Lý Lâm Phủ vốn là người có căn cơ tốt, từng được một đạo sĩ tiết lộ nếu tu luyện sẽ thành thần tiên về trời, còn nếu không muốn thành tiên, sẽ làm tể tướng triều Đường 20 năm, hơn nữa còn nắm quyền hành trong tay. Vậy ông sẽ lựa chọn con đường nào?
Hữu Thừa tướng Lý Lâm Phủ đời Đường Huyền Tông, năm 20 tuổi vẫn chưa học hành gì. Lúc ông ở đông đô Lạc Dương, chỉ thích chơi bóng, đi săn, dẫn theo đại bàng và chó săn. Ông thường chơi mã cầu ở dưới tán cây hoè trong thành, hầu như ngày nào cũng chơi.
Có lúc cưỡi lừa chơi bóng mệt, thì ngồi bệt trên mặt đất hoặc gối đầu lên tay nằm trên mặt đất nghỉ ngơi. Một hôm, có một vị đạo sĩ xấu xí nói với Lý Lâm Phủ đang ngồi trên mặt đất rằng: “Cưỡi ngựa chơi bóng có gì thú vị, lại khiến cậu ham mê đến thế?”
Lý Lâm Phủ tức giận nhìn đạo sĩ nói: “Liên quan gì đến ông?”. Vị đạo sĩ liền bỏ đi. Ngày hôm sau vị đạo sĩ lại đến, vẫn nói với Lý Lâm Phủ câu nói hệt như hôm qua. Lý Lâm Phủ từ nhỏ vốn thông minh khôn ngoan, lập tức nhận ra vị đạo sĩ là người phi phàm, liền đứng dậy sửa sang lại quần áo, hành lễ tạ ơn.
Đạo sĩ nói: “Cậu tuy giỏi cưỡi ngựa chơi bóng, nhưng nếu có một ngày cậu từ trên lưng ngựa rơi xuống, cậu sẽ cảm thấy vô cùng hối hận!”. Lý Lâm Phủ liền tỏ ý với đạo sĩ rằng sau này muốn tu thân, dưỡng tính, không cưỡi ngựa chơi bóng nữa.
Đạo sĩ nghe xong cười nói: “Ba ngày sau vào lúc canh 5, ta sẽ ở đây chờ cậu”. Lý Lâm Phủ đồng ý. Đến ngày hẹn, đạo sĩ đã đến trước đứng chờ. Đạo sĩ nói: “Sao cậu lại đến muộn?” Lý Lâm Phủ biết mình sai vội vàng nhận lỗi. Đạo sĩ nói với Lý Lâm Phủ ba ngày sau canh 5 lại gặp mặt.
Đến ngày hôm đó, Lý Lâm Phủ nửa đêm đã đi đến chỗ hẹn, đợi rất lâu sau đạo sĩ mới đến. Lần này đạo sĩ tỏ ra rất vui mừng, nói chuyện vui vẻ với Lý Lâm Phủ, còn nói: “Ta ở nhân thế đã 500 năm rồi, thấy cậu đã được liệt vào danh sách thành tiên, nếu như tu luyện, cậu sẽ bạch nhật thăng thiên thành tiên (giữa ban ngày bay lên cõi trời thành tiên).
Nếu như cậu không muốn thành tiên, vậy thì cậu sẽ làm tể tướng triều Đường 20 năm, hơn nữa còn nắm quyền hành trong tay. Hôm nay cậu trở về, suy nghĩ thật kĩ, ba ngày sau vào lúc canh 5 chúng ta lại gặp mặt”.
Sau khi Lý Lâm Phủ trở về, lẩm bẩm suy tính: “Ta xuất thân là con cháu hoàng gia, từ nhỏ đã có tinh thần hiệp nghĩa, 20 năm làm tể tướng, lại có được quyền hành trong tay, bạch nhật thăng thiên thành tiên làm sao bằng làm Tể tướng được chứ?”.
Sau khi quyết định, Lý Lâm Phủ theo hẹn đến gặp đạo sĩ, nói rằng mình muốn làm tể tướng, không muốn thành tiên. Đạo sĩ nghe xong, thở dài trách cứ Lý Lâm Phủ: “Ta ở nhân gian tìm kiếm 500 năm mới tìm được một người có thể thành tiên như cậu, đáng tiếc, đáng tiếc!”. Lý Lâm Phủ nghe xong muốn thay đổi quyết định, đạo sĩ nói: “Không được, thần minh đã biết rồi”.
Lúc từ biệt, đạo sĩ cảnh cáo Lý Lâm Phủ: “20 năm làm tể tướng, nắm giữ trong tay quyền sinh quyền sát, lẫy lừng thiên hạ, vì vậy cậu nhất định không được ẩn giấu tà tâm ngấm ngầm mưu hại người, phải rộng lượng cứu vớt chúng sinh, không được giết hại người vô tội, tích nhiều âm đức. Nếu được như vậy, 300 năm sau, cậu có thể bạch nhật thăng thiên thành tiên rồi. Bây giờ quan lộc của cậu đã đến, có thể vào kinh làm quan được rồi”. Lý Lâm Phủ bò rạp trên mặt đất khóc lóc khấu bái, đạo sĩ và ông bắt tay nhau từ biệt.
Lúc đó, chú của Lý Lâm Phủ đang làm Khố bộ lang trung ở trong kinh thành, Lý Lâm Phủ liền vào kinh bái kiến. Vì Lý Lâm Phủ phóng túng khoáng đạt, nên người chú ít khi dạy bảo, cũng không tiếp xúc giao thiệp với Lý Lâm Phủ, nên khi nhìn thấy người cháu, thì vô cùng kinh ngạc hỏi: “Sao cháu lại đến kinh thành?”.
Lý Lâm Phủ nói: “Cháu biết trước cháu sai rồi, lần này đến bái kiến chú, là muốn từ giờ cải tà quy chính tu chí học hành, nếu làm không được, xin chú cứ lấy roi đánh”.
Người chú cảm thấy vô cùng kì lạ, cũng chưa vội vàng để người cháu học hành, mà giao cho giám sát việc chuẩn bị chén bát đồ nhà bếp trước mỗi lần tổ chức yến tiệc mời khách. Lý Lâm Phủ làm việc rất chăm chỉ, đồ dùng nhà bếp được đánh rửa sạch sẽ thơm tho, xếp hàng ngay ngắn thẳng tắp.
Có lúc người chú sai Lý Lâm Phủ đi làm công chuyện, cho dù tuyết rơi đầy, cũng không khước từ. Càng ngày người chú càng có ấn tượng tốt về đứa cháu, thường xuyên nhắc đến tên của cháu trước mặt các đại thần trong triều, tiếng lành ngày một đồn xa.
Sau đó dưới sự nâng đỡ của chú, Lý Lâm Phủ được bổ nhiệm làm Tán thiện đại phu, chưa đầy 10 năm sau, đã lên làm Tể tướng. Lý Lâm Phủ tâm cơ thâm sâu, tinh thông quyền thuật, thấu hiểu tâm tư của hoàng đế, nên vô cùng được hoàng thượng ân sủng.
Thế nhưng Lý Lâm Phủ lại độc quyền quyền lực, đứng dưới một người trên vạn người, triều đình trong ngoài trên dưới ai nấy đều khiếp sợ. Vài năm sau, để củng cố địa vị của mình, Lý Lâm Phủ giết hết kẻ nào dám đối nghịch, người chết oan nhiều vô kể, người chịu ngồi ngục oan triền miên. Ông ta đã hoàn toàn quên hết lời cảnh cáo mà năm đó vị đạo sĩ nhắc nhở dưới tán cây hoè.
(Trích “Dật sử”)
Tuệ Tâm, theo NTDTV