Tinh Hoa

Mesolithic: 9.000 năm trước người cổ đại đã thực hiện nghi lễ và theo dõi thiên văn

Nhóm khảo cổ đã phát hiện bằng chứng cho thấy các nghi lễ và có khả năng là cả hoạt động thiên văn đã được thực hiện ở phía Tây Pomerania, có niên đại từ thời kỳ Mesolithic, ít nhất là 9.000 năm trước, tờ PAP thuộc chương trình Khoa học và Học bổng tại Ba Lan đưa tin. 

Các bằng chứng này được phát hiện ở Bolków gần hồ Świdwie, phía Tây Pomerania, nơi các nhà khảo cổ thuộc Viện Khảo cổ học và Dân tộc học ở Szczecin, Ba Lan đã khám phá ra một điểm tiến hành nghi lễ thời kỳ Mesolithic. Nơi đây đã trở nên nổi tiếng vào đầu năm nay, khi các nhà nghiên cứu phát hiện ra túp lều chứa một mảnh thiên thạch cùng với rất nhiều các vật dụng tế lễ, bao gồm một tấm bùa hộ mệnh, “cây gậy ma thuật” làm từ gạc hươu, được trang trí những hoa văn hình học và một ngọn giáo làm bằng xương có chạm trổ.      

Bộ sưu tập vật dụng này khiến nhóm nghiên cứu tin rằng đây là nơi mà các cư dân cổ đại dùng để tiến hành một số hình thức lễ nghi hoặc tín ngưỡng.  

Mảnh thiên thạch được chụp từ những góc độ khác nhau. Ảnh: Nauka w Polsce    

Nhóm khảo cổ tiếp tục khai quật nơi này và tìm ra phần còn lại của hai kiến trúc có hình cây thông và hình cây dương cao khoảng 1,5 mét. Bên trong các kiến trúc này, các nhà khảo cổ tìm thấy một túi chứa những mẩu gỗ thông và phong, xương động vật, vài nắm cỏ. “Những phát hiện này là bằng chứng trực tiếp và rõ ràng về sự gắn bó chặt chẽ giữa các tín ngưỡng và nghi thức xã hội thời kỳ Mesolithic với thế giới động – thực vật. Cái bọc tìm thấy chứa các thành phần chủ yếu của môi trường sống lúc bấy giờ”, giáo sư Tadeusz Galinski, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.    

  Bảy lưỡi kiếm thủy tùng được chôn vào lòng đất trong một mô hình đặc biệt giống như chòm sao Ursa Major. Ảnh:adeusz Galinski      
Chòm sao Ursa Major. Ảnh: Manfred Wassmann

Ngoài các kiến trúc trên,nhóm nghiên cứu còn tìm thấy bảy thân cây thủy tùng hoàn toàn nguyên vẹn được chôn vào lòng đất với cách bài trí rất đặc biệt. Theo Giáo sư Galinski, mô hình này giống với chòm sao được gọi là Ursa Major (Gấu Lớn) – trong đó ngôi sao sáng nhất của nó có tên sao Bắc Đẩu.  

Các nhà khảo cổ tin rằng việc phát hiện ra mảnh thiên thạch và vật dụng tế lễ cùng với những khám phá có thể thuộc về thiên văn học, cho thấy rằng pháp sư đóng vai trò quan trọng đối với cộng đồng thời kỳ Mesolithic và trong việc hình thành mối quan tâm đến những bí ẩn của bầu trời cũng như tôn kính các yếu tố đặc biệt của thế giới tự nhiên.

Bùi Hương, Hiri@Tinhhoa.net

Theo acient-origins.net