Câu “Nữ tử vô tài tiện thị đức” (phụ nữ không có tài chính là người đức hạnh) luôn khiến cho những nhà vận động nữ quyền không thoải mái, họ cho rằng câu nói này là của cánh mày râu dùng để hạ thấp phái nữ. Tuy nhiên, sự thật lại không phải vậy.
Khi người thầy đang dạy học trong lớp, một nữ sinh khoanh trước ngực hỏi: “Thưa thầy, tại sao thầy hay tán dương những câu cổ ngữ vậy, thế thì em xin hỏi thầy, cổ nhân nói: ‘Phụ nữ không có tài chính là người đức hạnh’, xin thầy giải thích giúp em, tại sao người xưa lại phân biệt đối xử với phận con gái chúng em như thế? Làm sao có thể coi họ là thánh hiền được?”.
Người thầy đáp: “Câu hỏi của em rất hay, mọi người đều có hiểu lầm như vậy, có điều trước khi giải thích, thầy muốn trước hết hỏi em, vế trước của câu nói này là gì?”
Em học sinh nghe thầy hỏi thì ngây ra một lát, sau mới nói: “Ủa, có sao? Có vế trước nữa sao ạ?”
Những học sinh ngồi bên dưới lặng im như tờ, một học sinh khác tiếp lời: “Vế trước là ‘Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nan dưỡng dã'”(Duy chỉ có phụ nữ và tiểu nhân là khó giáo dưỡng)!
Người thầy nói: “Đây cũng là một vấn đề mà mọi người đều hiểu lầm đấy, thầy sẽ sử dụng một cách hiểu khác để giải thích lại, nhưng cũng nói thêm câu vừa rồi không phải là vế trước của câu: ‘Nữ tử vô tài tiện thị đức’, bởi vì một câu bảy chữ, một câu mười chữ, số lượng từ không đồng nhất, sao lại làm vế trước được?”
Lúc này, các em học sinh to mắt nhìn nhau và kinh ngạc với điều thầy vừa nói.
Người thầy nói tiếp: “Nguyên ban đầu vế trước của câu này là: ‘Nam tử hữu đức tiện thị tài’ (Đàn ông có đức thì chính là người tài) nên vế dưới mới là: ‘Nữ tử vô tài tiện thị đức’!”
Vế đầu tiên “Nam tử hữu đức tiện thị tài”, là hy vọng về một người đàn ông có triển vọng, cần phải lấy đức làm gốc, tài năng từ đó mới được khai thông, và cũng từ đó mà phát triển. Tại sao lại phải lấy đức làm gốc?
Hãy nhìn xem xã hội hiện nay loạn như thế nào, những thứ lừa đảo rất nhiều, lên mạng xem thì những sự việc cổ quái, kỳ lạ và tàn ác… cái gì cũng có. Đây chính là hậu quả của việc có tài mà lại khuyết thiếu đức. Tóm lại, câu nói này có ý khuyên bảo rằng là đàn ông thì phải lấy đức làm gốc, chứ không phải là bảo họ không cần coi trọng tài cán.
Còn vế dưới: “Nữ tử vô tài tiện thị đức” (phụ nữ không có tài chính là người đức hạnh) là có ý nghĩa gì? Vẫn là ý khuyên bảo người phụ nữ phải lấy đức hạnh làm gốc, chứ không phải là đánh giá thấp hay hạ nhục rằng phụ nữ thì không thể có tài cán gì. Tất cả điều này bị hiểu sai là bởi vì hiểu sai chữ “vô” trong từ “vô tài” mà tạo thành. Từ “vô” này là động từ, là có ý rằng “vốn có” nhưng coi như “không”, cũng chính có ý là “vốn có tài” nhưng trong lòng lại tự cho mình là không có.
Đơn cử một ví dụ mà nói, cổ nhân hay dùng “Vô vật” (không có gì) để nói các sự vật trên thế gian, không phải ý nói là trên đời này không có vạn vật, mà ý là dẫu ở bên trong cái xoay vần của vạn vật, nhưng nội tâm không có bất kỳ chướng ngại nào thì đó vẫn là “vô”. “Vô ngã” không phải là không có bản thân, mà là có ý rằng tâm không bị vướng mắc đối với hết thảy được mất. “Vô niệm” không phải là thật sự không có ý niệm, suy nghĩ gì, mà có ý là không có ý nghĩ xằng bậy, ngông cuồng.
Cho nên nói “vô tài” không phải thực sự không có tài, mà là “ta mặc dù rất có tài nhưng tuyệt đối không khoe khoang cái tài đó, cho nên tự cho mình là “không tài cán” gì, phụ nữ thời cổ đại, ‘cửa chính không ra, cửa sau không bước’ (ý nói thường xuyên ở nhà và không tiếp xúc với người ngoài) mà lại có được tài hoa hơn người, hơn nữa còn có thể tự cho mình là ‘không tài’, đây chẳng phải đức hạnh vô cùng cao thượng sao?
Cũng lại nói thêm, là một người phụ nữ, dẫu có tài năng mà không biết khiêm cung, thích bày tỏ, vượt mặt cả cánh đàn ông, nếu làm vợ thì sớm muộn gì cũng lấn lướt chồng, gia đình vì thế mà luôn bất hòa; còn nếu là thân gái còn son cũng rất khó kiếm được mối kết tóc se tơ. Vậy cũng nói, người phụ nữ có cả tài lẫn đức là người biết vun vén cho chồng, luôn coi chồng là trụ cột gia đình, một mực tôn kính, gia đình vì thế luôn thuận hòa.
Câu này rõ ràng là ca ngợi người phụ nữ trong xã hội thời xưa chúng ta có đức hạnh cao thượng! Đâu có chỗ nào là có ý phân biệt đối xử với phụ nữ chứ?
Vậy mà chúng ta còn có hiểu lầm sâu nặng đến như thế với một câu nói hay như vậy, chúng ta quả thực là đã dùng tâm tiểu nhân để đo lòng quân tử, lại thêm việc đoạn chương thủ nghĩa để diễn giải theo ý mình, hết thảy đều là chúng ta đã có lỗi với người xưa, chứ không phải người xưa có lỗi với chúng ta!”
Sau khi nghe thầy giải thích xong, các học sinh nữ đều thấy khoan khoái trong lòng, các học sinh nam thì như trút được gánh nặng.
Theo daikynguyenvn.com