Lạc thần hoa hay bụp giấm (Hibiscus Sabdariffa) thuộc họ Dâm bụt, có nguồn gốc từ Bắc Mỹ và Đông Nam Á nhưng hiện được trồng ở nhiều nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nhiều bộ phận của cây được dùng làm thực phẩm hoặc làm thuốc.
>>> Dùng trà mỏ hạc giúp điều trị vô sinh
Bụp giấm có nguồn gốc ở Tây Phi, được trồng để lấy ngọn và đài hoa làm rau chua và làm thuốc, đã nhập vào nước ta từ những năm 70 của thế kỷ trước.
Nó còn được gọi với một tên thông dụng là rosella, người Châu Mỹ La tinh gọi là jamaica, karkady ở Trung Đông, bissap ở Tây Phi, cây me chua đỏ ở vùng biển Caribbean, người Trung Quốc gọi là hoa lạc thần, Việt nam gọi là bụp giấm vì nó giống cây dâm bụt nhưng có vị chua như giấm, và nhiều tên khác nữa
Theo đông y, bụp giấm có vị chua, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, lợi tiểu, lợi mật.
Theo tài liệu nước ngoài, những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chứng minh hoạt chất từ bụp giấm có tính kháng khuẩn, kháng nấm, chống viêm, chống oxy hóa (sự già hoá của cơ thể), giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, tăng cường chức năng tiêu hoá, nhuận tràng, hạ huyết áp, làm giảm cholesterol trong máu, chống xơ vữa động mạch, giảm sự đọng lipit ở gan và bảo vệ tế bào gan.
Bụp giấm thường phối hợp với các vị thuốc khác để chữa bệnh gan mật, cao huyết áp. Liều dùng 9 – 15g đài hoa, sắc hoặc hãm nước uống.
Công dụng của hoa bụp giấm
Bụp giấm còn có tác dụng chống béo phì, ức chế men amylase, vì vậy uống một chén trà bụp giấm sau bữa ăn sẽ làm giảm sự hấp thu đường và tinh bột nhờ đó góp phần giảm cân.
Chống cảm lạnh, cúm chính nhờ hàm lượng vitamin C rất cao và sự hiệp đồng của các acid hữu cơ nên bụp giấm có tác dụng kháng khuẩn và giúp cơ thể tăng sức đề kháng và hoạt động hệ miễn dịch, ít bị nhiễm các bệnh cảm cúm và các bệnh thông thường.
Chống táo bón, ngừa bệnh trĩ, nhờ hàm lượng chất xơ cao trong bụp giấm. Lá non dùng làm rau ăn, cũng có tác dụng lợi tiểu, an thần và làm mát.
Hoa bụp giấm có chứa một số chất có tính kháng sinh, do đó nó được dùng như một phương thuốc thảo dược trị ho, viêm họng trong các bài thuốc dân gian. Đài hoa bụp giấm chưng đường phèn, mật ong lấy nước uống vài lần/ngày sẽ giúp tiêu trừ các chứng bệnh về đường hô hấp. Sử dụng hoa bụp giấm thường xuyên cũng là cách ngăn ngừa ho, cảm cúm.
Hoa bụp giấm khi chế biến thành trà còn có tác dụng bổ sung vitamin C làm đẹp da hoàn hảo.
Hoa bụp giấm còn được sử dụng làm thức uống giải nhiệt
Do sử dụng lá đài nên nhiều nước thường sản xuất bụp giấm ở dạng trà cho dễ uống. Thức uống này phổ biến trên thế giới và họ thưởng thức cả dạng nóng và lạnh.
Khoa học công bố năm 2010 trên Tạp chí Nutrition cho thấy, có thể hỗ trợ giảm huyết áp bằng trà hoa bụp giấm ở những người có nguy cơ cao huyết áp.
Tương tự, một nghiên cứu năm 2015, phát hiện ra rằng uống trà còn giúp giảm đáng kể huyết áp tâm thu và tâm trương.
Mặt khác, khi so sánh trà bụp giấm với trà đen về khả năng duy trì mức cholesterol, kết quả thí nghiệm cho thấy cả hai đều làm tăng cholesterol tốt và giảm cholesterol xấu, triglyceride.
Kết quả phân tích thành phần của hoa bụp giấm chứa nhiều vitamin C, vitamin A, khoáng chất và khoảng 15-30% axit hữu cơ, bao gồm axit citric, axit malic, axit tartric, acid hibiscus…
Trà bụp giấm có một hương vị chua giống như quả nam việt quất và người ta thường pha thêm ít đường thành một thức uống giải khát nhẹ nhàng dễ hấp thu, giải nhiệt và kích thích tiêu hóa.
Do thuộc nhóm trà tự nhiên, lượng calorie trong trà bụp giấm rất thấp và hoàn toàn không chứa caffein. Tuy nhiên hãy chú ý khi bạn thêm đường hoặc mật ong vào trà, vì điều đó đồng nghĩa với việc tăng lượng carbohydrate tiêu thụ.
Lợi ích sức khoẻ tim mạch liên quan đến trà Hibiscus dường như nhờ vào các hợp chất anthocyanins, vốn tạo ra màu đỏ đặc trưng cho trà.
Riêng chất dầu ép từ hạt bụp giấm có tác dụng chống nấm và bệnh ngoài da.
Dầu bụp giấm chứa nhiều vitamin E và các chất béo không no, có tác dụng tốt đối với người cao tuổi và người kiêng ăn.
Tại Ấn Độ, châu Phi và Mexico, người ta sử dụng toàn cây bụp giấm để làm thuốc
Dịch ép từ lá hoặc đài hoa được coi là thuốc lợi tiểu, lợi mật, hạ nhiệt và hạ huyết áp, nó giúp giảm độ nhớt của máu và kích thích nhu động ruột.
Đầu thập niên thế kỷ 20, các nhà dược lý học ở Senegal nghiên cứu dịch chiết hoa bụp giấm có tác dụng giảm huyết áp và điều hòa cholesterol trong máu rất tốt.
Đến năm 1962, Sharaf xác nhận lại lần nữa tác động hạ huyết áp của bụp giấm và còn chứng minh thêm tác dụng chống co thắt, tẩy ký sinh trùng đường ruột và kháng khuẩn.
Ba năm sau, Sharaf và các cộng sự tiếp tục chứng minh cả hai dịch chiết nước và cồn của hoa bụp giấm còn có tác dụng kháng Mycobacterium tuberculosis.
Một thí nghiệm nữa cũng chứng minh dịch chiết nước hoa bụp giấm còn giúp làm giảm độ hấp thu của rượu vào máu vì vậy đàn ông ở xứ Guatemala thường uống trà rosella là một phương pháp để giải rượu khi “quá chén”.
Khi nào không dùng trà hoa bụp giấm?
Một tổng kết các nghiên cứu năm 2013 cho thấy chiết xuất hibiscus ở liều rất cao có thể gây tổn thương gan. Báo cáo này cũng cho biết chiết xuất artiso đỏ tương tác với hydrochlorothiazide (thuốc lợi tiểu) ở động vật và acetaminophen ở người.
Những người uống trà thảo dược nên báo cho bác sĩ biết, vì một số loại thảo dược có khả năng tương tác với thuốc.
Theo các nguồn thông tin khác, uống artiso đỏ không an toàn cho những người đang dùng chloroquine, một loại thuốc sốt rét. Hibiscus có thể làm giảm tác dụng của thuốc trong cơ thể.
Những người bị bệnh tiểu đường hoặc đang dùng thuốc điều trị cao huyết áp nên theo dõi mức đường máu và huyết áp khi dùng hibiscus, vì nó nó có thể làm giảm đường trong máu hoặc huyết áp.
Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú không nên uống trà artiso đỏ.
Chúc Di (t/h)