Vì sự việc quái dị nơi ông Cường thì công đã ảnh hưởng đến nhiều người, nên các chuyên gia khoa học và nhà ngoại cảm đã vào cuộc tìm hiểu, cuối cùng đưa ra kết luận…
Đến cuối năm 2001, tại công trường chỉ còn lại mấy công nhân thân thiết với ông Cường, nhưng mọi việc vẫn không khả quan, cứ xây chắn nước đến đâu là vỡ đến đó. Vì sự việc này đã ảnh hưởng đến nhiều người nên lúc đó báo chí có đăng bài về những việc kỳ bí xung quanh công trình sông Tô Lịch đoạn qua làng An phú này, ngay cả viện tâm lý, bảo tàng Hà Nội rồi đến các nhà ngoại cảm cận tâm lý cũng tổ chức các cuộc thảo luận tại công trình.
Các nhà khảo cổ và sử học giải thích rằng đoạn sông Tô Lịch này là di tích nằm trong quần thể chính của Tây thành Đại La, còn các nhà tâm linh thì nói nơi đây là trận đồ trấn yểm tà ma, đã giam giữ rất nhiều ma quỷ, những bộ xương được tìm thấy rất có thể là xương người bị tế sống chôn lúc làm lễ trấn yểm. Bởi vì ông Cường đã mạo phạm đến chỗ của họ nên mới bị ma quỷ ám, những người tham gia đều phải chịu vận rủi, đây chính là sự trừng phạt. Lúc đó ông Cường nói: “Chuyện thánh thần ma quỷ không ai nhìn thấy, nhưng những sự rủi ro mà chúng tôi gánh và chịu đựng thì quá đáng sợ.”
Đổ cả gia tài vào công trình nên phải làm đến cùng
Sau đó không lâu, một công nhân tên Thủy, quê ở Ninh Bình xuống lòng sông để chặt cọc gỗ, tiếp tục thi công công trình, thì ngay trong đêm đó anh đột nhiên phát sốt nặng, phải chuyển đến bệnh viện. Mọi việc chưa dừng lại, sáng hôm sau anh Thủy nhận được cuộc gọi từ người nhà báo rằng mẹ anh ở quê bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, đang đau buồn thì ngay chiều hôm đó anh nghe tin đứa con đang học lớp 7 của anh ngã từ trên hè xuống sân bị gãy xương đùi. Điều kỳ lạ là từ hè xuống sân cao chỉ chênh nhau 30cm.
Qua ngày hôm sau mẹ anh bị đứt mạch máu não, tâm trạng lúc đó của anh rất khó tả, mặc dù còn đang sốt nhưng anh vẫn vùng dậy chạy vào ngôi đền bên bờ sông làm lễ rồi mới bỏ về quê. Ông Cường cho biết thêm: “Sau này tôi mới biết gia đình anh còn gặp nhiều chuyện không may nữa, phải cúng lễ nhiều anh mới sống sót được.”
Ông Cường lúc này cũng tiến thoái lưỡng nan, bởi vì ông đã bỏ hết vốn liếng vào công trình lần này, ông nói: “Nếu bỏ đi thì không chỉ chết mình tôi mà còn chết cả nhà, cả họ”. Ông bức xúc chia sẻ: sự việc này không phải nhỏ, nhiều người đã biết đến, báo chí cũng đưa tin, nhưng khi ông báo cáo việc này với phía công ty chủ thầu thì không những giám đốc không quan tâm giúp đỡ mà còn nhạo báng chê trách ông Cường. Cho nên ông quyết tâm: “Vì vốn liếng, vì sĩ diện của một kỹ sư xây dựng tôi bàn với anh em thân tín quyết tâm làm đến cùng.”
Thầy pháp cao tay lập đàn tràng giải trận đồ
Tuy nhiên trong công ty vẫn có một vị lãnh đạo rất thông cảm và ủng hộ ông, người này hỗ trợ ông Cường tìm các thầy cúng có danh tiếng khác để trừ tà. Trong đó có một người gọi là thầy Mão, nhà ở Vĩnh tuy, Hà nội. Sau nhiều lần đến mời thì đến tháng 6/2002, thầy Mão mới đồng ý đến công trường làm lễ, lập đàn tràng giải trận đồ bát quái.
Lần này đàn tràng làm rất lớn, có lễ mặn, hoa quả, hương án, cờ phướn, không thiếu thứ gì. Toàn bộ ban lãnh đạo công ty điều đến dự duy chỉ có ông giám đốc lúc trước cười nhạo ông Cường là không đến. Trong 2 ngày, 2 đêm cúng lễ có hàng trăm người đến xem, vô cùng náo nhiệt.
Sau khi làm lễ xong thầy Mão nói: “Cậu đào khúc sông này là cậu khổ rùi. Bây giờ cậu có thể làm xong việc, nhưng nhà cậu sẽ gặp nhiều tai vạ lớn, cậu sẽ mất tất cả những gì quý giá nhất, anh em cậu sẽ tan gia bại sản, gặp nhiều sự oan khuất. Tôi làm lễ cho cậu tôi sẽ bị trả giá. Mặc dù tôi không chết nhưng tôi e rằng sẽ không được như trước.”
Vừa về đến nhà thì thầy Mão đột nhiên ngất lịm đi. Trong khoảng nửa tháng sau đó, ông Mão lúc mê lúc tỉnh, lúc thì kêu đau đầu, lúc thì kêu khó chịu trong người… người nhà thầy Mão liên tục đưa ông đi khắp các bệnh viện, nhưng không bác sĩ nào biết ông bệnh gì, cứ vậy mãi sau ông mới tự khỏi, nhưng từ đó sức khỏe yếu hẳn đi. Qua sự việc lần này ông Cường mới tin chắc rằng cái chết của thầy Thích Vân Thành ở chùa Hương lúc trước là do lập đàn tràng phá giải trận đồ trên sông Tô Lịch.
Nhưng lần này rất lạ, là vì sau khi thầy Mão làm lễ xong thì mọi việc trên công trình tiến triển có vẻ thuận lợi hơn, nước không chèn vào, kè đập cũng không bị sụt lở. Cứ như thế nhóm của ông Cường làm được ngần 150m dài, quá 1/3 đoạn sông mà ông đã nhận. Đến đây thì ông Cường quyết định dừng lại, vì ông đã kiệt sức cộng thêm vốn liếng đã cạn, không thể vay mượn thêm được nữa.
Gặp vận rủi khi lấy đồ của người âm
Nhưng tai họa thì không dừng lại, khi ông Cường định cho các công nhân nghỉ việc thì một người công nhân đột nhiên lên cơn động kinh ngay tại công trường, mắt hoàn toàn mất ý thức, miệng sủi bọt mép. Khi hết co giật thì người này vẫn mê sảng miệng nói lẩm nhẩm câu khó hiểu: “Trả tao đây, trả tao đây”.
Ngày hôm sau, tức ngày 24/7/2002 một cán bộ ủy ban dân tộc trung ương, tên là Tuấn đến tìm ông Cường. Vào năm ngoái khi đội thi công của ông Cường có vớt lên một số cổ vật từ dưới sông, ông Tuấn có đến xin Cường một cái bát hoa cúc thời nhà Lý, ông mang về để trong nhà trang trí, nhưng cũng từ lúc đó gia đình ông luôn lục đục, làm ăn thất bại.
Khi đi qua Lào công tác, một ông thầy cúng vừa nhìn thấy ông Tuấn thì hoảng hốt nói: “Anh có cầm vật gì của người âm không ? “ Ông trả lời: “Không có ạ”. Ông thầy cúng lắc đầu: ”Anh phải nhớ lại thật kỹ đi, tôi thấy sau lưng anh có rất nhiều người âm đang đòi anh cái gì đấy, hình như là bát ăn cơm thì phải. Anh lấy của họ dưới sông làm cho họ không có bát ăn cơm. Anh phải trả họ ngay không thì gay go đấy.”
Lúc này ông Tuấn chợt nhớ lại chuyện cái bát, toát cả mồ hôi, ông đành bỏ dở chuyến công tác, quay về Hà Nội sắm sửa lễ tạ tội và trả cái bát vào dòng sông Tô Lịch đúng chỗ đội thi công của ông Cường đã vớt lên.
(Còn tiếp)
Tử Vi (s/t)