ở Tây Phi không chỉ phản ánh khả năng lây lan của nó, mà còn chỉ ra hoàn cảnh đáng buồn về sự nghèo đói, thiếu thốn triền miên các dịch vụ y tế, cơ sở hạ tầng, và nguồn hàng nơi đây. Qua đó chúng ta thấy rằng, cần cố gắng lắm mới hình dung ra được cái nghèo ở châu Phi. Một trong những hệ quả của sự đói nghèo ở châu Phi là virus Ebola bùng phát hiện nay có thể trở thành một đại dịch, đặc biệt tại đất nước như Liberia hay Sierra Leone, nơi đã trải qua rất nhiều bất ổn chính trị, quản lý yếu kém và thiếu các nguồn tài nguyên y tế.
Dịch bệnh ngày càng lan rộng vì người dân Tây Phi tự chăm sóc cho thân nhân nhiễm Ebola ở nhà. Họ tiếp xúc, cho ăn, tắm rửa cho bệnh nhân, họ còn dọn dẹp những chất nôn mửa và tiêu chảy do Ebola gây ra. Đây là tình huống kinh điển mà ngay cả các nhân viên y tế cũng bị lây qua đường này.
Ngoài ra, ở Tây Phi có những tục lệ mai táng liên quan đến việc tắm rửa cho thi thể người chết, nhiều khi còn làm sạch các lỗ bài tiết trên cơ thể. Trong một số đám tang còn có tục lệ chạm vào hoặc hôn tử thi lần cuối. Và một trong những điều đặc biệt kinh sợ về dịch Ebola là virus vẫn tiếp tục sống trong cơ thể người chết một khoảng thời gian sau đó. Ebola vẫn hoạt động sau khi người ta đã chết một hoặc hai ngày. Vì vậy, các nghi thức hay thủ tục tang lễ có thể là một nhân tố quan trọng đẩy dịch bệnh lây lan.
Dịch bệnh lan truyền qua nhiều tình huống ghê rợn, nhưng nghèo là nguyên nhân chính.
Có phải cách nhìn nhận về dịch bệnh vẫn còn bị ảnh hưởng bởi văn hóa không? Một sự bất đồng giữa ma thuật và khoa học.
Điều đó hoàn toàn đúng. Tôi thạo về khía cạnh này khi nói về các dân tộc thiểu số ở Trung Phi hơn là Tây Phi. Nhưng cả hai vùng đều có chung có một niềm tin rằng những bệnh dịch vô hình bí ẩn do yêu thuật và ma quỷ gây ra – điều mà chúng ta có thể gọi là “bỏ bùa” lên người.
Người dân ở đây tin rằng nếu người nào có may mắn về tài chính và không chia sẻ may mắn đó cho người khác thì khi người đó bị sốt một cách bí ẩn và chết, người ta thường nói rằng: “A ha, do hắn keo kiệt nên quỷ thần tới lấy mạng hắn đi”. Ngoài ra trong một số nền văn hóa còn tin rằng nếu ai đó không chia sẻ, người khác sẽ điều khiển các linh hồn ma quỷ bắt người đó đi. Có rất nhiều tín ngưỡng khác nhau trong các nền văn hóa đều liên quan đến yêu thuật. Điều đó chỉ làm tăng thêm sự nhầm lẫn và khả năng lây lan của bệnh.
Ebola xuất hiện lần đầu tiên ở đâu và khi nào?
Các ổ dịch đầu tiên được phát hiện tại Trung Phi vào năm 1976: một ở Zaire (ngày nay là nước Cộng hòa Dân chủ Congo) và một ở Sudan. Ổ dịch ở Zaire được biết đến nhiều hơn. Nó bắt đầu ở Yambuku, một thị trấn nhỏ phía bắc trung tâm Zaire. Người dân ở đây đột nhiên bị chết với những triệu chứng khủng khiếp, nhưng không ai biết đó là gì. Một nhóm nghiên cứu quốc tế do Karl Johnson dẫn đầu đã tiến hành nghiên cứu, và xác định được đây là một loại virus. Họ đặt tên cho nó bằng tên một con sông gần đó, sông Ebola.
Trong một bài viết, ông nói rằng “mỗi căn bệnh xuất hiện gần đây đều có nguồn gốc bí hiểm”. Vậy ẩn đố đằng sau Ebola là gì?
Có một vài điều bí ẩn. Thắc mắc lớn nhất là: Nó sống ở đâu khi chưa giết người? Nói cách khác, vật chủ của nó là gì? Sinh vật nào trong rừng rậm châu Phi có thể mang con virus này trên mình liên tục trong một thời gian dài như vậy? Virus chắc chắn phải có nơi trú ngụ. Chúng chỉ có thể sinh trưởng bên trong cơ thể của vật sống. Do đó, khi virus Ebola biến mất giữa những đại dịch, nó phải nương náu trong một vật chủ nào đó, chẳng hạn như một số loài động vật.
Tuy nhiên sau 38 năm kể từ trận đại dịch đầu tiên, các nhà khoa học vẫn chưa xác định chắc chắn được vật chủ của Ebola là gì.
Người ta nghi ngờ rằng ít nhất một trong những vật chủ của nó là loài dơi ăn trái cây. Các kháng thể chống lại Ebola đã được tìm thấy, nhưng chưa ai từng chiết xuất được virus Ebola còn sống từ một con dơi ăn trái cây hay từ bất kỳ sinh vật nào khác. Vì vậy chúng ta vẫn không biết nó sống ở đâu. Từ giờ tới lúc đó, chúng ta không thể tiên đoán hay đón đầu được trận đại dịch tiếp theo.
Ông tiếp xúc với Ebola lần đầu tiên khi đồng hành cùng Michael Fay trong chuyến thám hiểm Megatransec vào năm 1999. Xin ông kể lại tình huống lúc bấy giờ.
Michael là một nhà sinh thái học người Mỹ gan dạ và có máu phiêu lưu, ông đã quyết tâm đi bộ hơn 3.000 km xuyên qua vùng rừng rậm duy nhất chưa ai đặt chân tới ở Trung Phi mà chỉ mang giày xăng-đan và quần đùi. [Cười] Và ông đã hoàn thành chuyến đi trong 456 ngày, đo đạc những thứ ông thấy, ghi chép về sự sống của các loài động thực vật.
Tôi là 1 trong hai người được chương trình National Geographic cử theo để viết tài liệu cho chuyến thám hiểm này.
Người còn lại là nhiếp ảnh gia Nick Nichols. Chúng tôi đã đi bộ nhiều chặng đường dài cùng Mike. Chúng tôi đã băng qua một khu rừng ở miền đông bắc Gabon, được biết đến như là hang ổ của Ebola. Một trận bùng phát Ebola cách đó không lâu đã cướp đi hàng chục sinh mạng. Đó là một trận dịch kinh hoàng, khét tiếng trong lịch sử y học. Tôi đã đọc về nó trước khi đến đó.
Và trong đêm đầu tiên ngồi bên lửa trại, tôi gặp hai người dân bản xứ Gabon được Mike thuê dẫn đường. Họ đã kể chuyện bằng tiếng Pháp về khoảng thời gian khi dịch Ebola ập xuống ngôi làng, giết chết bạn bè và người thân của họ–nghe mà nổi hết da gà. Sau đó trong chuyến đi, một người trong số họ đã nhắc đến sự việc rất kỳ lạ. Ông ta nói với tôi rằng khi trận dịch bùng phát ở ngôi làng, họ còn tìm thấy xác của 13 con khỉ đột trong khu rừng gần đó.
Chuyện này thu hút sự tò mò của tôi. Nhờ vốn kiến thức khoa học, tôi biết rằng Ebola gây tử vong cho khỉ đột, vượn cũng như con người. Nhưng sự việc trực tiếp thể hiện rằng căn bệnh này có một mối liên hệ giữa con người, khỉ đột, vượn và cả khu rừng đó nữa.
Thiên Hà, Hiri – Theo National Geographic