Đối với con cái, với những người thân yêu của mình, chúng ta thường hay lo lắng cho họ. Thậm chí lo lắng quá mức đến sợ hãi, trong đầu chỉ nghĩ đến chuyện xấu sẽ xảy đến với họ. Tuy nhiên, điều này lại vô tình gây hại mà chúng ta không hay biết.
Bức thư của một người mẹ:
Mẹ xin lỗi vì đã từng lo lắng cho con nhiều như vậy!
Khi con còn ở trong bụng mẹ thì mẹ thật vô cùng lo lắng, lo rằng con sinh ra có hình dạng như thế nào, có đầy đủ ngón tay ngón chân hay không? Khi con sinh ra đời điều đầu tiên là mẹ nhìn tay chân của con, kết quả hoàn toàn bình thường;
Con sau khi được sinh ra, mỗi ngày ăn no rồi lại ngủ, tỉnh ngủ là cười, buổi tối cũng không khóc, mẹ rất lo lắng, đầy lần tỉnh dậy lấy tay thử sờ lên mũi kiểm tra con còn thở không, kết quả con vẫn thở đều;
Con 1 tuổi mà chỉ mới mọc được 2 cái răng, mẹ rất lo lắng, có phải là con chậm mọc răng không? Mẹ mỗi ngày giở các loại sách để tìm hiểu, kết quả về sau hàm răng của con mọc rất đều, một chiếc cũng không thiếu.
Khi con đi nhà trẻ, mẹ rất lo lắng, để con một mình ở nơi xa lạ, không biết con có khóc không? Có ăn được nhiều không? Có chịu ngủ trưa hay không? Kết quả con rất nhanh hòa đồng cùng lũ bạn nhỏ, ăn ngủ rất ngoan.
Khi con tham gia dàn đồng ca của cung thiếu nhi, mẹ biết là cần phải rèn luyện con, cần phải “nhẫn tâm” kiên trì để con đi một mình, nhưng mẹ rất lo lắng. Trên đường con có thể gặp kẻ xấu thì sao? Qua đường không may gặp tai nạn xe cộ thì sao? Mỗi lần con rời nhà đi là mẹ lo lắng đứng ngồi không yên. Kết quả hiện tại mỗi lần qua đường con đều dẫn tay mẹ;
Con lên tiểu học, mẹ rất lo lắng, con có thể hòa đồng cùng các bạn ở lớp không? Học hành có theo được chúng bạn không? Con có bị hấp dẫn bởi quầy bán bánh kẹo ngoài cổng trường mà mua ăn hay không? Kết quả tất cả đều diễn ra bình thường.
Khi con lên trung học cơ sở, mẹ rất lo lắng, không biết sức khỏe con có đủ chịu đựng áp lực học hành không? Con có thể thi đỗ lên trung học không?… Kết quả con khỏe mạnh lớn dần lên, vượt qua kỳ thi vượt cấp lên trung học;
Khi con lên trung học, mẹ lại lo lắng, không biết con có chí tiến thủ học hành hay không? Hay là lại vướng vào mấy chuyện yêu đương? Con có lo học hành để thi đỗ đại học hay không nữa? Kết quả, tất cả đều như ý nguyện.
Con lên đại học, mẹ rất lo lắng, rời gia đình, xa bố mẹ con có biết chăm sóc bản thân mình? Quần áo có biết giặt giũ sạch sẽ không? Có dễ bị nhiễm các thói hư tật xấu, bạn bè xấu rủ rê chơi bời hay không? Con sẽ kết giao với những người bạn nào? Kết quả, rời nhà đi con như cá gặp nước, hết thảy mọi chuyện đều tốt đẹp.
Khi con ra nước ngoài học, mẹ rất lo lắng: Không biết con có thích ứng với cuộc sống bên đó hay không? Có hoàn thành nổi chương trình học không? Kết quả, thành tích học tập của con rất xuất sắc, tất cả mọi việc đều êm đẹp.
. . . . .
Con sẽ yêu người con gái như thế nào, con sẽ làm công việc gì, con sẽ sinh con trai hay con gái, con cái của con có thông minh không… Đối với mẹ mà nói là vô cùng lo lắng.
Thật xin lỗi con vì mẹ đã từng lo lắng cho con quá nhiều như vậy. Bởi kỳ thực, lo lắng như vậy là hao phí năng lượng không cần thiết, là thể hiện rằng mẹ đã không tin tưởng ở con, cũng là thể hiện rằng mẹ không đủ tự tin vào chính mình.
Từ giờ trở đi mẹ sẽ không còn lo lắng cho con, con có thể dựa vào trái tim mình để tự bước đi, đi đến bất cứ nơi đâu, lầm thử bất kỳ công việc nào, lĩnh hội các nền văn hóa khác nhau, cảm nhận những cuộc sống khác nhau, kết bạn với những người bạn khác nhau. Mẹ tin tưởng vào năng lực của con.
Đương nhiên con có thể sẽ gặp nhiều đau đớn, những khó khăn và khổ nạn, sẽ có lúc cảm thấy cô đơn, thậm chí có lúc cảm thấy mình đầy thương tích. Nhưng đương nhiên con cũng sẽ được nhấm nháp vị ngọt của thành công, tình yêu và hạnh phúc của mình. Mẹ tin tưởng rằng cả đời này con sẽ được tôi luyện. Đến lúc tuổi già, thì tất cả những chuyện này sẽ trở thành những tài sản vô giá trong ký ức của con.
Cuộc sống luôn luôn là như vậy, con cứ nghĩ rằng đang mất đi, nhưng chính là con đang có được. Kiên trì học tập, chăm chỉ đọc sách, hoàn thiện chính mình, gặp chuyện thì không nóng không vội, nội tâm bình tĩnh ung dung, chắc chắn con sẽ trưởng thành.
****
Nguyên lai, lo lắng chính là một lời nguyền rủa
Có một người thanh niên trẻ tuổi là phóng viên đài truyền hình, thường hay tăng ca, giờ giấc ngày và đêm đảo lộn. Bởi vì ở cùng gia đình, cho nên mẹ của cậu ta thường xuyên lo lắng, thường xuyên nhắc nhở cậu: Phải nhớ ăn cơm, đừng ngủ quá trễ, lái xe phải cẩn thận…, cứ lải nhải như vậy lặp đi lặp lại cả ngày. Cậu ta vốn cũng không thấy khó chịu, nghe mãi thành quen. Nhưng mà đôi lúc cậu cũng không đủ kiên nhẫn, vừa nhìn thấy mẹ mình bèn vội lẩn tránh, để đỡ phải nghe nói rông dài tới nửa ngày.
Có một lần người thanh niên này đi đến Hoa Liên phỏng vấn vị pháp sư Chứng Nghiêm, nghe được pháp sư nói câu này, cậu cảm thấy rất có đạo lý. Pháp sư nói: “Nếu một người cha mẹ thường xuyên lo lắng cho con cái của họ, thì con của họ sẽ không có phúc khí; bởi vì phúc khí đều bị cha mẹ lo lắng mà rơi rớt mất”.
Vị pháp sư còn nói: “Nếu cha mẹ hi vọng con cái của mình gặp may mắn nhiều hơn, hãy chúc phúc cho đứa trẻ, mà không cần phải lo lắng”.
Người thanh niên nghe nói như vậy thì vô cùng hưng phấn, vừa về tới nhà lập tức kể lại lời của pháp sư Chứng Nghiêm cho mẹ của anh nghe. Anh nói, từ nay về sau, nếu mẹ vẫn còn tiếp tục lo lắng cho anh mà kêu ca cả ngày như trước nữa, thì anh nhìn thấy mẹ cũng sẽ không tiếp tục lẩn tránh, và cứ thế thì tai vạ sẽ đến nhiều hơn. Người mẹ nghe xong cũng giật mình hối hận.
Quả vậy, ý niệm trong lời nói càng tích cực thì mới hy vọng mang đến nhiều niềm vui và may mắn. Từ nay trở đi, chúng ta cần phải cẩn thận từng ý từng niệm đầu của mình. Bạn đối với con cái, người thân của mình, là lo lắng nhiều? hay là chúc phúc nhiều hơn?
Thật sự, yêu quý người thân của mình, thay vì lo lắng, hãy chúc phúc cho họ!
Bảo An, theo kannewyork