Tinh Hoa

Lòng tự trọng của người nghèo

Lòng tự trọng làm nên nhân cách của một con người, người đánh mất lòng tự trọng thì chuyện vô liêm sỉ nào cũng dám làm. Thế nên, trong cách đối nhân xử thế, đừng vô tâm để làm tổn thương lòng tự trọng của người khác dẫu thân họ nghèo khó cơ cực.

Nói rồi từ trong cái túi khoác trên vai, ông run run lấy ra khỏi mớ trấu lót bên trong, mười mấy quả trứng gà…(Anh minh họa)

Chồng tôi là giáo viên ở một trường trung học trọng điểm, để thuận tiện cho việc giảng dạy, chúng tôi ở luôn trong trường. Hôm nọ, một nữ sinh đến gõ cửa phòng tôi, đi sau lưng em là một vị trung niên; nhìn nét mặt cử chỉ tôi biết ngay đây là cha của cô bé.

Bước vào phòng, hai cha con thận trọng ngồi xuống. Cũng không có chuyện gì quan trọng mà chỉ là người cha đặc biệt đã đạp xe suốt 40 km để đến được nơi thăm con gái đang học, nhân tiện ông cũng muốn đến thăm nom thầy cô giáo của con.

Người cha nói: “Ở quê không có gì tươi ngon, chỉ có mười mấy quả trứng gà mới đẻ…”. Nói rồi từ trong cái túi khoác trên vai, ông run run lấy ra khỏi mớ trấu lót bên trong, mười mấy quả trứng gà. Nhìn mớ trứng trong đống trấu là biết ngay ông đã làm rất tỉ mỉ, sợ trứng gà va vào nhau mà vỡ mất.

Tôi bèn mời hai cha con ở lại cùng ăn sủi cảo vào buổi trưa, một già một trẻ khi ấy lộ vẻ mặt sợ hãi, chết sống cũng không chịu. Tôi đành dùng hết sự tôn nghiêm của thầy cô mới thuyết phục được họ. Lúc ăn sủi cảo, hai cha con vẫn không tự nhiên lắm, nhưng rất vui vẻ.

Tiễn học sinh cùng người cha của em ra cửa, chồng tôi quay vào với vẻ rất đỗi ngạc nhiên. Anh ấy thắc mắc sao trước giờ ai đến tặng lễ vật tôi đều đóng cửa từ chối, vậy mà hôm nay lại vì mười mấy cái trứng gà mà chịu khom lưng như thế? Còn phá lệ mời hai người đó ăn sủi cảo? Nhìn ánh mắt khó hiểu của chồng, tôi mỉm cười, kể lại một câu chuyện 20 năm trước chính bản thân từng trải qua.

Một ngày mùa hè năm tôi 10 tuổi, cha tôi muốn gọi điện thoại cho chú ở nơi khác. Trời đã tối, tôi đi theo sau lưng cha, đường xa xôi cách trở, phải 5 km mới có một trạm bưu điện. Bên trong chiếc túi tôi vác trên vai là 7 quả lê được hái từ trong vườn nhà. Cây lê này đã được 3 năm tuổi, năm nay là năm đầu tiên ra trái, lần đầu tiên kết được 7 quả. Đứa em gái tôi mỗi ngày đều tưới nước, ngóng trông từng ngày lê lớn lên. Thế nhưng, tối hôm nay, toàn bộ lê đều bị cha hái xuống hết. Đứa em gái tức tối dậm chân, cha tôi hét to: “Mang nó đi có việc mà!”

Bưu điện sớm đã tan tầm. Quản lý chỗ này là một người bà con xa của chúng tôi. Khi bước vào, cả nhà họ đang ăn cơm. Cha tôi bèn nói rõ ý muốn, người bà con ậm ừ một tiếng, không nhúc nhích. Tôi cùng cha đứng sát cánh cửa, quần áo cũ nát dưới ánh đèn mờ nhạt. Đợi mãi đến khi họ ăn xong, đánh răng xong, duỗi chân duỗi cẳng xong, ông mới nói: “Đưa số đây cho ta, đợi ở chỗ này, ta đi gọi xem có được không”.

Sau 5 phút, ông ấy quay lại, nói: “Gọi được rồi, cũng nói rõ rồi, tiền điện thoại 9 hào 5 xu”. Cha tôi liền vội vàng rút tiền từ trong túi ra trả. Cha tôi lại bảo tôi nhanh đưa lê. Không ngờ, ông ấy khoát tay, lớn tiếng nói: “Không, không cần! Trong nhà còn nhiều lắm, mấy người xuống chuồng heo mà xem, heo ăn cũng không hết”.

Lòng tự trọng của tôi bị tổn thương vì bị người ta xem thường. Trên đường trở về, tôi bước đi bên cạnh cha, ôm chiếc túi, khóc suốt trên đường về. Chỉ bởi vì chúng tôi nghèo khó nên tình thân huyết thống cũng phai nhạt. Chỉ vì nghèo khó, chúng tôi trong mắt người khác giống như không có chút tự trọng nào.

Quá trình trưởng thành sau này, động tác khoát tay của của người họ hàng xa vẫn còn mãi in sâu trong lòng tôi. Nó như một chiếc roi mềm lúc nào cũng quất vào linh hồn tôi, tôi sẽ không bao giờ làm như vậy, vì điều đó sẽ để lại một dấu vết xám xịt trong lòng người con gái bé nhỏ. Tôi tin rằng, sủi cảo ngày hôm nay của tôi sẽ lưu lại cho người nữ sinh đó một ký ức không thể phai mờ, bởi vì sức mạnh của lòng yêu thương luôn lớn hơn rất nhiều so với nỗi đau từ sự tổn thương.

Theo kannewyork.com