Ngoài những công trình cổ nổi tiếng thế giới như Kim Tự Tháp Ai Cập, vòng đá Stonehenge,… những những ngôi mộ cự thạch ở khu vực Biển Đen, nước Nga, một công trình nhỏ hơn nhưng không kém phần quan trọng, lại ít được biết đến.
Có nhiều ngôi mộ cự thạch như vậy trải khắp thế giới với các hình dạng khác nhau, và khoảng 3.000 cái trong số đó đang toạ lạc ở Tây Caucasus – đặc biệt là gần Biển Đen ở nước Nga.
Nhiều mộ đá khác toạ lạc gần thành phố Sochi, nước Nga. Thỉnh thoảng chúng được gọi là “nhà của người lùn” hoặc “nhà của hobbit” vì kích thước của chúng khá nhỏ và thấp. Những “ngôi nhà” này đã và đang hấp dẫn các nhà khoa học từ khi được khám phá lần đầu năm 1911 tại Krasnaya Polyana, Nga.
Nguồn gốc và công dụng của chúng cho đến nay vẫn vô cùng bí ẩn.
Trước tiên, các nhà khoa học chưa thể hiểu rõ chúng được xây dựng bằng cách nào. Nhiều người còn cho rằng chúng không phải do chủng người hiện nay làm ra mà có thể là một chủng người khổng lồ nào đó, hoặc thậm chí là người ngoài hành tinh xây dựng nên.
Về mục đích của những mộ đá này, các nhà khoa học dòng chính đưa ra giả thuyết chúng được dùng để mai táng người chết, vì họ phát hiện nhiều xương cốt được chôn cất bên trong. Một số nhà khoa học tin rằng những mộ đá này được xây trong thời kỳ Đồ đồng đầu tiên hoặc khoảng năm 3.000 TCN.
Giả thuyết này được đưa ra sau khi họ phân tích một số vật phẩm chôn theo người chết như hạt cườm, dao găm bằng đồng và các đồ vật bằng đất sét.
Tuy nhiên, việc xác định niên đại các bộ xương cùng các xét nghiệm do những nhà khoa học khác tiến hành đã hé lộ rằng các mộ đá này được xây dựng sớm hơn so với thời điểm chúng được dùng để mai táng – đó là vào khoảng 25.000 năm trước. Điều này gợi lên một câu hỏi – phải chăng chúng được xây dựng với mục đích khác, rồi mới được những người phát hiện sau này dùng cho việc mai táng?
Mỗi mộ đá trên khu vực Biển Đen đều có vẻ ngoài rất giống nhau. Chúng có cấu trúc hình khối vuông với bốn bức tường thấp hơn một chút so với chiều cao trung bình của người trưởng thành, có một mái nhà và một lỗ tròn hoàn hảo ở giữa cùng một chốt vừa khít lỗ.
Mỗi cấu trúc có trọng lượng từ 15 đến 30 tấn. Không ai có thể tìm được bất kỳ manh mối nào về cách thức mà những người xây dựng vận chuyển các khối đá đến vị trí ẩn sâu trong rừng như thế.
Những bức tường đá này có góc vuông 90 độ hoàn hảo và được xếp chồng khít đến mức bạn không thể nào nhét một lưỡi dao lam mỏng vào khe giữa các mối ghép.
Một số mộ đá được sắp xếp theo các điểm chí (đông chí, hạ chí) và điểm phân (xuân phân, thu phân) cho thấy sự kết nối với những địa điểm thiêng liêng khác. Điều này ủng hộ giả thuyết rằng mục đích của chúng có thể được dùng cho các nghi lễ.
Bên cạnh đó, trên vùng núi Caucasus (dãy núi ở Nga, nằm giữa châu Âu và châu Á) có một truyền thuyết kể rằng ngày xưa có một chủng người khổng lồ sống trên ngọn núi này. Họ là những người tử tế và tráng kiện. Ngoài ra, cũng có một chủng người nhỏ bé, hằn học ở gần họ. Những người này rất láu lỉnh, xảo quyệt và hay than vãn nên bị những người hàng xóm xua đuổi.
Những người khổng lồ đã cho họ nơi trú ẩn và một phần đất đai. Người khổng lồ còn rất tử tế khi làm cho những vị khách này những ngôi nhà bằng đá và còn cõng họ trên vai đến những nơi đẹp đẽ, khô ráo nhất, hay bên những bờ sông, bờ hồ.
Tuy nhiên, sau đó những người tí hon lại lấy oán để báo ơn người khổng lồ. Để chế ngự người khổng lồ, người tí hon đã làm họ bị mù rồi đem cho họ nhiều loại thảo dược khác nhau nhưng cũng vì chúng, người khổng lồ bắt đầu mất trí và xung đột lẫn nhau.
Khi những người khổng lồ thoát khỏi được bùa mê của người tí hon, một cuộc chiến đã diễn ra, kết quả là tất cả họ đều mất mạng, chỉ những ngôi nhà bằng đá là còn tồn tại cho đến ngày nay.
Video về các ngôi mộ đá ở Nga:
>>> Bí ẩn Monte Albán – Thành cổ đồ sộ nằm trên một đỉnh núi bị san phẳng
>>> Ẩn đố khảo cổ về những ngôi nhà rồng đồ sộ ở Hy Lạp
Hồng Liên, theo HAF