Cao Biền, một bậc thầy phong thủy nhà Đường, khi đi sứ tới An Nam, nhận thấy làng Cổ Pháp là nơi sẽ sinh ra bậc đế vương, liền ra tay “cắt đứt long mạch”. Tuy nhiên, sự việc này đã không qua mắt được một vị thiền sư thời đó.
Theo sách “Thiền Uyển tập anh” ghi chép thì vào thời nhà Đường ở Trung Quốc, vua Đường Ý Tông muốn xâm chiếm nước Nam, nhưng nhận thấy vùng đất nơi đây thời kỳ nào cũng có những nhân tài nổi lên. Vua Đường bèn tìm cách trấn yểm linh khí của nước Nam.
Năm Giáp Thân (864), vua Đường cho Cao Biền là một nhà phong thủy đại tài của Trung Quốc thời đó đến Giao Châu làm Tiết Độ Sứ. Khi đi, vua Đường dặn dò Cao Biền rằng:
“Trưng Thị là hai người đàn bà mà làm rung chuyển cả cơ nghiệp nhà Đông Hán; rồi lại Triệu Ẩu, Lý Bôn … Làm cho ta vất vả lắm mới dẹp được. Nay trẫm thấy linh khí An Nam quá thịnh, e sau có biến. Khanh đến đó trước bình giặc Nam Chiếu, sau tìm cách trấn yểm linh khí An Nam, đi và vẽ bản đồ về cho trẫm”.
Cao Biền đi khắp nơi xem xét địa thế và phát hiện có rất nhiều linh khí ở nước Nam. Khi cho xây thành Đại La bên sông Tô Lịch, biết đất ở làng Cổ Pháp có khí tượng Đế vương, Cao Biền đã cắt đứt long mạch nơi đây bằng cách đào đứt con sông Điềm (các nghiên cứu cho rằng có thể là sông Đuống ngày nay) và 19 điểm ở ao Phù Chẩn (thuộc làng Phù Chẩn, thị trấn Từ Sơn, Bắc Ninh).
Tuy nhiên, việc Cao Biền phá hoại phong thủy đã bị thiền sư nước Nam tiên đoán từ trước…
Câu chuyện bắt đầu từ thiền sư Định Không thuộc thế hệ thứ 8 thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi (diệt hỷ), ở chùa Thiện Chúng thuộc địa phận hương Dịch Bảng, phủ Thiên Đức. Khoảng niên hiệu Đường Trinh Nguyên (785-805), sư dựng chùa Quỳnh Lâm ở bản hương. Khi xây chùa, thợ làm móng đào được một bình hương và mười chiếc khánh đồng. Sư sai người đem ra sông rửa sạch, một chiếc rơi xuống sông trôi liệng mãi đến khi chạm đất mới nằm im.
Sư giải thích rằng: Thập khẩu là chữ cổ, Thủy khứ là chữ Pháp. Còn thổ là chỉ vào hương ta. Nhân đó đổi tên hương Diên Uẩn thành hương Cổ Pháp. Và có đọc hai câu thơ rằng:
Pháp khí xuất hiện thập khẩu đồng chung
Lý hưng vương tam phẩm thành công.
Dịch là:
Pháp khí hiện ra mười cái chung đồng
Họ Lý làm vua ba phẩm thành công.
Ngay từ trước khi Cao Biền nhận lệnh trấn yểm nước Nam thì năm 808, thiền sư Định Không đã cho gọi người kế tục mình là Thông Thiện đến dặn dò trước khi viên tịch rằng: “Ta muốn mở mang hương ấp, nhưng sợ ngày sau gặp nạn, tất có dị nhân đến phá hoại mạch đất của hương ta. Sau khi ta qua đời, ngươi khéo giữ đạo pháp của ta để sau gặp người họ Đinh thì truyền lại. Thế là ý nguyện của ta được toại thành”.
Vậy là vị thiền sư đã tiên đoán được việc Cao Biền phá phong thủy, và việc người kế tục đệ tử của ông sẽ mang họ Đinh.
Sau này, sư Thông Thiện gặp một đệ tử rất thông minh là Đinh La Quý. Đoán biết đây là người kế tục mình nên ông đã truyền thụ hết các sở học cho đệ tử.
Theo dân gian thì ngài La Quý tùy phương diễn hóa, nói ra lời nào đều là lời sấm truyền. Ngài rất thông tuệ, nhìn xuyên sông núi, biết rõ nguồn gốc phong thủy, biết quá khứ và tiên đoán được tương lai.
Thiền sư La Quý trụ trì chùa Song Lâm, làng Phù Linh, phủ Thiên Đức. Khi sắp tịch, Sư bảo đệ tử là Thiền Ông rằng: “Thuở trước Cao Biền xây thành (Đại La) bên sông Tô Lịch, vì biết vùng đất làng Cổ Pháp có khí tượng đế vương, nên cho đào đứt sông Diềm và những hồ ao liên hệ … đến mười chín chỗ mà yểm đó.
Nay ta đã sai Khúc Lãm lấp lại như xưa. Ta lại trồng một cây Miên (cây gạo) ở chùa Minh Châu để trấn chỗ bị đứt. Biết sau này ắt có vua hiền ra đời, để vun bồi chánh pháp. Sau khi ta tịch, ngươi nên đắp lên một nền đất, xây lên ngọn tháp, lấy pháp để kín trong ấy, chớ cho người thấy”.
Vậy việc nối lại khí tượng đế vương làng Cổ Pháp có tác dụng không? Vị đế vương làng Cổ Pháp là ai? Trong sách “Thiền Uyển tập anh” có ghi chép rằng, trước khi mất ngài La Quý có làm một bài thơ tiên đoán như sau:
Đại sơn long đầu khỉ
Cù vĩ ẩn châu minh
Thập bát tử định thiền
Miên thọ hiện long hình
Thổ kê thử nguyệt nội
Định kiên nhật xuất thanh
Dịch là:
Đại sơn đầu rồng ngửng
Đuôi cù ẩn Châu minh
Thập bát tử định thành
Bông gạo hiện long hình
Thỏ gà trong tháng chuột
Nhất định thấy trời lên
Ở câu thứ 3 “thập bát tử” tức chữ thập (+), chữ bát (八), chữ tử (子) tạo thành chữ Lý (李) ý chỉ vị vua sau này mang họ Lý. Hai câu sau nói ra vị vua này lên ngôi vào tháng chuột (tháng 11) năm gà (tức năm dậu 1009). Vị vua mang họ Lý lên ngôi vua vào tháng 11 năm 1009 chính là vua Lý Công Uẩn.
Năm 1009, trước khi Lý Công Uẩn lên ngôi, một tia sét lớn đánh vào cây bông gạo khiến cây bị gãy cành, nhưng cây không chết. Chính vì thế mà làng Diên Uẩn, Cổ Pháp còn gọi là làng Dương Lôi hay Đình Sấm. Có giả thiết cho rằng sự việc này cũng là do thầy phong thủy Trung Quốc làm.
Đúng như lời đoán trước khi mất của thiền sư La Quý, vua Lý Công Uẩn là người làng Cổ Pháp. Khi ông lên ngôi đã duy hộ Phật Pháp, dùng Phật Pháp để giáo hóa muôn dân, khiến đạo đức thăng hoa, xã hội ổn định. Kể từ đó, Đại Việt hùng mạnh, mở ra thời kỳ thịnh trị.
Sự lên ngôi của vua Lý Công Uẩn đã mở ra thời kỳ cường thịnh của Đại Việt, cũng cho thấy sự tài ba của các thiền sư Việt khi phá giải thuật phong thủy của Cao Biền.
TinhHoa tổng hợp