Hòa Thân là tham quan nổi tiếng số một trong thời Đại Thanh, cuối cùng bị Hoàng đế Gia Khánh ban cho cái chết. Trước khi chết, ông đã viết một câu thơ chú lên tấm lụa trắng, dùng để nguyền rủa vương triều nhà Thanh…
Triều đại nhà Thanh kéo dài hơn 200 năm, đã xuất hiện không ít tham quan, và Hòa Thân chính là người nổi tiếng nhất trong số đó. Theo ghi chép, Hòa Thân làm quan 30 năm, vơ vét của cải nhiều đến mức khiến người khác phải kinh sợ, số tiền tham ô lên đến 1,1 tỷ lượng bạc, tương đương thu nhập tài chính 15 năm của triều đại nhà Thanh. Cuối cùng, khi Hoàng đế Càn Long vừa qua đời 1 tháng, Hòa Thân lập tức bị Hoàng đế Gia Khánh mới lên ngôi ban cho cái chết.
Hòa Thân là người Mãn Châu, sinh ra trong gia đình quan lại bề thế. Cha ông từng làm Phó đô đốc tỉnh Phúc Kiến, nhưng cả cha và mẹ Hòa Thân đều qua đời sớm, khiến gia cảnh trở nên khốn khó. Vì thế từ nhỏ ông phải sống rất vất vả, thậm chí có những lúc ăn không đủ no, phải đi ăn nhờ ở đậu. Khi trưởng thành, Hòa Thân ngoại hình cao lớn bảnh bao, cộng với tinh thông tứ thư ngũ kinh, sử dụng được nhiều ngôn ngữ gồm: Mãn, Hán, Mông Cổ, Tây Tạng, nên sớm đã nổi tiếng trong vùng và được các bậc lão sư quý mến.
Năm 18 tuổi, vì tài hoa hơn người nên Hòa Thân đã được tổng đốc Mã Anh Liêm khen ngợi và còn gả cháu gái của mình cho. Từ đó Hòa Thân như cá chép vượt long môn, rồi dần dần bước lên đến đỉnh cao của cuộc đời. Mặc dù Hòa Thân tham gia thi cử bị rớt, nhưng vì có khả năng làm việc linh hoạt, cộng với được nâng đỡ, năm 22 tuổi đã được làm tam đẳng thị vệ.
Năm 23 tuổi, Hòa Thân được chọn vào đội tùy tùng cầm cờ của vua Càn Long. Mặc dù quan vị không cao, nhưng cũng được tiếp xúc gần gũi với hoàng đế. Nhờ đó Hòa Thân đã tận dụng tất cả mọi cơ hội để thể hiện tài hoa của mình trước vua Càn Long, và chỉ sau 4 năm đã trở thành trọng thần của Triều đình, rất được vua Càn Long trọng dụng.
Mới đầu, Hòa Thân cũng tràn đầy khát vọng, nguyện ý làm quan thanh liêm vì dân vì nước, và đã lập được những chiến tích rất nổi bật. Một lần vua Càn Long giao nhiệm vụ cho Hòa Thân đến Vân Nam điều tra sự việc Lý Thị Nghiêu tham ô, Hòa Thân hầu như không ngủ không nghỉ, tìm ra được chứng cứ tham ô của Lý Thị Nghiêu, khiến vị quan khôn khéo lão luyện này phải xấu hổ cúi đầu nhận tội, Hòa Thân vì lập được công lao này nên đã được thăng chức lên làm Hộ bộ thượng thư.
Chân dung Hòa Thân. (Tranh: Wikiwand)
Nhưng khi Hòa Thân có được quyền cao chức trọng lại quên nguyện vọng ban đầu, và từ từ bước sang con đường tự kết liễu mình. Vì Hòa Thân là đại thần bên cạnh vua Càn Long, lại được Càn Long trọng dụng, nên những đại thần khác đua nhau tìm đến Hòa Thân nịnh bợ, đút lót vàng bạc, đồ cổ, tranh chữ, dần dần nhiều đến nỗi không có chỗ chứa.
Lúc này Hòa Thần còn kết bè kết phái, hình thành cho mình một thế lực ngầm rất lớn. Mặc dù vua Càn Long biết rõ việc Hòa Thân tham ô, nhưng vì rất nhiều nguyên nhân đã không điều tra Hòa Thân, mà để con trai là Gia Khánh sau khi lên ngôi xử lý.
Khi vua Càn Lòng vừa qua đời, vua Gia Khánh lập tức tuyên bố 20 tội trạng của Hòa Thân, và hạ chỉ xét nhà tịch thu tài sản, thu giữ được 800 triệu lượng bạc, cộng với số lượng khủng đồ cổ, châu báu và đất đai, cũng nhờ đó mà quốc khố nhà Thanh thời bấy giờ luôn dư giả. Hoàng đế Gia Khánh ban đầu định dùng hình phạt lăng trì với Hòa Thân, nhưng sau đó nhờ được các đại thần và công chúa xin giup, nên Hòa Thân đã được ban cho cái chết trong ngục.
Sau khi Hòa Thân nghe phán quyết của Hoàng đế Gia Khánh, cười lạnh viết một câu thơ chú lên tấm lụa trắng, dùng để nguyền rủa vương triều nhà Thanh. Câu chú viết như sau:
“Ngũ thập niên lai mộng huyễn chân Kim triêu tát thủ tạ hồng trần Tha niên thủy phiếm hàm long nhật Nhận thủ hương ư thị hậu thân”.Hai câu đầu là Hòa Thân hồi ức lại những chuyện trước đó, còn hai câu sau là mượn câu bùa chú trong chuyện cổ.
“Thủy phiếm hàm long”, là chỉ lũ lớn một năm sau khi Hòa Thân chết. “Tha nhật thủy phiếm hàm long nhật” là ý nói, Hòa Thân muốn chuyển thế một mùa lũ, sau đó sẽ trả thù nhà Thanh. Đến năm Đạo Quang thứ 12, đê sông Hoàng Hà ở Hà Nam bị vỡ, và đúng thời gian này, một tiểu cô nương đã ra đời, đó chính là Từ Hi thái hậu.
Có người cho rằng Từ Hi thái hậu là Hòa Thân chuyển sinh. (Ảnh: pmume.com)
Vì thế có người nói Từ Hi thái hậu là Hòa Thân chuyển sinh, sau khi bà nắm giữ quyền hành vài năm, đã khiến cho quốc lực của nhà Thanh dần dần suy yếu, từ đó bị các cường quốc ở Tây phương lấn áp, cuối cùng, khiến cho Vương triều Mãn Thanh lung lay sụp đổ. Sau khi Từ Hi thái hậu qua đời 3 năm, nhà Thanh đã thật sự bị diệt vong, vì thế người ta cho rằng câu bùa chú 100 năm trước của Hòa Thân đã ứng nghiệm.
Tuy nhiên, rất nhiều người cho rằng đây chỉ là một sự suy đoán mơ hồ, còn nguyên nhân thực sự khiến nhà Thanh diệt vong là do mục nát từ bên trong, và đơn giản chỉ là sự chuyển biến của lịch sử.
Lê Hiếu biên dịch