Dây chuyền móc câu Maori không chỉ đại diện cho sự may mắn, thịnh vượng, giàu có, sức mạnh và sự quyết tâm, mà nó còn được xem là một tấm bùa hộ mệnh.
Trong nền văn hóa sông nước của những người Maori, móc câu cá là một vật dụng thiết yếu trong cuộc sống. Một móc cá được thiết kế tốt có thể cung cấp đủ thức ăn cho cả gia đình và một phần bộ lạc. Vì vậy, nó đã trở thành một biểu tượng nổi bật của người Maori. Và việc sở hữu một chiếc móc câu chất lượng còn giúp người Maori tăng thêm địa vị, uy tín và quyền lực.
Ý nghĩa khác của móc câu Maori là sự an toàn khi đi biển, thịnh vượng, hòa bình và may mắn. Đó là lý do tại sao mà nó được xem là một thứ tài sản quý giá.
Móc câu Maori thường được xỏ vào sợi dây thừng nhỏ và đeo quanh cổ. Thói quen này đã dần dần biến các móc câu Maori trở thành đồ trang sức. Nhất là khi nghệ thuật chạm khắc phát triển và các mẫu móc câu được thiết kế ngày càng tinh vi hơn.
Trong tiếng Maori, từ ‘hei’ có nghĩa là đeo vào cổ và ‘matau’ có nghĩa là ‘móc’ hoặc ‘móc câu cá’.
Móc câu Maori bằng xương và ngọc bích
Cá voi và cá heo là hai loài vật được người Maori rất tôn trọng. Cho nên người ta cho rằng: Vật liệu đầu tiên được sử dụng để chạm khắc nên các móc câu Maori được lấy chủ yếu từ răng cá voi bị mắc kẹt, hoặc được làm từ xương chó, chim, và thậm chí cả xương người.
Một vật liệu điêu khắc có giá trị cao hơn nữa chính là ngọc bích của New Zealand, còn được gọi là “pounamu”. Pounamu là từ người Maori dùng để chỉ loại đá quý có ý nghĩa tâm linh quan trọng đối với tộc người này. Nó cũng được đề cập trong nhiều truyền thuyết của người Maori.
Loại đá này được khai thác ở những khu vực rất khó tiếp cận và vô cùng nguy hiểm tại Đảo Nam của New Zealand.
Khoảng gần một ngàn năm trước, nghệ thuật khắc xương và ngọc bích của người Maori đã được phát triển lên mức chuyên nghiệp. Đây là một thành tựu đặc biệt ấn tượng. Nhất là khi người Maori không có dụng cụ bằng kim loại để dùng trong việc chế tác.
Mặc dù cách đây gần 1.000 năm, nhưng họ đã có thể tạo ra những loại dây chuyền móc câu phức tạp và công phu nhất. Đồng thời, việc chạm khắc và trang trí chi tiết trên các viên ngọc bích cứng chắc cũng là một thành tựu lớn hơn nữa.
Truyền thuyết về Á Thần Maui và móc câu ma thuật
Cách đây rất lâu, Á Thần Maui cũng là một thủy thủ đã có một chuyến đi câu cá với chiếc móc câu ma thuật của mình vốn được làm từ xương hàm của một loài động vật. Khi Maui bắt được thứ mà ông nghĩ là một con cá khổng lồ, ông bèn kéo lên, nhưng khi kéo lên mặt nước, hóa ra đó một vùng đất rộng lớn.
Do đó Maui đã đặt tên cho đảo này là Te Ika-a-Māui (con cá của Māui), ngày nay chính là Đảo Bắc của New Zealand. Bờ biển của vịnh Hawke nhìn từ trên xuống trông giống như một cái móc câu cá, vì vậy, cụm từ ‘Te Matau a Maui’ nghĩa là ‘Cái móc cá của Maui’ cũng đã được dùng để đặt tên cho vùng đất này.
>>> “Hành trình của Moana” của Disney phải chăng muốn truyền tải ý chỉ của Thần?
Ý nghĩa tâm linh của móc câu cá Maori
Dây chuyền Hei Matau không chỉ đại diện cho may mắn, thịnh vượng, giàu có, sức mạnh và sự quyết tâm, mà nó còn được xem là một tấm bùa hộ mệnh. Người Maori thường đeo dây chuyền Hei matau như một lá bùa trong mỗi chuyến đi của họ.
Móc cá trang sức là một kho tàng văn hóa của tộc người Maori. Nó cho thấy sự phụ thuộc của người Maori vào hoạt động đánh bắt cá, mối liên hệ của họ với đại dương và sự tôn trọng của họ đối với tất cả các sinh vật biển, trong đó bao gồm cả thần biển Tangaroa.
Văn hóa Maori là nền văn hóa truyền miệng. Nó đã có từ rất lâu đời trước khi sự xuất hiện của họ được người châu Âu khám phá. Vì vậy nghệ thuật chạm khắc cũng như các hình thức nghệ thuật khác được coi là phương thức giúp họ lưu giữ nền văn hóa và truyền thống của mình.
Những chiếc móc câu đẹp nhất sẽ được truyền từ cha sang con. Họ được quyền sử dụng năng lượng tâm linh của những người đã đeo dây chuyền móc cá trước đây. Tất cả đều được ẩn chứa trong những sợ dây Hei Matau gia truyền của dòng họ. Bản chất tâm linh này được người Maori gọi là mana.
Các thiết kế Hei Matau được kết hợp đa dạng
Nhiều móc cá Maori có các biểu tượng khác nhau đã được kết hợp. Một ví dụ điển hình là móc cá Manaia.
Manaia là người giám hộ linh hồn với sức mạnh siêu nhiên, là vị thần có đầu chim, thân người và đuôi cá. Những bộ phận trên cơ thể của Manaia tượng trưng cho trời, đất và biển. Thần chính là hiện thân của sự cân bằng giữa ba yếu tố này. Hình ảnh Manaia được sử dụng trong nghệ thuật chạm khắc Maori nhằm mục đích bảo vệ con người và giúp họ tránh khỏi cái ác.
Dây chuyền móc cá Maori đương đại
Dây chuyền móc câu cá Maori ngày nay vẫn rất phổ biến. Các nghệ sĩ điêu khắc đương đại đang tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất từ biểu tượng của người Maori. Hầu hết trong số họ sử dụng các kỹ thuật và mô hình truyền thống. Đôi khi các vật liệu độc quyền đã được sử dụng để tạo ra tác phẩm nghệ thuật. Chúng chính là mã não đỏ và ngọc đen của Úc.
Những người thợ chạm khắc New Zealand thường đưa dấu ấn riêng của mình vào các tác phẩm nghệ thuật. Có người tiến hành trên những viên đá pounamu rất bền và cứng, trong khi một số khác tạo ra loại móc câu làm từ xương. Tất cả chúng đều chứa đựng ý nghĩa lịch sử và tinh thần to lớn. Các mặt dây chuyền móc cá tinh xảo này đặc biệt được những người chèo thuyền Kayak yêu thích.
Uniwriter, theo HP