Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vừa qua đã khiến rất nhiều người dân trên toàn thế giới phẫn nộ bất bình, khi kẻ không đủ năng lực nhờ các thủ đoạn gian lận và trá ngụy mà chiến thắng, còn người có đủ tài đức thì bị vu khống và không thể phát huy năng lực. Tuy nhiên, bất kể việc gì ở thế gian cũng không thể lừa dối Trời cao, cả văn hóa phương Đông và phương Tây đều khẳng định điểm này.
Trong thiên sử thi nổi tiếng “Thần Khúc”, nhà thơ Dante đã trình bày cho chúng ta biết một cách rõ ràng về những hình phạt mà Địa Ngục phương Tây dành cho những kẻ gian lận và tham nhũng.
Thiên sử thi “Divine Comedy” (Thần Khúc) của Dante Alighieri (1265-1321), một trong những nhà thơ vĩ đại nhất châu Âu và cũng là một trong những tác gia vĩ đại nhất thế giới, tính đến nay đã xuất hiện hơn 700 năm, nhưng tác phẩm vẫn mãi trường tồn với thời gian. Dante vốn dĩ không viết tiêu đề rõ ràng cho bộ sử thi này, nhưng nhà văn nổi tiếng người Ý Giovanni Boccaccio gọi nó là “Thần Khúc”, và cái tên này đã được sử dụng rộng rãi.
Toàn bộ bài thơ “Thần Khúc” được chia thành ba phần: “Inferno” (Địa Ngục), “Purgatorio” (Luyện Ngục) và “Paradiso” (Thiên Đường). Với ngòi bút phong phú và tinh tế của mình, Dante đã mô tả khung cảnh từ Địa Ngục đến Thiên Đường; tái hiện sự trừng phạt tàn bạo của Địa Ngục, nỗi thống khó diễn tả thành lời khi tội nhân phải chịu phạt; với ánh sáng vô hạn và tình yêu vô bờ, ông đã thể hiện vinh quang vĩnh cửu của Thiên Đường.
Phần đầu của “Thần Khúc” là “Địa Ngục”, có 33 chương, đối với những mô tả về tội gian lận và các hình phạt liên quan, được đề cập từ chương 18 đến chương 31, chiếm gần một nửa “thời lượng” của phần “Địa Ngục”, tất cả đều rất chi tiết và tường tận.
Tại sao tội gian lận lớn hơn tội bạo lực?
Người dẫn đường cho Dante đến du ngoạn Địa Ngục là Virgil, một nhà thơ nổi tiếng ở La Mã cổ đại. Hình ảnh bên ngoài của Địa Ngục là một cái phễu có tổng cộng chín tầng, đi từ trên xuống dưới, các linh hồn phạm tội sẽ phải chịu các hình phạt càng nặng. Những linh hồn phạm tội lừa đảo bị nhốt ở tầng thứ tám trong chín tầng địa ngục, còn nặng hơn tội bạo hành ở tầng thứ bảy.
Dante đã giải thích điều này trong “Thần Khúc”: “Mọi tội ác đều là khiến cho Thượng Thiên phẫn nộ, hậu quả của nó sẽ vô cùng tai hại; bất luận là thông qua cưỡng bức hay lừa đảo để gây ra đau khổ cho người khác. Tuy nhiên, lừa đảo là ác tính đặc trưng của loài người, càng khiến Thượng Đế căm ghét, nên những kẻ lừa đảo càng phải gánh chịu những nỗi đau nặng nề hơn (để bồi thường cho nạn nhân).”
Nói cách khác, con người đáng lẽ nên tận dụng sự thông minh tài trí của mình để giúp ích cho thế nhân, nhưng những tội nhân này lại sử dụng nó theo những cách tà môn ma đạo, để lừa dối người khác. Khi con người bị đầu độc bởi gian lận, thế giới sẽ đảo ngược thiện ác, không biết đúng sai, vì vậy, lừa đảo còn âm tà và ác độc hơn là dùng bạo lực để thu lợi (tương tự như động vật).
“Địa Ngục gian lận” có một cái tên riêng là “Malebolge”, có nghĩa là “một cái túi đầy tội lỗi”. Trung tâm của Malebolge chìm xuống dưới, bao quanh trung tâm có mười vòng hào ở bên ngoài trông giống như hào hộ thành, các vòng hào này có vẻ nghiêng về tâm, trên hào có cầu, chúng ta tạm gọi các vòng hào này lần lượt là ác khu một, ác khu hai… Những kẻ khi còn sống phạm tội gian lận, sau khi chết linh hồn sẽ bị tra tấn ở tầng này.
Gerione – Quái thú tượng trưng cho sự lừa dối
Để đi từ tầng thứ bảy xuống “Địa ngục lừa dối”, bạn cần cưỡi con quái vật khổng lồ Gerione, khuôn mặt của nó là một khuôn mặt người rất tốt bụng và ngay thẳng, nhưng nó mang thân rắn, hai chân có mọc lông dài cho đến nách. Trên ngực, lưng và eo con quái vật có nhiều họa tiết và các hoa văn hình tròn khác nhau. Ở cuối đuôi rắn là một cái kim châm độc giống như con bọ cạp!
Những hoa văn trên cơ thể con quái vật, là ẩn dụ cho những mánh khóe, chiêu trò và cạm bẫy nhiều không đếm xuể của những kẻ lừa đảo; đầu và thân của nó bò ở trên bờ, đuôi thì lại ở dưới, cho thấy những kẻ lừa đảo luôn che giấu ý định thực sự của mình; điều này hoàn toàn trái ngược với khuôn mặt hiền lành của nó, nghĩa là kẻ lừa đảo bề ngoài chân thành nhưng bên trong lại xảo trá.
Virgil nói với Dante rằng, con quái vật có chiếc kim châm chí mạng này có thể “vượt qua những ngọn núi, xuyên thủng hàng phòng thủ của thành và rừng gươm giáo đang chiến đấu với nó, dùng sự bẩn thỉu của nó làm ô nhiễm thế giới”. Chúng ta thấy rằng đây chính là cảnh tượng thực tế trong thế giới của chúng ta.
Trong “Thần Khúc”, để có thể nhìn thấy toàn cảnh trong – ngoài một cách tường tận, Dante và Virgil ngồi trên lưng Gerione, đi vòng tròn rồi dần dần đi xuống tầng thứ tám.
Trong mười ác khu của “Địa Ngục gian lận”, lần lượt trừng phạt mười loại tội phạm gian lận tương ứng. Bài viết này chủ yếu giới thiệu một số tội ác nổi cộm trong xã hội thời gian gần đây và những hình phạt tương ứng, chẳng hạn như đạo đức giả, lừa đảo, tham nhũng, bao gồm cả gian lận trong bầu cử,…
Ác khu thứ 5: Tội tham nhũng
Những người phạm tội tham nhũng bị nhốt trong ác khu thứ 5 của tầng Địa Ngục thứ tám. Ở đây tối om, thậm chí còn ảm đạm hơn những nơi khác của Địa Ngục.
Dante thấy rằng vòng hào này là một vũng nước đen khổng lồ! Bong bóng sôi trào liên tục nổi lên, hắc ín (nhựa đường) nhớp nháp lúc phồng lên, lúc sụt xuống…
Theo quy định trừng phạt của Địa Ngục, cách trừng phạt tội nhân, sẽ tương ứng với tội lỗi mà người đó phạm phải. Ác khu thứ 5 này giam giữ các quan chức tham nhũng, vì kiếp trước họ dối trên lừa dưới, lừa gạt lòng tin, lòng dạ đen tối, tham lam vơ vét của cải. Trong các cuộc bầu cử, loại người này dùng hối lộ để đảo lộn đúng sai, làm cho những người bất tài trúng cử, còn những người vừa có tài vừa có đức lại bị loại bỏ, dùng hắc ín dính nhớp nháp, cuồn cuộn đen kịt để trừng phạt họ quả là thích đáng.
Khi một quỷ sai với bộ mặt gớm ghiếc ném một tội nhân mới vào bể hắc ín, tội nhân hết chìm xuống rồi lại nổi lên, bị hắc ín sôi sùng sục thiêu đốt không chịu nổi muốn ngẩng đầu lên hít một hơi – nhưng quỷ sai có cánh ngay lập tức dùng cây cương xoa (nĩa sắt) trong tay đánh cho người đó hơn 100 nhát, vừa chế nhạo vừa nói: “Ngươi phải xuống dưới đó mà ‘nhảy múa’ chứ! Muốn lén la lén lút thì đành phải trốn tránh tai mắt người khác.” Sau đó dùng cương xoa đè hắn xuống dưới hắc ín.
Một tội nhân khác cố để lộ mũi và miệng của mình trên bề mặt chất lỏng thì bị quỷ sai phát hiện, liền bị một chiếc cương xoa đâm vào tóc, một chiếc cương xoa khác đâm vào cơ thể, xé ra một miếng thịt…
Ác khu thứ 6: Tội đạo đức giả
Tội nhân ở ác khu thứ sáu đều mặc áo choàng vàng lấp lánh có mũ trùm đầu, đang đau khổ khóc lóc xếp thành vòng tròn… Chiếc áo choàng này bên ngoài được mạ vàng, rực rỡ chói mắt, nhưng bên trong hoàn toàn bằng chì, nặng đến khó tin, làm cho xương của những tội nhân này gần như bị gãy!
Những kẻ đạo đức giả này, bề ngoài thì tô vàng nạm ngọc, nhưng bên trong thì thối nát, không từ bất kỳ việc xấu nào; bên ngoài lúc nào cũng tỏ ra rằng không có ai đạo mạo như họ, không có ai dám hi sinh vì lợi ích chung, vì lợi ích của người khác như họ, nhưng bên trong chỉ đơn giản là một tâm địa xấu xa, đen tối vô cùng.
Trong “Thần khúc” còn kể rằng, thầy tế lễ thượng phẩm Caiaphas, người đã dùng những lời lẽ đạo đức giả làm bộ làm tịch nghĩ cho người Do Thái để đóng đinh Chúa Jesus lên thập tự giá, sau khi chết ông ta bị đóng đinh vào một cây thập tự giá nằm ngang trong Địa Ngục này. Tất cả mọi người mặc áo choàng chì đều lảo đảo lắc lư chậm chạp giẫm lên trên người ông ta, khiến ông ta cảm nhận được sức nặng của mọi kẻ đạo đức giả, may thay giờ ông ta đã là một linh hồn, chứ nếu ông ta còn sống, thì sớm đã bị giẫm nát thành ‘bánh thịt’ rồi.
Ác khu thứ 7: Tội trộm cắp
Ác khu thứ bảy càng sâu hun hút hơn, là nơi giam giữ linh hồn của những kẻ tội đồ trộm cắp tài sản của người khác bằng thủ đoạn lừa đảo. Trong tầng Địa Ngục này, nhiều người kiếp trước là người nổi tiếng, quý tộc.
Những người này đều trần truồng, bị những con rắn độc bò qua cơ thể của họ, những con rắn kỳ lạ này lượn lờ, uốn éo, khiến cho họ sợ đến kinh hồn bạt vía, nhưng làm sao có thể trốn thoát được?
Có con rắn độc thì trói tay tội nhân ra sau lưng, rồi quấn lấy thân thể họ; có con rắn độc nhảy lên người và cắn vào cổ tội nhân, chỉ thấy tội nhân đột nhiên bị thiêu cháy, trong chớp mắt đã hóa thành một đống tro tàn, nhưng tro tàn ngay lập tức tụ lại và khôi phục lại hình dạng ban đầu – trên mặt tội nhân vẫn còn hiển hiện rõ nỗi đau lớn vừa phải chịu, hắn ta chăm chú nhìn xung quanh, bối rối và thở dài.
Ác khu thứ 10: Tội lừa đảo
Tội nhân ở đây khi còn sống đã sử dụng kim loại để làm vàng giả, hoặc giả mạo di chúc, vu cáo người khác, hoặc khai man và giả mạo danh tính của người khác.
Ở đây, hình phạt dành cho những tội nhân này là mắc bệnh hiểm nghèo hoặc sốt cao, ghẻ lở từ đầu đến chân; vì không còn cách nào khác để chấm dứt cơn ngứa trên cơ thể, họ chỉ có thể dùng móng tay cắm sâu vào thịt, do đó, móng tay cứ cào khiến da thịt rơi ra, giống như dùng dao cạo vảy của cá chép vậy. Có tội nhân bị nhúng cơ thể xuống nước. Họ bị bệnh tật và đau đớn giày vò triền miên, thân thể mốc meo, mưng mủ, bốc mùi thối rữa, một số bị thú đói ăn.
Lời kết
Những kẻ tham lam, gian lận, lừa đảo và đạo đức giả này tưởng rằng họ lừa gạt lòng tốt, vơ vét tiền bạc, hãm hại nhân loại bằng những hành vi xấu xa sẽ không để lại hậu quả gì, thậm chí còn thầm đắc ý, nhưng họ không thể nào thoát khỏi con mắt của Thần linh, mọi tội ác đã được ghi lại và họ sẽ phải chịu đựng sự trừng phạt vô tận.
Mặc dù “Thần Khúc” được viết cách đây hơn 700 năm, nhưng Thiên Đường, Địa Ngục, và sự chiêm nghiệm nghiêm túc về nhân sinh, sự chứng thực về luật nhân quả thiện ác hữu báo, sự trình bày sâu sắc thấu đáo về tinh thần tín ngưỡng của nhà thơ… được miêu tả trong đó, bất kể vào thời điểm nào, thậm chí cho đến ngày nay, vẫn là một chủ đề có ý nghĩa thực tiễn to lớn mà nhân loại nhất định phải lưu tâm.
Thế Di