Người ta thường hay tặng nhau chữ “An” vào dịp năm mới, nhưng hàm nghĩa sâu sắc của chữ “An” thì không phải ai cũng hiểu…
Năm Đinh Dậu là năm con gà, một con vật rất đỗi quen thuộc với dân gian Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng quê. Con gà gắn liền với những công việc đồng áng, chợ búa, chăn nuôi hàng ngày của người dân. Gà vốn là một con vật mạnh dạn, linh hoạt, nhanh nhẹn, nên người tuổi gà cũng là những người thẳng thắn, hoạt bát, xông xáo.
Năm Đinh Dậu là thuộc về mệnh Hỏa, vậy nên đây có thể là một năm với rất nhiều vấn đề nóng hổi, biến động. Chính vì thế, gia đình xã hội hẳn là cần một chữ “An”. Theo truyền thống xưa thì khi xin chữ ông đồ, người ta hay xin chữ Hán cổ, vậy chúng ta hãy thử phân tích chữ “An” theo Hán tự:
Chữ An (安) phía trên là bộ Miên (宀), phía dưới là bộ Nữ (女). Bộ nữ mô tả tư thế yểu điệu nữ tính của người con gái thời xưa, chân hơi khụy xuống, mặt nghiêng, hai tay để về một bên hông. Miên nghĩa là mái nhà, trông giống cái mái che. Người phụ nữ ở trong nhà chính là chỉ chữ “An”.
Ngày nay người ta hay giải nghĩa chữ “An” với hàm ý là người phụ nữ mà ở trong nhà thì rất an toàn, sẽ được người đàn ông che chở. Tuy nhiên chữ “An” không hề giới hạn ở tầng nghĩa đó. Người xưa quan niệm rằng, người phụ nữ cần đảm đương lo liệu việc nhà, để người đàn ông yên tâm ra ngoài làm việc lớn. Điều này không có ý hạ thấp người phụ nữ, mà chính là ý rằng: Nhà phải yên thì nước mới yên. Mái nhà có người phụ nữ chăm nom thì mới được an định. Đó chính là chữ “An”.
Trong thời buổi hiện đại, trào lưu “nam nữ bình quyền” và “giải phóng phụ nữ” lên cao, nhưng thực tế nó đi kèm rất nhiều hệ lụy. Bởi vì nam nữ bình quyền mà người phụ nữ bị bóc lột nhiều hơn, mang nhiều gánh nặng hơn. Đơn cử như ở xã hội Việt Nam, người phụ nữ vừa phải lo gánh nặng kinh tế, vừa phải lo gánh nặng gia đình, chăm lo chồng con. Vì để chứng minh rằng mình không thua kém đàn ông nên người phụ nữ phải xắn tay áo làm những công việc nặng nhọc, và người ta sẵn sàng dành cho phụ nữ những công việc nặng nhọc.
Vì để “có tiếng nói” với đàn ông nên người phụ nữ không còn nhu thuận, mà sẵn sàng nhảy vào những cuộc tranh cãi nảy lửa khiến cho hôn nhân tan vỡ. Có một nghịch lý là, “giải phóng” càng nhiều, kinh tế càng độc lập, người phụ nữ càng “giỏi giang”, càng “mạnh mẽ”, thì trong xã hội tỷ lệ ly hôn lại càng tăng.
Nhưng khôi phục giá trị truyền thống lại không phải có ý hạ thấp phụ nữ. Vắng người đàn ông như nhà không có nóc, vắng người phụ nữ thì nhà chẳng còn là nhà. Trong xã hội thì người già, phụ nữ, trẻ em luôn phải nhận được sự quan tâm ưu ái, đó là lẽ thường tình của nhân tính chứ không phải là phân biệt đối xử gì.
Khôi phục chữ “An” trong gia đình chính là sự quay trở về của những giá trị truyền thống chân chính: người phụ nữ đối nội, người đàn ông đối ngoại, người phụ nữ nhu thuận đảm đang, người đàn ông mạnh mẽ xốc vác. Âm dương hòa hợp, đó mới chính là cái Đạo của Trời đất vậy.
Nếu như chữ “An” nhắc chúng ta quay trở lại những giá trị truyền thống của gia đình, thì nó cũng nhắn nhủ chúng ta phải phục hưng lại các chuẩn mực đạo đức của xã hội nhân loại. Muốn nhân tâm cùng hướng, xã hội an định thì người người chắc chắn phải tu đức, từ quan đến dân đều phải biết ước chế câu thúc bản thân.
Thời nay người ta thường hay lấy lý do phát triển kinh tế, làm giàu để bỏ qua các giá trị đạo đức, và cho rằng “phú quý sinh lễ nghĩa” – khi con người ta giàu lên thì tự sẽ biết tu chính bản thân. Tuy nhiên, lẽ thường thì những gì đã mất sẽ khó mà có lại, bát nước đổ đi làm sao lấy lại được đây? Lập thì khó mà phá thì dễ. Liệu một người có thể tự biết sửa mình không khi vị trí của anh ta là nhờ vứt bỏ các giá trị đạo đức mà có được?
Ấy vậy nên để xã hội an định, đất nước phát triển bền vững, dân tộc trở nên văn minh hơn, thì tất phải tu đức. Có đức thì mới có “An” được.
Năm Đinh Dậu, tặng bạn một chữ “An” không phải là mong bình an sẽ đến với bạn, mà mong rằng bạn sẽ tự mình tìm kiếm được bình an trong những giá trị văn hóa truyền thống sâu sắc…
Theo Trithucvn.net